Nhà thơ Đào An Duyên: Thiết tha giữ lại những xanh tươi cuộc đời
Với nhà thơ Đào An Duyên, đọc và viết chính là hành trình nuôi chữ. Trong hành trình ấy, chị chọn một lối đi riêng, chắt chiu xúc cảm, gửi tiếng lòng vào từng con chữ với niềm mong giữ lại những xanh tươi cuộc đời, từ đó góp thêm một giọng thơ giàu hương sắc cho văn chương Gia Lai.

Nhà thơ Đào An Duyên. Ảnh: T.H
Được biết, chị dạy môn Ngữ văn, lại là thạc sĩ Văn học, có thế mạnh cùng điều kiện để trau dồi ngôn ngữ. Phải chăng đây là cơ duyên đưa chị trở thành người viết chuyên nghiệp?
- Thú thực, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành người viết chuyên nghiệp, kể cả bây giờ, khi viết trở thành công việc hằng ngày. Tôi chỉ thấy mình cần phải viết ra những gì mình đang nghĩ suy, như một nhu cầu giải phóng năng lượng. Có lẽ đam mê cộng với việc được học hành bài bản, chuyên sâu đã hỗ trợ tôi trở thành người viết nghiêm túc như hôm nay. Việc giảng dạy môn Ngữ văn giúp tôi hằng ngày tiếp xúc với con chữ, rèn chữ; công việc bổ trợ tôi rất nhiều trong quá trình sáng tác.
Là một trong những bạn đọc mến yêu chị, dõi theo con đường văn chương chị đang từng ngày tiếp bước, tôi thấy cái tên Đào An Duyên được xướng lên ở hầu hết chuyến đi thực tế hoặc trại sáng tác ?
- Tôi thấy mình rất may mắn và có duyên với các trại sáng tác do Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức hay những chuyến đi thực tế cùng hội viên Hội VHNT Gia Lai… Đây là môi trường rất tốt để tôi được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với bạn viết.
Ngoài ra, tôi còn tự đi. Những chuyến đi giúp tôi hiểu biết thêm về nhiều vùng đất và con người với những nét văn hóa đa dạng, độc đáo, đồng thời tích lũy thêm tư liệu để làm phong phú hơn các trang viết của mình.
Có thể thấy, mỗi chuyến đi là thêm một lần chị đắp bồi kỷ niệm, với bạn văn, với hành trình sáng tạo, với quê hương xứ sở. Vậy, những tác phẩm được chị viết trong hành trình “thiết tha giữ lại những xanh tươi” của cuộc sống ấy có điều gì khác biệt để tạo sức hút đối với bạn đọc ?
- Tôi thật sự chỉ muốn viết ra những gì chất chứa trong lòng một cách tự nhiên nhất. Còn đón nhận tác phẩm của tôi và dành cho nó tình cảm như thế nào, xin được nhường lại cho bạn đọc, những người mà tôi vô cùng trân trọng.
Có điều, chính vì có những bạn đọc dành tình cảm cho tác phẩm của mình, nên tôi luôn tự phải chín chắn hơn, chỉn chu hơn. Điều đó có thể nhận thấy trong hành trình sáng tạo của tôi, mỗi miền đất tôi qua, mỗi con người tôi gặp, đều được tôi lưu dấu với sự chân thật và đẹp đẽ nhất bằng ngôn từ, cả trong tản văn và thơ. Đó chính là những “xanh tươi” mà tôi luôn thiết tha muốn giữ lại trong cuộc đời này. Và nhiều người nhận xét, Đào An Duyên ngày càng “chín” với nghề, một phần chính là nhờ các chuyến đi như vậy.
Có nhiều tác phẩm được sáng tác trong các chuyến thực tế, mà giờ đọc lại, tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc. Một trong số đó là bài thơ Phía đỉnh mây mù. Lần ấy, trong chương trình của chuyến đi, chúng tôi đến lô cao su gặp gỡ công nhân cạo mủ vào lúc 2 giờ sáng. Trời mưa, đường trơn trượt. Thế mà những người công nhân phải len lỏi từng gốc cây để cạo mủ dưới ánh đèn pin leo lét. Đặc biệt hơn, những người có con nhỏ phải bế con đến nhà trẻ gửi để ra lô làm việc…
Hình ảnh những đứa bé ngủ trên tay mẹ được truyền sang tay cô giáo và ánh đèn leo lét giữa rừng khuya ám ảnh tôi mãi. Đến lúc công bố bài thơ, tôi phải nhờ người khác đọc giúp vì xúc động.

Các tác phẩm của nhà thơ Đào An Duyên. Ảnh: T.H
Dành thời gian đọc các tác phẩm của chị, dù là thơ hay tản văn, tôi luôn cảm nhận được tình yêu vô cùng sâu đậm chị dành cho Gia Lai, cho Tây Nguyên. Tình yêu ấy được khởi nguồn như thế nào?
- Tôi không sinh ra ở Gia Lai, nhưng hơn 30 năm qua, mảnh đất này cưu mang tôi, là cội nguồn của mọi tình cảm dành cho xứ bazan mà tôi mang trong lòng. Và khi tình cảm ắp đầy trong lòng rồi thì chỉ cần đặt tay lên bàn phím là tôi có thể viết ra. Đây là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp, con người hồn hậu, chất phác… Tôi đi đâu vài ba hôm là lại muốn quay trở về.
Miền đất cao nguyên hiện lên trong những sáng tác của chị mang một vẻ đẹp riêng, dịu dàng, hồn hậu nhưng không kém phần mê hoặc. Tiếp nối mạch ngầm sáng tạo ấy, chị có những dự định gì trong thời gian tới ?
- Tôi sẽ vẫn tiếp tục đi và viết. Tôi muốn khám phá nhiều hơn nữa mảnh đất Gia Lai nói riêng và miền đất Tây Nguyên nói chung, để có những tác phẩm chuyên sâu hơn nữa về đời sống, văn hóa và con người nơi đây. Tôi nghĩ mảnh đất cao nguyên này còn rất nhiều điều mà mình chưa chạm được tới. Và văn chương chính là động lực để tôi dấn thân vào đời sống, trăn trở với những được mất đang diễn ra trên chính mảnh đất đang dung dưỡng mình.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Nhà thơ Đào An Duyên (SN 1980, ngụ tại tổ 1, phường Thống Nhất, tỉnh Gia Lai) là giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trần Phú, ở phường Hội Phú, hội viên Hội VHNT Gia Lai, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam; đến nay đã xuất bản 5 tập sách gồm: Ngày đã qua, Một ngày khác ta, Dòng sông trôi qua tôi, Dưới thềm cũ rêu phong, Trên tầng sâu ý nghĩ. Chị đã được trao các giải thưởng về văn học của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.