Nhà văn Chu Thị Minh Huệ: 'Kiếm cớ để đi, sống và viết về nguồn cội'

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ ở tỉnh Hà Giang (cũ) là một cây bút giàu năng lượng. Những trang viết về Hà Giang của chị cho thấy tình yêu, sự gắn bó và thấu hiểu về vùng đất này. PNVN đã có cuộc trò chuyện về văn chương và những bước chân khám phá bản làng của chị.

 Nhà văn Chu Thị Minh Huệ

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ

+ Công chúng, bạn đọc biết tới Chu Thị Minh Huệ với các sáng tác thơ, sau đó là truyện ngắn. Dường như chị luôn nỗ lực tìm kiếm chính mình trong không chỉ một thể loại?

Đến với văn thì luôn luôn là một cuộc tìm kiếm, vất vả và lâu dài. Khi còn học cấp 3, tôi là một học sinh chuyên văn nên những hình ảnh đẹp trong văn học đã ngấm vào tôi qua từng tác phẩm chúng tôi học trong nhà trường. Đặc biệt, học sinh chuyên văn thuộc thơ là chuyện bình thường. Ngày ấy, chúng tôi còn thuộc cả văn xuôi.

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, gắn bó với vùng đất địa đầu Tổ quốc là Hà Giang, tôi cảm thấy dường như chỉ làm báo là chưa đủ, là không thỏa mãn. Vậy là thử sức với văn học.

Thể loại đầu tiên tôi thử sức là thơ, vì tôi biết, thời ấy vốn sống của tôi còn nông thì chưa đủ để viết văn xuôi. Rồi, khi cuộc sống va đập vào tôi sau những chuyến đi công tác làm báo thì cũng đến lúc đủ vốn để viết văn xuôi.

Thể loại đầu tiên là tản văn, một tản văn về dinh thự họ Vương, tôi rụt rè viết về kiến trúc độc đáo của dinh thự, sau là truyện ngắn, rồi đến tiểu thuyết. Văn chương là một quá trình trường kỳ khám phá.

+ Từ tập thơ đầu tay "Dốc Chín Khoanh" đến các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, sáng tác của Chu Thị Minh Huệ chung thủy về đề tài cao nguyên đá Hà Giang. Có thể nói, Hà Giang đã trở thành một "vùng tâm tưởng" trong sáng tác của chị?

Với mỗi người viết, đều cần xác định cho mình một đề tài đủ sâu, đủ rộng để theo đuổi. Muốn vậy cũng phải trải qua một thời gian thực tế tìm hiểu. Với tôi, có một thuận lợi là sinh ra, lớn lên và làm việc tại miền địa đầu Tổ quốc là Hà Giang với thiên nhiên hùng vĩ, nền tảng văn hóa các dân tộc thiểu số rất sâu đậm.

Một tác phẩm của Nhà văn Chu Thị Minh Huệ

Một tác phẩm của Nhà văn Chu Thị Minh Huệ

Nếu tôi không chọn không gian văn hóa này, những con người này thì "thật là có lỗi với quê hương". Và như một điều tự nhiên, đề tài ập vào tác phẩm của tôi, bởi vốn hiểu biết của tôi là ở đây, không gian sống và sáng tạo của tôi là ở đây. Tôi chẳng thể chọn điều gì khác ngoài những điều tôi biết nhiều nhất, tôi gắn bó nhiều nhất, tôi yêu nhiều nhất.

+ Được biết, có những thời điểm khi đã là "hiện tượng" mới của văn chương miền núi, chị có cơ hội về làm việc ở các cơ quan báo chí tại Hà Nội nhưng vẫn chọn ở lại với Hà Giang, gắn bó với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, mọi thứ của tôi gắn bó với Hà Giang, giống như cái cây cần có rễ mới lớn được thì con người cũng có nguồn cội. Tôi đã lớn lên từ nguồn cội này, nếu tôi bứt ra khỏi đây, như một cánh diều bay lên trời, đâu biết được dưới đất ai là người giữ dây hay cắt dây diều.

Tôi luôn muốn được như người Mông, trong tâm tưởng luôn ẩn chứa một câu dân ca: "Con chim có tổ, người có quê/ Quê ta là Mèo Vạc". Vì đó mà người Mông luôn nói rằng "về Mèo Vạc" không phải đi/đến/qua Mèo Vạc. Tôi ở đây, sống và viết về tận cùng vùng đất của tôi thì tôi sẽ lớn dần để gặp được tất cả mọi người bằng tác phẩm của mình.

+ Đọc các truyện ngắn và tiểu thuyết của chị, có thể thấy lịch sử và cả thực tế, chất "sống" trên cao nguyên đá được hòa quyện một cách sinh động. Độc giả có thể hình dung "bước chân" của Chu Thị Minh Huệ qua các bản làng vùng cao?

Chân phải bước, không dừng, chỉ có thể là nghỉ thì mới đi xa được. Tôi kiếm mọi cớ để đi. Có những chuyến đi chưa nhìn thấy kết quả trước mắt nhưng tôi nghĩ nó sẽ ở trong tâm tôi, lúc nào đó nó sẽ tự bật ra bằng chi tiết, bằng cốt truyện, bằng hình ảnh dù ở thể loại văn học nào cũng được.

Có những chuyến đi vội vã, cũng có những chuyến đi được lên kế hoạch kỹ càng. Một cái cớ tôi luôn kiếm được để đi, đó là đi trao quà cho các con nuôi của tôi và bạn bè tôi.

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ là một cây bút giàu năng lượng. Những trang viết về Hà Giang của chị cho thấy tình yêu, sự gắn bó và thấu hiểu về vùng đất này.

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ là một cây bút giàu năng lượng. Những trang viết về Hà Giang của chị cho thấy tình yêu, sự gắn bó và thấu hiểu về vùng đất này.

Tính đến thời điểm này, tôi có hơn 30 đứa con nuôi, từ mấy tháng tuổi đến hơn 10 tuổi, là các trẻ mồ côi, gia đình khó khăn mà tôi tìm hiểu được qua bạn bè của tôi trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Thế là tôi lại đi xin đồ và mang đi tặng cho các con.

Cũng có những lúc không đi tặng được thì tôi nhờ cán bộ xã, trưởng thôn, thầy cô giáo hoặc lực lượng biên phòng đi tặng quà hộ. Và đó, những thân phận người, từ đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ sẽ từ cuộc sống đi vào tác phẩm và từ tác phẩm đi ra với cuộc sống.

Tôi không muốn đứng ở vị trí là tác giả nhìn vào cuộc sống của đồng bào tôi để viết, mà tôi muốn mình là một phần của cuộc sống đồng bào mà tôi viết ra. Chỉ có như thế, tiếng nói, lời văn, cốt truyện mới khiến độc giả tin rằng "tôi nói tiếng nói của đồng bào tôi" là đúng nhất, là đáng tin cậy nhất và hay nhất.

+ Cách đây 10 năm, chị cùng với nhà văn Lục Mạnh Cường thành lập nhóm "Văn trẻ Hà Giang", quy tụ các cây bút trẻ trong tỉnh. Từ đây, một số cây bút trẻ tiềm năng đã trưởng thành. Công việc kết nối và phát triển đội ngũ người viết văn trẻ ở Hà Giang hiện tại được tiếp nối ra sao?

Nhóm "Văn trẻ Hà Giang" của chúng tôi vẫn hoạt động một cách bền bỉ. Những gợi ý viết, những sáng tác, những góp ý, những chuyến đi chúng tôi vẫn thực hiện bền bỉ cùng nhau. Tuy rằng trưởng nhóm - nhà văn Lục Mạnh Cường - vừa mới qua đời, nhưng anh là tấm gương bền bỉ mà chúng tôi được gắn bó.

Và chúng tôi vẫn bền bỉ để chảy dòng chảy của "Văn trẻ Hà Giang", với dòng chảy mang đặc trưng riêng của những người cầm bút nơi địa đầu Tổ quốc, với những núi non, sông suối rộng dài và giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang.

+ Song song với việc giới thiệu trên trang cá nhân các đặc sản của cao nguyên đá, Chu Thị Minh Huệ có đang chưng cất một "đặc sản văn chương" mới của riêng chị?

Người viết cần bền bỉ, tôi cũng vậy, nhưng giọng văn cần phải linh hoạt nên tôi có phần chững lại bởi 2 lý do. