Nhà báo trở thành chuyên gia công nghệ - Xu thế tương lai

Trong thời đại số hóa và tiến bộ công nghệ không ngừng, vai trò của nhiều nhà báo trên thế giới đang trải qua sự biến đổi đáng kể. Thay vì loay hoay xử lý các tài liệu phức tạp, họ tự biến mình thành chuyên gia công nghệ và phát triển những công cụ AI phục vụ cho bài báo của mình. Đây được xem là xu thế tương lai của nghề báo.

Báo chí 4.0: Nhà báo tự phát triển công cụ AI

Chuyện bắt đầu vào năm 2021 khi đại dịch COVID-19 còn hoành hành khắp thế giới, Philippines đã hào phóng chi tới 134 triệu USD để đặt mua số lượng lớn laptop nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy trực tuyến cho giáo viên. Tuy nhiên, chiếc laptop nhận về được đánh giá là không đúng chất lượng so với số tiền khủng được nhà nước chi trả.

Nghi ngờ có điều gì đó không ổn, phóng viên Llanesca T. Panti của GMA News Online đã tiến hành điều tra bản tóm tắt báo cáo kiểm toán dài 46 trang của Ủy ban Kiểm toán Philippines (COA). Cuối cùng, cô phát hiện vài dòng cung cấp thông tin chi tiết về việc mua laptop nằm ở trang 26. Việc Bộ Giáo dục Philippines mua những chiếc laptop đắt hơn đã khiến số lượng laptop mua bị giảm xuống, 28.000 giáo viên không được hưởng quyền lợi.

Câu chuyện nhanh chóng lan truyền và khiến công chúng phẫn nộ. Trong vài tháng, một ủy ban của Thượng viện Philippines đã đề nghị nộp đơn buộc tội hối lộ và khai man đối với các quan chức liên quan đến hoạt động mua laptop.

Nếu không có đôi mắt sắc bén của Panti, công chúng khó có thể biết đến vấn đề này. Theo Trung tâm Tự do và Trách nhiệm Truyền thông - một cơ quan giám sát truyền thông ở Philippines, nhiều báo cáo kiểm toán của COA rất khó để đọc và hiểu. Thông thường, các phóng viên và biên tập viên phải xem qua hàng chồng trang và cố gắng tìm ra nội dung nào đáng đưa tin từ mỗi trang.

Thấy các đồng nghiệp phải chật vật với hàng chồng tài liệu dày cộp, nhà báo người Philippines Jaemark Tordecilla đã dành 16 giờ đồng hồ để nghiên cứu ứng dụng AI của riêng mình bằng cách sử dụng tính năng “create a GPT” của OpenAI để tạo phiên bản ChatGPT tùy chỉnh, nhằm giúp các nhà báo giảm đáng kể thời gian tra cứu tài liệu, từ đó phát hiện ra những manh mối quan trọng một cách dễ dàng.

 Sophia Smith Galer và chatbot Sophina của cô ấy. Ảnh: Sophia Smith Galer

Sophia Smith Galer và chatbot Sophina của cô ấy. Ảnh: Sophia Smith Galer

Công cụ AI được đặt tên là COA Beat Assistant, cho phép tóm tắt tài liệu và đưa ra những dữ liệu đáng ngờ trong tài liệu đó. “Nó rất hữu ích, mặc dù không đầy đủ và có nhiều lỗi định dạng” - Tordecilla nhận xét. “Nhưng thông tin mà nó đưa ra sẽ ngay lập tức hữu ích cho bất kỳ phóng viên điều tra nào đang tìm kiếm manh mối. COA Beat Assistant đã hoàn thành sứ mệnh của mình”.

Do có hàng tá báo cáo kiểm toán được xuất bản hàng năm và mỗi báo cáo thường mất ít nhất 1 - 2 giờ để xem qua, nên việc dành 16 giờ để phát triển công cụ này có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian về lâu dài.

