Nhà báo và chuyên gia, có một tình bạn như thế
Tình bạn lớn của họ chính là những net-working, những tập hợp tri thức và tình cảm sâu sắc, chân thành, trung thực giúp họ giỏi trong lĩnh vực họ theo đuổi.
Dịp đại lễ 30.4.2025 vừa qua - trong không khí tưng bừng cảm động của toàn dân, tôi bất ngờ nhận được lời mời tham dự “cuộc gặp mặt bạn bè đặc biệt” do chuyên gia kinh tế nổi tiếng Phạm Chi Lan tổ chức tại TP.HCM. Lý do chính của cuộc gặp này là để những người bạn Việt Nam cùng trò chuyện với người bạn lâu năm thân thiết của bà, là giáo sư - nhà báo Nayan Chanda.
Tôi vui mừng vì dịp này được gặp một nhà báo người Ấn Độ nổi tiếng nửa thế kỷ qua trên các tờ báo quốc tế mà tôi chỉ nghe tên. Chanda là cây bút chuyên về các vấn đề Đông Dương từ trước năm 1975 trên tờ Kinh tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review). Là phóng viên thường trú tại Sài Gòn, ông không chỉ viết nhiều về Việt Nam mà còn có mặt tại Sài Gòn đúng vào thời điểm xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm. Và đó cũng là lý do ông trở lại đây trong dịp đại lễ 50 năm với tư cách khách mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với nhiều nhân chứng quốc tế từng có mặt tại Sài Gòn ngày 30.4.1975 lịch sử.
Đến điểm hẹn, tôi càng vui mừng và ngạc nhiên khi thấy các vị khách của cuộc gặp này toàn là những người nổi tiếng, giỏi giang mà tôi có quen biết và quý trọng: Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nhà ngoại giao nổi tiếng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM. Ông Lương Văn Lý, nguyên phó giám đốc hai sở của TP.HCM (Sở ngoại vụ và Sở Kế hoạch - Đầu tư), thông thạo mấy ngoại ngữ, hiện là luật sư. Bà Ngô Phương Thiện - giáo sư Anh văn, con gái cố luật sư nổi tiếng Ngô Bá Thành. Chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi, Việt kiều Mỹ. Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu - một cây bút nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội về các vấn đề lịch sử và bảo tồn di sản.
Hai nhà báo, hai cựu tổng biên tập là Vũ Kim Hạnh và Nguyễn Thế Thanh đã nghỉ hưu từ lâu vẫn đang tích cực làm những việc ít nhiều có ích cho xã hội. Tiến sĩ Nguyễn Nam, người sáng lập và giảng viên chính của bộ môn Việt Nam học - Đại học Fulbright Việt Nam, từng nghiên cứu và giảng dạy Đông Nam Á học ở các đại học Đức, Mỹ.
Và người cuối cùng tôi dành nhắc tới trong phần “lý lịch trích ngang” này là Tiến sĩ Phạm Xuân Hoàng Ân từng học tập ở Nga và Mỹ, con trai của Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, một phiên dịch tiếng Anh rất giỏi của Sở Ngoại vụ TP.HCM. Anh Ân chính là người mà dịp này nhà báo Chanda rất muốn gặp gỡ, trò chuyện do mối thân tình đồng nghiệp của ông với Phạm Xuân Ẩn thời kỳ ông Ẩn hoạt động bí mật ở Sài Gòn trong vai trò phóng viên của tạp chí Time.

Những người bạn trong cuộc gặp gỡ nhà báo Nayan Chanda tại Sài Gòn.
Nói cho vui, có vẻ như chúng tôi đều là những người “ăn theo” Phạm Xuân Hoàng Ân trong cuộc gặp này. Và, cũng có vẻ như chị Phạm Chi Lan khi tổ chức cuộc gặp mặt bạn bè đặc biệt này có chú ý đến yếu tố ngoại ngữ, vì cả hai vợ chồng nhà báo Chanda đều có thể sử dụng cùng lúc tiếng Anh và tiếng Pháp (Bà Greta Chanda - vợ của nhà báo Nayan Chanda cũng là người Ấn Độ và là giáo viên tiếng Pháp của một trường tiểu học ở Sài Gòn khi chồng bà hoạt động báo chí ở đây). Cũng may là tôi ngoài việc viết báo và viết sách, trong đó có cuốn về ông Phạm Xuân Ẩn, cũng có chút tiếng Anh để giao tiếp.
Cuộc gặp bạn bè đặc biệt mà chuyên gia Phạm Chi Lan tổ chức thật khéo, chỉ là những câu chuyện vui giữa bạn bè. Không có ai phát biểu điều hành long trọng. Không cả “Giới thiệu đại biểu”. Mọi người tự thăm hỏi nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm xa, gần trong mấy mươi năm qua giữa người làm báo và làm chuyên gia trong các lĩnh vực ngoại giao, nghiên cứu kinh tế, xúc tiến thương mại đầu tư, giáo dục, di sản. Kẻ chuyên gia ngoại giao, người chuyên gia kinh tế, kẻ chuyên gia giáo dục, di sản, người bậc thầy trong xúc tiến ngoại thương và tất nhiên, có cánh nhà báo nữa. Đã giúp nhau tận tình như thế nào trong công việc với sự chân thành, trung thực từ thế mạnh chuyên môn của mình. Có cả chuyện bảo vệ nhau trước những sự nghi kỵ, hiểu lầm chết người. Vui cười nghiêng ngả, đúng chất cuộc gặp bạn bè thân thiết từ lâu.

