Nhà giáo đam mê nghiên cứu, tạo giống cây trồng

Là nhà giáo, nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về chọn giống, nhân giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu, đến nay, PGS, TS Trần Thị Thu Hà, giảng viên cao cấp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) là tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống cây dược liệu; nhiều quy trình nhân giống cây dược liệu đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận. Cô là tấm gương về nghiên cứu khoa học cho các cán bộ, giảng viên trẻ noi theo.

PGS, TS Trần Thị Thu Hà (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn cán bộ kỹ thuật nhân giống cây thông đất.

PGS, TS Trần Thị Thu Hà (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn cán bộ kỹ thuật nhân giống cây thông đất.

Là nhà giáo, nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về chọn giống, nhân giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu, đến nay, PGS, TS Trần Thị Thu Hà, giảng viên cao cấp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) là tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống cây dược liệu; nhiều quy trình nhân giống cây dược liệu đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận. Cô là tấm gương về nghiên cứu khoa học cho các cán bộ, giảng viên trẻ noi theo.

Chúng tôi đến Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp gặp cô giáo Trần Thị Thu Hà vừa lúc cô đang chuẩn bị cho chuyến công tác Hà Giang để giúp địa phương này phát triển cây dược liệu và cây lâm nghiệp. Cô niềm nở tiếp chúng tôi và cho biết, bên cạnh công tác giảng dạy, cô dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh các dòng keo lai và bạch đàn lai. Đến nay, hằng năm, cung cấp từ ba đến năm triệu cây giống chất lượng cao cho các tỉnh miền bắc và miền trung. Đồng thời, nghiên cứu, nhân giống và trồng thành công các loài cây dược liệu quý của Việt Nam có giá trị kinh tế cao, có nguy cơ bị tuyệt chủng, như: Lan kim tuyến, gừng gió, giảo cổ lam, đinh lăng, khôi tía, tam thất, trà hoa vàng, sa nhân tím… Đây là lĩnh vực nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các loài dược liệu quý của nước ta.

PGS, TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, khi còn là sinh viên Trường đại học Nông lâm, cô Hà là tấm gương về nghị lực vượt khó. Gia đình ở Nghệ An, với hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng cô luôn nỗ lực trong học tập, nghiên cứu và trở thành sinh viên giỏi đứng đầu của khóa. Sau khi tốt nghiệp, cô được nhà trường mời ở lại làm giảng viên. Cô toàn tâm, toàn ý giảng dạy, vừa đi làm, vừa nuôi em mình ăn học. Thời đó, phần lớn sinh viên chưa nghĩ đến việc học tiếng Anh để có cơ hội đi du học nước ngoài, nâng cao trình độ, nhưng cô Hà đã học tốt tiếng Anh và giành được học bổng sang Na Uy, Ô-xtrây-li-a học thạc sĩ rồi tiến sĩ, sau đó trở về trường tiếp tục công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Từ năm 2015 đến nay, cô là giảng viên chính rồi giảng viên cao cấp, được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp. Trong công việc, cô Hà là người quyết đoán, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, để thực hiện bằng được nhiệm vụ nghiên cứu. Chẳng hạn, khi nhiều người chưa nghĩ ra cách phát triển sâm Ngọc Linh, thì cô đã lặn lội vào tỉnh Quảng Nam để nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện được quy trình nhân giống sâm Ngọc Linh. Vì vậy, khi có đơn vị đặt hàng, cô đã có quy trình nhân giống để chuyển giao. Những chuyến công tác dài ngày của cô luôn gắn liền với đồng ruộng, núi rừng, chân lấm, tay bùn. Cũng vì vậy mà đồng nghiệp quý mến đặt cho cô biệt danh là Hà “Rừng”.

Trong mắt các cán bộ trẻ, cô Hà là người luôn tạo không khí làm việc vui vẻ, hướng dẫn tỉ mỉ cán bộ trẻ làm việc và nghiên cứu khoa học theo chuyên môn, khả năng của từng người. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ những cán bộ nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mới từ các đề tài cấp viện. Trên cơ sở đề tài cấp viện, cô giúp cán bộ phụ trách các đề tài hình thành đề tài cấp bộ, cấp nhà nước. Phó Trưởng phòng Đào tạo khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp) Dương Thị Bích chia sẻ: “Đôi lúc, các cán bộ trẻ không theo kịp cường độ làm việc của cô Hà. Bản thân tôi có thể cố gắng làm việc 15 giờ/ngày, nhưng cô Hà có thể làm việc liên tục 20 giờ/ngày khi có nghiên cứu chuyên sâu hoặc hướng dẫn cán bộ nghiên cứu”.

Với những đóng góp trong phát triển cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cô Trần Thị Thu Hà đã được nhiều bộ, ngành, địa phương ghi nhận và trao tặng bằng khen. Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp do cô quản lý đã thực hiện thành công mô hình tự chủ tài chính, nhân sự. Hiện, Trường đại học Nông lâm đang đề nghị cô làm hồ sơ tham dự giải thưởng KOVA dành cho các nhà khoa học nữ tiêu biểu và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng nhà giáo tiêu biểu trong đổi mới, sáng tạo giai đoạn 2015-2019.

Long Thành và Thảo Tiên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/41454902-nha-giao-dam-me-nghien-cuu-tao-giong-cay-trong.html