Không chỉ Tordecilla, một nhà báo người Anh tên Sophia Smith Galer cũng đã đào tạo một mô hình AI bằng các tập lệnh của riêng mình và tạo một chatbot để giúp các nhà báo tạo ra các video dọc có tính lan truyền. Sophina là trợ lý kịch bản, được sử dụng để chỉnh sửa lại một bài báo, bài viết học thuật hoặc báo cáo của công ty thành một kịch bản được tối ưu hóa để có thể lan truyền rộng rãi.

Nếu được sử dụng đúng cách, Sophina sẽ giúp các tòa soạn tạo ra nhiều video dọc có tính lan truyền hơn. Hơn hết, Sophina giúp các nhà báo ít kinh nghiệm về mạng xã hội có thể đưa tin bài của mình lên mạng xã hội nhiều hơn và chất lượng hơn.

Với Sophia Galer, video dọc như định dạng trên Tiktok, Reels hay Shorts là loại video thu hút nhiều tương tác nhất và cũng là công cụ vô giá trong quá trình truyền tải tin tức trên mạng xã hội hiện nay. “Tôi muốn môi trường internet lành mạnh hơn và nhiều nhà báo tạo nội dung hay trên Instagram và TikTok sẽ giúp biến điều đó thành hiện thực” - cô bày tỏ.

Các tòa soạn cần có những chuyên gia AI

Khi ngay cả các nhà báo đã bắt đầu biết cách tự tạo công cụ AI phục vụ cho bài báo của mình, thì các tòa soạn cũng đang tích cực cho ra đời những vị trí nhân sự hoặc bộ phận có vai trò chuyên về công nghệ AI. Chẳng hạn như tại Washington Post mới đây đã bổ nhiệm Phoebe Connelly là biên tập viên cấp cao đầu tiên về chiến lược và đổi mới AI.

Công việc của Connelly là giám sát việc phát triển các công cụ và quy trình đưa AI tạo sinh vào tòa soạn, duy trì các tiêu chuẩn biên tập, giúp tòa soạn có quyền truy cập vào các công cụ hỗ trợ bởi AI để nâng cao hiệu suất làm việc, tổ chức các buổi thảo luận về cách sử dụng công cụ mới này để đáp ứng công việc. Tất cả đều nhằm mục đích phục vụ độc giả tốt hơn.

 Tranh minh họa do công cụ AI Midjourney tạo ra “một nhà báo người Philippines và một người máy thân thiện làm việc cạnh nhau trong tòa soạn”.

Tranh minh họa do công cụ AI Midjourney tạo ra “một nhà báo người Philippines và một người máy thân thiện làm việc cạnh nhau trong tòa soạn”.

Thực tế, trong năm 2023, một số cơ quan báo chí như Sports Illustrated, CNET và Gizmodo đã mắc những sai sót nghiêm trọng khi áp dụng AI do không có chiến lược và phòng ban phụ trách AI rõ ràng, dẫn đến các bài báo kém chất lượng, sai thông tin và dẫn đến những cuộc khủng hoảng truyền thông.

Chỉ khi có những nhân sự chuyên về AI như Connelly ở Washington Post hay New York Times và Wall Street Journal thậm chí còn có cả một phòng ban chiến lược AI, các tòa soạn nói chung, các nhà báo nói riêng trong các tổ chức báo chí mới có thể sử dụng AI đúng cách nhất. Ngoài ra, sự bổ sung này sẽ giúp các tòa soạn, các nhà báo được hưởng lợi nhiều hơn từ AI, sử dụng tốt hơn AI khi áp dụng nó vào công việc của mình.

Như Connelly chia sẻ, tất cả mọi người trong tòa soạn Washington Post đều khuyến khích thử nghiệm các công cụ AI có tính sáng tạo. AI không thể tự tác nghiệp lấy tin tức, nhưng sẽ giúp các nhà báo rất nhiều trong việc tác nghiệp nếu có thể khai thác triệt để công cụ này. Connelly tuyên bố rằng, cô và các nhà báo không nên sợ AI, mà hãy tận dụng nó!

Hoài Phương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-tro-thanh-chuyen-gia-cong-nghe--xu-the-tuong-lai-post299881.html