Từ phải: TS. Phạm Xuân Hoàng Ân, nhà báo Nayan Chanda, chuyên gia Phạm Chi Lan, bà Greta Chanda, bà Ngô Phương Thiện.
Điều khiến tôi phải ngạc nhiên tìm hiểu là những gì các quý vị này đã và đang làm - thật quý không kém gì những tư liệu quan trọng mà đời nhà báo tôi từng “mắc bệnh tìm kiếm”. Chỉ có khác là: hôm nay gặp nhau không có gì quan trọng bằng tình thân quý bạn bè, chia sẻ những kỷ niệm tuyệt vời, những chuyện đời hay. Không có “báo cáo thành tích” để ghi chép gì cả.
Chúng tôi dành sự ưu tiên chú ý tới tình bạn thân thiết rất lâu năm giữa giáo sư - nhà báo Chanda với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - người phụ nữ nổi tiếng về cách nhìn kinh tế am hiểu thấu đáo, độc lập, với tình yêu và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, người có mối quan hệ thân thiết với nhiều bạn bè nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.
Bà kể: “Tôi và Chanda gặp nhau từ cuối thập niên 1970. Thời đó các phóng viên quốc tế đến tìm hiểu Việt Nam thường được Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao đưa đến gặp tôi ở Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để trao đổi về những vấn đề kinh tế sau chiến tranh”.
Từ đó, tình bạn của họ được củng cố thêm sau nhiều lần gặp gỡ đặc biệt nữa. Đó là khi bà Chi Lan rời công việc cũ để về làm chuyên trách ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (PMRC). Khi dự buổi trao đổi nghe nhóm nghiên cứu của Harvard báo cáo về tình hình Việt Nam trong bối cảnh mới của thế giới, bà cũng gặp Chanda - lúc đó đã tham gia giảng dạy vài đại học Mỹ và nghiên cứu về Viễn Đông, về Việt Nam trong toàn cầu hóa.

Bà Greta Chanda trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Thế Thanh.
Bà Chi Lan còn kể thêm: “Lần tôi đi hội nghị quốc tế ở Hàn Quốc - lúc Việt Nam đã tham gia WTO cũng lại gặp Chanda. Và còn khá nhiều lần nữa, qua trao đổi tình hình Việt Nam và thế giới một cách khách quan, nghiêm túc, chúng tôi thành bạn bè thân thiết. Có lẽ do hiểu nhau: không làm điều gì khác với sự thật, với lợi ích của quốc gia mình và các quốc gia khác. Dịp lễ đặc biệt tháng 4.2025 kỷ niệm 50 năm Việt Nam thống nhất, vợ chồng anh cùng được mời sang dự… Chính nữ nhà văn Mỹ Lady Borton - một người hiểu Việt Nam sâu sắc cũng vui mừng và thích thú với quan hệ thân thiết của chúng tôi. Tôi tin là còn rất nhiều dịp để tôi được gặp Chanda - một người bạn rất yêu Việt Nam”.
Là chuyên gia cao cấp am hiểu các vấn đề kinh tế của Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, qua rất nhiều cuộc trao đổi, bà Chi Lan rất quen thuộc cách làm việc, cách viết của Chanda.
Bà nhận xét: “Ngay những năm Việt Nam vừa bước ra khỏi chiến tranh còn rất nhiều khó khăn, trở ngại không chỉ do khách quan nhưng Chanda với phong cách lịch thiệp giản dị, đặt câu hỏi và đề cập các vấn đề khá thiện chí, nhẹ nhàng và hiểu biết chứ không nặng nề (có thể nói là có phần thiếu thiện chí) như các nhà báo nước ngoài thời đó. Anh ấy hiểu và quan tâm sâu sắc tới Việt Nam như một sử gia chứ không chỉ một nhà báo: những vấn đề số phận con người trong quá trình tái thiết đất nước đầy gian nan sau nhiều năm chiến tranh tàn khốc kéo dài. Anh quan tâm cả góc độ Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế phức tạp qua các thời kỳ. Cách nhìn của anh khách quan, trung thực, không định kiến, quan sát nhiều chiều, tìm hiểu nghiêm túc, có bản lĩnh, chủ kiến”.

Chuyên gia Phạm Chi Lan tặng nhà báo Nayan Chanda bức chân dung ông làm từ vải vụn do các trẻ khuyết tật ở VỤN Art thực hiện.
Bà Chi Lan còn cho tôi xem hình bà đang tặng Chanda bức tranh và giải thích câu chuyện thú vị: “Bức tranh là chân dung anh ấy, tôi lấy hình trên mạng, được VỤN Art - nhóm trẻ em khuyết tật ở làng Vạn Phúc Hà Đông - ghép từ những vải vụn. Anh rất thích bức chân dung đó. Khi anh đến Việt Nam tôi đưa tới thăm cơ sở này để xem tranh. Anh rất xúc động, có bao nhiêu tiền được bồi dưỡng giảng bài anh đem tặng các em hết”.
Sau bữa gặp mặt, bà Chi Lan còn nói thêm chút chi tiết riêng với sự xúc động ngạc nhiên: “Hôm chia tay ở Sài Gòn, anh đưa cho tôi cái bì thư bảo “cầm lấy số tiền Việt chưa tiêu hết”, mở ra tới gần 20 triệu đồng, để giúp trẻ em nghèo”.
Tình bạn của nhà báo và chuyên gia như vậy thật đặc biệt. Họ luôn có những bạn bè tin cậy và hỗ trợ nhau chân tình.
Trong cuộc gặp hôm ấy, Chanda ngồi cạnh Hoàng Ân - ngoái sang hỏi chuyện tôi: “Bà đã viết sách về Phạm Xuân Ẩn thế nào, trong bao lâu?”. Tôi chỉ nói vắn tắt vì không đủ thời gian. Ai cũng biết câu chuyện của Chanda là phóng viên nước ngoài thường trú và đã có mặt ngày 30.4.1975 ở Sài Gòn, nhưng ít người biết Chanda chính là nhà báo trong lúc chạy theo vẫy chào chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập đã nhìn thấy anh bạn nhà báo Phạm Xuân Ẩn của Time đang đứng gần đó… mỉm cười. Chanda ngạc nhiên nghĩ: “Ông này lẽ ra phải đang vội vã leo lên trực thăng để rời đi chứ nhỉ?”. Lúc ấy Chanda nào biết Phạm Xuân Ẩn là một tình báo cộm cán của Việt Cộng nằm trong tờ Time!

Vợ chồng thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn - Thu Nhạn tại Sài Gòn trước 1975, khi ông đang là phóng viên tạp chí Time. Ảnh tư liệu
Sau cuộc gặp mặt bạn bè này cùng Chanda, tôi được bà Chi Lan báo cho biết Chanda về đến quê hương Ấn Độ đã kịp viết bài nóng hổi về Việt Nam trên báo The Hindu ra ngày 7.5.2025. Và cũng nhanh chóng tôi được anh Lương Văn Lý kể tóm tắt cho tôi những nét đặc biệt trong nội dung bài báo của Chanda mà anh đã đọc, viết về “Tính linh hoạt và tính thực tế của những người cộng sản Việt Nam”: “Điều độc đáo nhất của Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước - liên tục đấu tranh vì độc lập dân tộc - đó là điều nằm trong ADN của họ. Lịch sử kháng chiến trường kỳ, chủ nghĩa dân tộc sâu sắc qua văn hóa, phong tục, văn học là điều khiến Việt Nam thực sự mạnh mẽ. Rất rõ ràng, Việt Nam là một yếu tố bảo đảm hòa bình - ổn định của khu vực…”.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa những người bạn là nhà báo - tổng biên tập và những nhân vật văn hóa - trí thức lớn hôm nay cho tôi củng cố thêm bài học nữa về lối sống và nghề nghiệp: tình bạn lớn của họ chính là những net-working, những tập hợp tri thức và tình cảm sâu sắc, chân thành, trung thực, giúp họ giỏi trong lĩnh vực họ theo đuổi - đây chính là điều quan trọng với nhiều công việc - nhất là báo chí truyền thông.
Nhà báo Nayan Chanda sinh năm 1946, hiện sống tại New Delhi, là giáo sư bộ môn nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ashoka. Ông là người sáng lập và tổng biên tập của Yale Global - một tạp chí trực tuyến chuyên đăng các bài báo về vấn đề toàn cầu hóa, ra mắt bạn đọc năm 2001.
Ông đã học đại học và thạc sĩ về quan hệ quốc tế tại Đại học Sorbonne, Pháp.
Ông từng là phóng viên nổi tiếng chuyên về Đông Dương của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông và có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30.4.1975.
Trong rất nhiều cuốn sách của ông xuất bản chung với nhiều người, cuốn sách của riêng ông được nhiều người trên thế giới biết đến là cuốn Brother Enemy: The War, After the War (xuất bản năm 1986), trong đó nêu chi tiết các sự kiện dẫn đến sự bùng nổ cuộc chiến Campuchia - Việt Nam (còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba) trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh chia cắt thế giới. Ông đã viết rất nhiều bài về Việt Nam sau năm 1975 với góc nhìn khách quan của một nhà báo quốc tế.
Bài: Nguyễn Thị Ngọc Hải - Ảnh: CTV