Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người thầy đáng kính của tôi!

Khó có thể kể hết được đóng góp của ông Vũ Khoan đối với ngành ngoại giao và rộng hơn là đối với đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta...

Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, tại thủ đô Washington D.C ngày 13/7/2000. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, tại thủ đô Washington D.C ngày 13/7/2000. (Nguồn: TTXVN)

Tôi rất xúc động nhận được tin nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã ra đi mãi mãi. Từ Thái Lan, tôi xin gửi đến cô Hồ Thể Lan và toàn thể gia đình lời chia buồn, tiếc thương của một người yêu quý và ngưỡng mộ vị thủ trưởng, người thầy đáng kính!

Tôi may mắn từng được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong khoảng 5 năm tại Văn phòng Chính phủ. Lúc này tôi muốn nói một điều gì đó để tưởng nhớ về ông nhưng khó có thể kể hết được đóng góp của ông đối với ngành ngoại giao và rộng hơn là đối với đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm, nhất là vào những thời điểm bước ngoặt của đất nước.

Vào năm 2000, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Tôi nhớ có lần ông nói: “Tớ nhận được tin làm Bộ trưởng như sét đánh ngang tai vì trước tớ chỉ quen làm ngoại giao bây giờ sang một nơi hoàn toàn mới, chả biết có làm được không”.

Tôi biết ông khiêm tốn nên nói vậy. Với tầm vóc và kinh nghiệm của mình cộng với tác phong làm việc sâu sát, tỉ mỉ, khoa học, thu phục nhân tâm, ông đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo xuất sắc của ngành thương mại, mặc dù thời gian ở Bộ không dài.

Một trong những dấu ấn lớn của ông là cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ và ông là người thay mặt Chính phủ đặt bút ký với Chính phủ Hoa Kỳ, mở ra một thời kỳ mới hội nhập thực chất, mở đường cho cuộc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kéo dài 12 năm về sau.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành. (Nguồn: TGCC)

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành. (Nguồn: TGCC)

Năm 2002, ông từ Bộ Thương mại lên làm Phó Thủ tướng phụ trách mảng đối ngoại và hội nhập của Chính phủ. Lúc đó tôi là Vụ phó Vụ Các tổ chức kinh tế quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ phụ trách tham mưu mảng đàm phán thương mại. Công việc chính của tôi là xử lý các văn bản của các bộ và trình Phó Thủ tướng giải quyết các công việc về hội nhập kinh tế quốc tế.

Làm việc với ông rất thích vì ông chỉ đạo rất rõ ràng, mạch lạc, logic, ngôn ngữ thì dân dã, dễ hiểu. Tôi đã sẵn ngưỡng mộ uy tín lớn về ngoại giao của ông trong giai đoạn khó khăn của Đổi mới, quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, mở cửa và gia nhập ASEAN, APEC, ASEM…

Khi về Chính phủ làm Phó Thủ tướng, ông nhận nhiệm vụ chỉ đạo tiến trình đàm phán gia nhập WTO đầy cam go. Tôi may mắn là một trong những người ở Văn phòng Chính phủ lúc bấy giờ trực tiếp tham mưu giúp ông trong chỉ đạo đàm phán nên nhớ rất rõ những thách thức về cả đối nội và đối ngoại đặt ra cho vị “Tổng tư lệnh”.

Đàm phán gia nhập WTO diễn ra dai dẳng với 14 phiên đa phương và hàng trăm cuộc đàm phán song phương với gần 30 nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới là vô cùng thách thức, nhưng đàm phán nội bộ, thuyết phục các cơ quan, đối tác, doanh nghiệp trong nước thay đổi tư duy, sửa đổi luật pháp là việc khó khăn, phức tạp không kém. Tại sao đàm phán kéo dài 12 năm là vậy.

Ông đã khéo léo thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng trong đàm phán, động viên được sức mạnh của các bộ, ngành, kết hợp được tiến trình đàm phán bên ngoài với tiến trình đổi mới chính sách bên trong để chỉ đạo Đoàn đàm phán Chính phủ kết thúc một cách khá trọn vẹn cả đàm phán đa phương và song phương gia nhập WTO vào cuối năm 2006, từ đó mở ra một chương mới về hoàn thiện thể chế kinh tế của đất nước theo kinh tế thị trường, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng ông là người rất khiêm tốn, không khi nào tôi thấy ông nhận công lao về mình.

Tính ông không “đao to búa lớn” nhưng cấp dưới thường “tâm phục khẩu phục” và cá nhân tôi học được rất nhiều từ ông, nhất là lối tư duy đối ngoại mới mẻ, độc đáo của ông sau mỗi cuộc họp, mỗi chuyến công tác hay đơn giản qua những lần báo cáo công việc với ông.

Ông quan tâm cả những việc tưởng như nhỏ. Ví dụ, ông sửa lỗi văn bản cho tôi và dặn không được nhầm từ “bảo đảm” với “đảm bảo”. Có lần ông giao tôi thảo thư chúc mừng Phó Thủ tướng Thái Lan Supachai Panitchpakdi được bầu làm Tổng giám đốc WTO. Tôi mới tốt nghiệp Thạc sĩ ở Mỹ về nên khá tự tin về tiếng Anh. Tôi soạn một bức thư đúng chuẩn văn phong ngoại giao phương Tây, khi cảm thấy hay rồi tôi đem dự thảo thư đến phòng làm việc của ông.

Tôi tưởng ông sẽ khen, nào ngờ ông cầm bút gạch chéo cả trang A4. Ông nói: “cháu nên viết ngôn ngữ đơn giản, không hoa hòe hoa sói phức tạp, cái chính là phải thể hiện tình cảm chân thành”.

Về sau này, khi đã nghỉ hưu ông vẫn sinh hoạt đảng ở Chi bộ Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ. Tôi có điều kiện được gặp gỡ ông nhiều hơn. Ông hay nói vui: Tớ bây giờ hưu rồi như “ếch ngồi đáy giếng”, ấy vậy mà tôi vẫn thích dự những cuộc nói chuyện, giảng bài của ông, hoặc đơn giản là đọc những cuốn sách được ông tặng như “Chuyện nghề chuyện nghiệp ngoại giao” hay “Vài ngón nghề ngoại giao”...

Hôm nay được tin ông mất! Xin cúi đầu vĩnh biệt người thầy, người anh gần gũi, đáng kính của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao, nhiều cán bộ đã từng công tác tại Văn phòng Chính phủ.

TS. Phan Chí Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguyen-pho-thu-tuong-vu-khoan-nguoi-thay-dang-kinh-cua-toi-231809.html