Nguyên do khiến việc xét nghiệm và điều trị đậu mùa khỉ tại Mỹ chậm trễ?

Mặc dù đã 2 tháng kể từ khi Mỹ ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên song dường như vẫn còn nhiều trở ngại ngăn cản người bệnh xét nghiệm và tiếp cận phương thức điều trị căn bệnh này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tạp chí The Time, trong tháng 6, giới chức y tế thông báo một mạng lưới cơ sở hạ tầng xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ đã được triển khai thông qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Mạng lưới Phòng Thí nghiệm Ứng phó (LRN), bao gồm 67 phòng thí nghiệm ở 48 tiểu bang, có khả năng xử lý hơn 8.000 mẫu xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ mỗi tuần.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, viễn cảnh về việc xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân đã bớt lạc quan. Các chuyên gia chỉ ra sự thất bại trong hệ thống xét nghiệm đối với bệnh đậu mùa khỉ tương tự như những gì xảy ra trong lần phản ứng của y tế Mỹ đối với làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Tính đến ngày 21/7, Mỹ ghi nhận tổng cộng 2.593 ca mắc đậu mùa khỉ tại 44 bang và Puerto Rico, song con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.

“Chúng ta chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm. Chúng ta biết rõ đây là loại virus dễ lây lan trong cộng đồng ngay bây giờ, ít nhất là trong những nhóm cộng đồng nhất định”, Michael Mina – giáo sư chuyên về dịch tễ tại Học viện Y tế Công cộng T.H.Chan Harvard – nói.

Không đủ phòng xét nghiệm

Các phòng xét nghiệm LRN gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm ngày càng tăng đối với bệnh đậu mùa khỉ ở một số vùng. Ngày 22/6, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đã ủy quyền cho 5 phòng thí nghiệm tư nhân, là Aegis Science, Labcorp, Mayo Clinic Laboratories, Quest Diagnostic và Sonic Healthcare, thực hiện xét nghiệm. Với sự giúp đỡ của các phòng thí nghiệm tư nhân, công suất xét nghiệm hàng tuần trên toàn quốc đã tăng gần 10 lần, từ 8.000 lên 70.000 ca.

Tuy nhiên, con số đó vẫn là chưa đủ, đặc biệt là tại các điểm nóng trong đợt dịch bùng phát Joseph Osmundson, nhà sinh học phân tử tại Đại học New York, cho biết: “Phòng xét nghiệm tại thành phố New York kiểm tra 20 mẫu phẩm mỗi ngày, gần đạt công suất cho phép. Nhưng tại thành phố Oklahoma, nhu cầu xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ không nhiều như vậy".

Theo CDC, bang New York hiện ghi nhận 581 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong khi chỉ có 5 ca mắc ở Oklahoma. Điều đó khiến phòng xét nghiệm tại một số nơi bị quá tải trong khi phòng xét nghiệm ở nơi khác lại rảnh rỗi.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ ở San Francisco, Mỹ ngày 22/7/2022. Ảnh: AP/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ ở San Francisco, Mỹ ngày 22/7/2022. Ảnh: AP/TTXVN

Quy trình xét nghiệm đậu mùa khỉ quá lâu

Xét nghiệm hiện tại chỉ có thể phát hiện virus orthopoxvirus, một họ virus bao gồm virus gây ra đậu mùa khỉ. Sau đó, bất kỳ kết quả xét nghiệm dương tính nào với virus orthopoxvirus sẽ phải được gửi đến CDC để xác nhận loại virus cụ thể của từng bệnh nhân.

Quy trình “thắt nút cổ chai” đó đã làm gia tăng nguy cơ virus lây lan. James Krellenstein, một nhà hoạt động cộng đồng phòng chống AIDS, cho biết: “Điều quan trọng cần nắm rõ trong bất kỳ đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm nào là thời gian lây lan”.

Ngày 15/7, Giám đốc CDC - Tiến sĩ Rochelle Walensky – công bố những thay đổi về quy định chẩn đoán bệnh. Mặc dù kết quả dương tính vẫn sẽ được gửi đến CDC để xác nhận song kết quả ban đầu sẽ được tính là một trường hợp giả định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Chẩn đoán sớm đồng nghĩa với việc người bệnh nên bắt đầu cách ly tại nhà cho đến khi lành tất cả vết thương trên người.

Khoanh vùng đối tượng quá hẹp

Ban đầu, bệnh đậu mùa khỉ được cho là phổ biến trong cộng đồng đồng tính nam, cho nên trong tháng 5, tháng 6, phần lớn xét nghiệm chỉ dành cho nhóm người này.

Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với những vết ban hoặc vảy mụn của người bệnh, tiếp xúc qua đường hô hấp hoặc thậm chí chỉ chạm vào quần áo hoặc khăn trải giường có dịch tiết của người bệnh. Virus cũng có thể lây từ mẹ bầu sang con qua nhau thai. Cho đến nay, 8 phụ nữ ở Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Trên thế giới cũng xác nhận có ít nhất 2 trẻ em mắc đậu mùa khỉ. Chính vì vậy, bức tường ngăn cản xét nghiệm giữa các nhóm cộng đồng đã được dỡ bỏ.

Hình ảnh dưới kính hiển vi do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh công bố về virus đậu mùa khỉ. Ảnh: AP/TTXVN

Hình ảnh dưới kính hiển vi do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh công bố về virus đậu mùa khỉ. Ảnh: AP/TTXVN

Chỉ những người nổi ban mới được xét nghiệm

Thời gian ủ bệnh của virus gây đậu mùa khỉ có thể lên tới 2 tuần. Mặc dù sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus có thể tồn tại trong chất lỏng cơ thể như nước bọt và nước tiểu, nhưng các xét nghiệm hiện tại không thể phát hiện ra virus nếu ở mức nồng độ thấp như vậy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ không có tác dụng khi người bệnh có những triệu chứng đầu tiên, bao gồm sốt, nhức đầu, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết. Phải cho đến khi phát ban, nhân viên y tế có thể lấy tăm bông thấm trực tiếp lên vết mủ và đưa đi xét nghiệm.

“Nếu không có mụn mủ, mụn nước, thì rất khó để xét nghiệm”, Jennifer McQuiston, bác sĩ thuộc đội phản ứng với bệnh đậu mùa khỉ của CDC, cho hay.

Bên cạnh đó, ban đầu, CDC cũng chỉ chỉ định người bệnh nổi ban tại một số vùng cơ thể nhất định mới được phép xét nghiệm.

Chuyên gia Osmundson cho hay bệnh đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trên cơ thể, nhưng CDC quy định chỉ có thể dùng tăm bông để kiểm tra các tổn thương bên ngoài. Hướng dẫn đó được cho là không phù hợp với thực tế y tế vì các tổn thương bên trong - đặc biệt là ở hậu môn hoặc trực tràng - cũng có thể xảy ra do lây truyền qua đường tình dục.

Osmundson nêu ví dụ một trường hợp mắc đậu mùa khỉ bị đau dữ dội do tổn thương trực tràng. Tuy nhiên, người bệnh đó đã phải chờ 1 tuần mới được xét nghiệm do ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ anh ta bị ung thư. "Thật không thể tin được quy trình lại khó khăn như thế. Bệnh nhân sau đó đã được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ”, vị chuyên gia chỉ ra.

Một khi người bệnh phát ban và đi xét nghiệm, thời gian nhận lại kết quả có thể mất vài ngày. Osmundson cho biết các trung tâm chăm sóc khẩn cấp mất khoảng 3 ngày để trả kết quả. Tại thành phố New York, Bộ Y tế tiến hành xét nghiệm miễn phí, nhưng thời gian trả kết quả có thể lên tới 10 ngày.

Xét nghiệm chậm trễ kéo theo điều trị chậm trễ

Tiếp cận điều trị trong thời gian chờ đợi kết quả cũng nảy sinh vấn đề. Tecovirimat — được gọi là TPOXX — là loại thuốc hàng đầu được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Tương tự thuốc kháng virus COVID-19 Paxlovid, thuốc TPOXX hoạt động hiệu quả nhất khi các triệu chứng mới bắt đầu. Bệnh nhân dùng thuốc càng sớm thì tình trạng nhiễm trùng có thể được kiểm soát càng nhanh.

Nhưng ở hầu hết các nơi, bác sĩ không kê đơn thuốc cho đến khi kết quả xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ dương tính được trả về. Thành phố New York đã phải đưa ra một ngoại lệ đối với hướng dẫn của CDC. Bộ Y tế địa phương cho phép người bệnh sử dụng TPOXX theo quyết định của bác sĩ điều trị” ngay cả trước khi kết quả dương tính được trả về.

Bảo Hà/Báo Tin tức (The The Time)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguyen-do-khien-viec-xet-nghiem-va-dieu-tri-dau-mua-khi-tai-my-cham-tre-20220725161905294.htm