Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm đã về miền mây trắng

Sáng 24/11, đồng loạt trên tường facebook của rất nhiều bạn bè chúng tôi đều chuyển trạng thái, hình đại diện về màu đen, sen trắng, huệ trắng và những dòng tiếc thương, kính cẩn, vĩnh biệt tiễn đưa Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ khoa học giáo dục Nguyễn Xuân Đàm về miền miên viễn.

Nhà giáo Ưu tú - TS Nguyễn Xuân Đàm cùng người bạn đời - cô giáo Nguyễn Thị Oanh luôn gắn bó với Báo Phú Yên, là cộng tác viên và là bạn đọc thân thiết. Ảnh: MINH NGUYỆT

Nhà giáo Ưu tú - TS Nguyễn Xuân Đàm cùng người bạn đời - cô giáo Nguyễn Thị Oanh luôn gắn bó với Báo Phú Yên, là cộng tác viên và là bạn đọc thân thiết. Ảnh: MINH NGUYỆT

Dẫu biết quy luật khắc nghiệt của thời gian, sự vô thường của tạo hóa vẫn phải đến với bất cứ ai, nhưng trong lòng chúng tôi và bao thế hệ quen biết nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm trong nhiều mối quan hệ vẫn không khỏi xúc động, bàng hoàng, tiếc thương vô hạn.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm, người con ưu tú của quê hương Đồng khởi Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) anh hùng đã hiến dâng cả cuộc đời, dồn tất cả sức lực và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục cách mạng nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng.

Cuộc đời ông là những cuộc trường chinh đầy gian nan và nhiều trắc trở. Bằng tất cả tinh thần của con người yêu nước, một nhà giáo dục cấp tiến, ông đã vượt qua và chiến thắng nó. Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ khoa học giáo dục Nguyễn Xuân Đàm thực sự xem lao động là vinh quang, công tác giáo dục là sự nghiệp của cả cuộc đời…

Cuộc trường chinh cuối cùng của ông giáo già Nguyễn Xuân Đàm là chiến đấu với căn bệnh ung thư hạch bạch huyết. Bằng ý chí, tinh thần và sự lạc quan yêu đời, yêu người, ông đã sống chung với nó, vẫn lao động, làm thơ trong gần 5 năm và rồi thầy Nguyễn Xuân Đàm nhẹ nhàng ra đi với nụ cười viên mãn trong sự yêu thương, kính trọng vô bờ của vợ con, dòng tộc và tất cả những người quen biết ông dù chỉ một lần, thậm chí chưa gặp gỡ.

Chúng tôi, lớp con cháu, trò nhỏ của thầy, vinh dự được nghe ông tâm sự chuyện đời, chuyện nghề mà ông đã từng nếm trải. Với ông, con người sinh ra là phải lao động để trưởng thành và hoàn thiện nhân cách. Bởi vậy, dẫu qua nhiều cuộc thăng trầm, những cuộc “trường chinh” cuộc đời nhưng ông đã vượt qua bằng cả tâm huyết để gắn với nghề giáo cao quý.

Người con ưu tú của Hòa Thịnh anh hùng

Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm sinh năm 1937, trong một gia đình giàu lòng yêu nước trên quê hương Đồng khởi Hòa Thịnh và tinh thần hiến thân cho cách mạng đã được thẩm thấu vào người một cách tự nhiên như cây cỏ lớn lên từ đồng ruộng.

Nhà nghèo, lại trong thời chiến tranh ly loạn, nhưng Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm được gia đình cho học hành tử tế từ trường xã, trường huyện, lên trường tỉnh và ra Bình Định rồi tập kết ra Bắc (sau khi Hiệp định Giơnevơ) để tiếp tục học tập, phụng sự cho cách mạng, đất nước. Ông là học trò đắc ý của các bậc danh sư Trường trung học Lương Văn Chánh thời kháng chiến chống Pháp như Trần Sỹ, Bùi Xuân Các…

Từ giã quê nhà, ra Hà Nội, Nguyễn Xuân Đàm được đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) vào Khu học xá của Việt Nam trên đất nước bạn học sư phạm theo lời dặn của người cha “nghề giáo tuy thanh bần nhưng để đào tạo lớp người có ích”. Ông là sinh viên xuất sắc Đại học sư phạm Hà Nội khóa 3 (1956-1959), được Bác Hồ hai lần tặng hoa.

Với tấm bằng đại học xuất sắc, Nguyễn Xuân Đàm được Bộ GD-ĐT chọn cử đi Liên Xô để giảng dạy ở Trường đại học Lomonoxop, nhưng ông từ chối để tiếp tục trui rèn ở vai trò Hiệu trưởng Trường trung cấp sư phạm Hà Tĩnh (1959) với ước muốn cháy bỏng trở về miền Nam chiến đấu và xây dựng nền giáo dục quê nhà.

Vượt Trường Sơn, Nam tiến, tháng 5/1964, Nguyễn Xuân Đàm cùng đồng đội có mặt ở Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh). Thầy giáo Nguyễn Xuân Đàm với bí danh Thanh Sơn được giao phụ trách Trường Giáo dục Tháng Tám, rồi Trưởng Phòng Sư phạm thuộc Tiểu ban Giáo dục miền Nam.

