Nhà thơ Pờ Sảo Mìn: 'Người đục đá kê cao' dân tộc Pa Dí

Trong tập tiểu luận - phê bình 'Những người đục đá kê cao quê hương' (Nhà xuất bản Văn học), Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã giới thiệu đến công chúng 7 gương mặt văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho nền văn học - nghệ thuật, đó là Nông Quốc Chấn, Y Phương, Cao Duy Sơn, Mai Liễu, Bàn Tài Đoàn, Lò Ngân Sủn và Pờ Sảo Mìn. Trong số các văn nghệ sĩ này, tôi may mắn được gần gũi và thân thiết với nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Ảnh: Ngô Khiêm

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Ảnh: Ngô Khiêm

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn là người vui tính, dễ gần và đặc biệt luôn cháy bỏng tình yêu, trách nhiệm, nỗi niềm với quê hương Mường Khương (Lào Cai) và dân tộc Pa Dí của mình. Trong thơ ông cũng vậy, luôn giản dị, chân thành, mộc mạc mà không lẫn với bất cứ giọng thơ nào. Những bài thơ của ông đều đã trở nên quen thuộc với không chỉ dân tộc Pa Dí mà còn có sức lay động độc giả cả nước, như “Cây hai ngàn lá”, “Con trai người Pa Dí”... Có lần, ông kể với tôi đầy niềm tự hào: “Một lần vào thực tế sáng tác trong Tây Nguyên, một ông chủ trang trại trồng cà phê đã nhận ra tôi và đọc to bài thơ “Cây hai ngàn lá”. Hay có dịp ông vào tận Vũng Tàu, một nhạc sĩ cũng vì mến mộ tài năng của ông đã phổ nhạc bài thơ “Con trai người Pa Dí”, rồi họ cùng say sưa, đàn hát bên mâm rượu ân tình.

Trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 (năm 2010), khi nhà thơ Pờ Sảo Mìn lên đọc bài thơ “Cây hai ngàn lá”, nhà thơ Hữu Thỉnh từng nhận xét: “Độc đáo, bất ngờ và rất Pờ Sảo Mìn, đầy phong cách miền núi. Tôi ở dưới ngắm lên, lan man nghĩ rằng, đây, một người con biết ơn dân tộc mình và có thể làm sang trọng cho dân tộc mình như thế đấy. Từ trường hợp của Pờ Sảo Mìn, tôi nghĩ, mỗi nhà thơ cần và phải trở thành đặc sắc. Đó là lý do tồn tại. Được như vậy, khó lắm thay. Nhà thơ phải luôn có trách nhiệm trở thành “của hiếm”. Anh phải làm cho người ta cảm nhận ra cuộc sống như mới lần đầu”. Thực sự, mấy ai làm thơ mà trở thành “đặc sắc”, là “của hiếm”, như lời khẳng định của nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dành cho Pờ Sảo Mìn?

Tôi nhớ, có lần, tôi từng hỏi ông: “Dân tộc Pa Dí ngoài ông ra có ai làm thơ không?”. Ông đáp rằng: “Khoảng 2.000 người dân tộc tôi, có lẽ chỉ mình tôi làm thơ”. Tôi cũng biết rằng, dân tộc Pa Dí hiện nay không phải ai cũng sản xuất nông nghiệp, cũng có nhiều người thoát ly, học hành tiến tới, làm bác sĩ, chủ nhà hàng, khách sạn hay công chức nhà nước, như trường hợp 3 người con của ông chẳng hạn. Hai người con trai thì người làm giáo viên, người làm cán bộ ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Mường Khương, còn cô con gái thì thông thạo ngoại ngữ, có 2 bằng đại học và hiện đang kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ở Hà Nội. Vợ của ông là cô giáo dân tộc Nùng Thền Nền Dín, từng có nhiều năm bám bản gieo chữ ở vùng cao. Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lào Cai từng khẳng định: “Gia đình nhà thơ Pờ Sảo Mìn xứng đáng là một tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó để học tập và đỗ đạt cao của tỉnh Lào Cai”.

Gần đây, trong cuộc trò chuyện với nhà văn Ma Văn Kháng, tôi có nhắc về một số kỷ niệm với nhà thơ Pờ Sảo Mìn khiến tác giả “Đồng bạc trắng hoa xòe” không khỏi xúc động về người em thân thiết của mình cũng như những năm tháng còn dạy học ở Lào Cai. Tôi từng đọc cuốn “Bùi Nguyên Khiết - Văn chương và cuộc đời” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014, do nhà văn Mã A Lềnh sưu tầm và biên soạn) và thấy được tình bạn thắm thiết giữa các nhà văn, nhà thơ Ma Văn Kháng, Bùi Nguyên Khiết, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn... Dù tiếp cận theo góc độ nào, nhìn nhận theo chiều hướng nào thì tôi vẫn thấy nhà thơ Pờ Sảo Mìn hiện lên thật dung dị, nghĩa tình, luôn sống hết mình vì bạn bè...

Đó cũng là lý do trong tập thơ thứ 9 “Mủa say say” (tiếng Mông, nghĩa là “Đi nhanh nhanh”) của mình, nhà thơ Pờ Sảo Mìn chọn in bài thơ “Người trẻ mãi không già” như một nén tâm nhang gửi tặng liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết - người đã hy sinh trên mảnh đất Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đúng ngày 17-2-1979 khi quân bành trướng tràn sang nước ta (hiện đã có tên đường ở thành phố Lào Cai): “... Vẫn còn nữa! Vẫn còn đây/ Chiều chiều ra bờ ven sông Chảy/ Ta đọc lại: “Đi bên một vì sao”/ Ta đọc lại: “Đêm trăng trên bến mũi thuyền”/ Ta đọc lại: “Ông già bắt rắn và đứa cháu xa quê”/ Và đọc nữa: “Hồ Kiều làm chứng”/ Ta chưa được đọc tiểu thuyết: “Mặt trời hồng trên đất Pha Long”/ Khiết đã hy sinh rồi!...”

Pờ Sảo Mìn là người trọng nghĩa khí, luôn sống và làm thơ với trách nhiệm cao nhất của một người con Pa Dí, của một người dùng câu chữ để “kê cao quê hương”. Ông từng đúc kết: “... Bảy năm học bên Tây/ Ba năm sống bên Tàu/ Bốn năm học ở ta/ Tuổi tác nay đã già/ Chữ nghĩa quên gần hết/ Chỉ nhớ được hai từ/ Làm CON NGƯỜI viết hoa”. Sinh năm 1943, năm nay đã xấp xỉ tuổi 80, với ông, tất cả mọi danh lợi, phú quý cũng chỉ là phù du, cái còn lại là tình cảm chân thành của con người dành cho nhau.

Có thể nói, Pờ Sảo Mìn là một trong những đại diện tiêu biểu của lớp nhà thơ dân tộc luôn đặt tinh thần dân tộc lên trên hết, trước hết. Nghĩ về ông, tôi lại hình dung ra một nhà thơ có “tấm lưng cong cong hình dấu hỏi”, nhưng có tấm lòng ngay thẳng, tính tình khảng khái. Ngẫm về những sáng tác của ông càng làm ta thêm trân quý về giá trị của văn học nghệ thuật đối với đời sống tinh thần của mỗi người, đồng thời, bồi đắp thêm tình yêu, trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nha-tho-po-sao-min-nguoi-duc-da-ke-cao-dan-toc-pa-di-post439167.html