Nguy hại cho thận khi sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên

Người bệnh nên thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc giảm đau, chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Với những người có tiền sử bệnh thận hoặc có nguy cơ mắc bệnh thận (như người lớn tuổi, bệnh nhân tiểu đường…) nên tránh dùng các loại thuốc giảm đau.

Mới đây, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Artemis tại thành phố Gurugram (Ấn độ) vừa có cảnh báo về việc dùng thuốc giảm đau không kê đơn trong thời gian dài, có thể dẫn đến tổn thương thận ở người sử dụng, India Times đưa tin.

Về cơ bản, có hai nhóm thuốc giảm đau không kê đơn đó là thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) và paracetamol (acetaminophen).

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là những thuốc thông dụng dùng để hạ sốt và giảm đau mức độ nhẹ. Nhóm này bao gồm ibuprofen, diclofenac, naproxen… Còn các loại thuốc như aspirin, acetaminophen, caffeine… thường được sử dụng để điều trị chứng đau đầu và đau lưng mãn tính.

TS. Manju Aggarwal, Trưởng phòng dịch vụ y tế, kiêm Chủ tịch khoa Thận, Bệnh viện Artemis (Ấn Độ), cho biết hiện nhiều người không biết được tác hại khôn lường khi sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên. Việc dùng các loại thuốc này lâu dài có thể dẫn đến tình trạng tổn thương thận.

Đối với nhóm người khỏe mạnh, thuốc giảm đau không gây tác dụng phụ cho thận (nếu thỉnh thoảng dùng). Thế nhưng, khi dùng những loại thuốc này trong một thời gian dài và kết hợp với nhiều loại thuốc khác, có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng, TS. Aggarwal nhấn mạnh.

Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người già, người mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân cao huyết áp… thì khi sử dụng thuốc giảm đau quá nhiều, thận sẽ bị tổn hại nghiêm trọng hơn.

Phần lớn bệnh nhân có thể mua thuốc giảm đau dễ dàng tại bất kỳ hiệu thuốc nào, không cần sự kê đơn của bác sĩ. Ảnh minh họa: Psmag.com

Phần lớn bệnh nhân có thể mua thuốc giảm đau dễ dàng tại bất kỳ hiệu thuốc nào, không cần sự kê đơn của bác sĩ. Ảnh minh họa: Psmag.com

Theo TS. Aggarwal, hầu hết bệnh nhân bị tổn thương thận cấp tính, thường có nồng độ creatinine máu tăng cao. Trường hợp bệnh nhân đã từng mắc bệnh thận mãn tính cũng có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn khi nồng độ creatinine tăng lên. Vì khi sử dụng thuốc giảm đau có thể làm tăng nồng độ kali trong cơ thể.

Trong giai đoạn đầu của bệnh thận, hầu hết bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, “khi tình trạng bệnh trở nặng, người bệnh có thể bị khó thở, nôn mửa, chán ăn và sưng phù khắp cơ thể”, vị tiến sĩ này cho biết thêm.

Người bệnh nên thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc giảm đau, chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Với những người có tiền sử bệnh thận hoặc có nguy cơ mắc bệnh thận (như người lớn tuổi, bệnh nhân tiểu đường…) nên tránh dùng các loại thuốc giảm đau.

Thay vào đó, bệnh nhân nên dùng paracetamol hoặc opioid để kiểm soát cơn đau. Nếu mọi người thường xuyên dùng thuốc giảm đau và nhận thấy nồng độ creatinine máu tăng cao, hãy ngừng sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ chuyên khoa thận để kịp thời theo dõi sức khỏe, TS. Aggarwal khuyến cáo.

Minh Thảo

Theo India Times

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nguy-hai-cho-than-khi-su-dung-thuoc-giam-dau-thuong-xuyen/