10 năm ở Trung ương Cục miền Nam, thầy giáo Thanh Sơn từng là thầy giáo của đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Thầy Thanh Sơn đã “luồn” khắp cả Nam kỳ lục tỉnh, nằm gai nếm mật, hoạt động cách mạng trước khi trở lại miền Bắc lần hai vì bị thương.

Một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục

Năm 1974, thầy giáo Nguyễn Xuân Đàm có trong danh sách thi tuyển làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Một lần nữa, chiến sĩ, thầy giáo Nguyễn Xuân Đàm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, nghiên cứu. TS Nguyễn Xuân Đàm, được Viện Hàn lâm khoa học giáo dục Liên Xô lưu lại thêm 6 tháng với vai trò là cán bộ nghiên cứu, trước khi về nước.

Về hưu, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm vẫn miệt mài viết lách, tham gia các công trình nghiên cứu. Ảnh: MINH NGUYỆT

Về hưu, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm vẫn miệt mài viết lách, tham gia các công trình nghiên cứu. Ảnh: MINH NGUYỆT

Trong vai trò Phó Trưởng Ban Nghiên cứu giáo dục đạo đức chính trị, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Ủy viên Hội đồng thế giới quan khoa học cho thanh niên, học sinh các nước XHCN, giai đoạn 1980-1985, TS Nguyễn Xuân Đàm đã có nhiều đóng góp cho khoa học giáo dục và xây dựng nền giáo dục cách mạng thống nhất trong cả nước. Trong thời gian này, ông đã chủ biên, tham gia viết, xuất bản nhiều giáo trình, tài liệu, sách phục vụ trong giảng dạy nhà trường XHCN.

Từ năm 1985-1989, Nguyễn Xuân Đàm về Phú Khánh với vai trò Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, kiêm Hiệu trưởng Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang.

Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989), TS Nguyễn Xuân Đàm xung phong quy cố hương, dốc toàn bộ sở học và kinh nghiệm hoạt động cách mạng bắt tay vào xây dựng nền giáo dục non trẻ, khó khăn trăm bề. Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm quyết tâm chấn hưng nền giáo dục, phát triển từ hệ thống giáo dục phổ thông đến chuyên nghiệp, mở rộng phong trào học ngoại ngữ, xây dựng xã hội học tập. Nhiều thành tựu nổi bật của nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm trở thành kinh nghiệm tốt đóng góp vào những bài học lý luận và thực tiễn về công tác quản lý giáo dục cả nước.

Với tấm lòng nhân hậu, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm là người sáng lập trường dân tộc nội trú cấp tỉnh, các huyện và Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh); Trung tâm Vòng tay ấm... để giáo dục cho con em đồng bào dân tộc ít người và trẻ em thiệt thòi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với ông, cuộc đời con người là hành trình lao động và sáng tạo. Giáo dục luôn gắn với lao động và thực nghiệm. Lao động cũng là một cách giáo dục.

Những năm cuối đời, sống chung với bệnh tật, nhưng ông vẫn say sưa lao động và kịp nhìn thấy đứa con tinh thần cuối cùng, tập sách “Tiến sĩ Phú Yên”, tiếp tục cho sự nghiệp giữ gìn và phát triển nguyên khí quê hương. Ông luôn tâm đắc với sự nghiệp xây dựng xã hội học tập, dòng họ học tập, gia đình học tập, mà dòng họ Nguyễn ở Hòa Thịnh đã được thầy Nguyễn Xuân Đàm gầy dựng và phát triển.

Còn bao điều tâm huyết và trăn trở cho sự nghiệp giáo dục mà ông đã toàn tâm toàn ý trong suốt tuổi thanh xuân và cả cuộc đời, với nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm nó vẫn chưa bao giờ kết thúc, rất cần sự tiếp nối của những con người tâm huyết.

Xin thành kính chia sẻ nỗi mất mát, niềm tiếc thương vô hạn này với cô giáo Nguyễn Thị Oanh - người bạn đời trọn niềm chung thủy, đôi uyên ương tận tụy với sự nghiệp trồng người; cùng các em Nguyễn Thị Hoa Tâm, Nguyễn Thị Hương Nga, Nguyễn Xuân Sơn, những người con hiếu thuận, thành danh, tiếp tục sự nghiệp giáo dục của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm.

Xin kính cẩn nghiêng mình, thành kính thắp nén tâm hương tiễn biệt Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm về cõi vĩnh hằng…

Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm từng tự bạch: “Người thầy giáo lấy chữ Tâm, chữ Đức làm đầu, lấy sự hy sinh, phục vụ làm lẽ sống; lấy sự học tập suốt đời, nâng cao tầm trí tuệ và nghệ thuật sư phạm là lý do tồn tại và lòng tự trọng của bản thân; lấy sự phát triển và trưởng thành của học sinh làm động lực và niềm hạnh phúc của cuộc đời”.

PHAN THANH - TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/249314/nha-giao-nguyen-xuan-dam-da-ve-mien-may-trang.html