Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát việc phóng thử ICBM

Ông Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nguồn: Reuters

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngày 19/11, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát việc nước này phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 một ngày trước đó.

Tên lửa - được phóng từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng - đã bay được 999,2km trong 4.135 giây ở độ cao 6.040,9km và rơi xuống vùng biển quốc tế. KCNA cho biết thêm nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp quan sát cuộc thử nghiệm cùng với các quan chức cấp cao của Triều Tiên.

KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng vụ phóng ICBM đã tái khẳng định khả năng mạnh mẽ và đáng tin cậy của Bình Nhưỡng trong đối phó với mọi mối đe dọa hạt nhân. Trước đó, ông cũng tuyên bố Triều Tiên sẽ đáp trả mạnh mẽ các mối đe dọa hạt nhân.

Trong diễn biến liên quan, ngày 18/11, Nhà Trắng cho rằng tên lửa do Triều Tiên phóng trước đó cùng ngày, với tầm bắn được cho là có thể vượt qua Thái Bình Dương, không đặt ra mối đe dọa đối với nước Mỹ. Theo hãng tin AFP của Pháp, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Nhà Trắng John Kirby nói: “Liên quan đến vụ phóng này, chúng tôi không cho rằng nó là mối đe dọa đối với lãnh thổ nội địa".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định vụ phóng tên lửa mới nhất của Tiều Tiên là bằng chứng cho thấy cần phải thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Bình Nhưỡng.

Cùng ngày, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm công tác đối phó tên lửa Hàn-Mỹ (CMWG). Đây là một nhóm thảo luận cấp chuyên viên trực thuộc Ủy ban Chiến lược răn đe Hàn-Mỹ (DSC) nhằm thiết lập nền tảng chính sách sâu rộng trong lĩnh vực tên lửa.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai bên đánh giá tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên đã đạt tới trình độ có thể gắn đầu đạn hạt nhân.

Do đó, cơ quan chính phủ hai nước cần thiết lập một cơ chế thảo luận cấp chuyên viên về đối phó với tên lửa của Bình Nhưỡng. Mỹ và Hàn sẽ tăng cường cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan, đẩy nhanh hơn nữa hợp tác chính sách nhằm tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa.

Trước các diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến trong ngày 21/11 sẽ thảo luận về vụ phóng ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ trước đó cho biết vụ phóng mới nhất của Triều Tiên "là loại tên lửa tầm xa, có thể tấn công nhiều quốc gia", đồng thời cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ nên họp về vấn đề này.

Trong diễn biến khác, theo AFP, các quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này và Mỹ ngày 18/11 đã tổ chức cuộc tập trận không quân chiến thuật chung ở biển Nhật Bản sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trước đó cùng ngày.

Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản và lực lượng vũ trang Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận song phương... trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng xung quanh Nhật Bản".

Cuộc tập trận nhằm tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phản ứng của Liên minh Nhật - Mỹ. Hiện có khoảng 55.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, hầu hết ở khu vực Okinawa phía Nam, với các căn cứ không quân ở ngoại ô Tokyo và khu vực Aomori phía Bắc./.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/290404/nha-lanh-dao-trieu-tien-kim-jong-un-giam-sat-viec-phong-thu-icbm.html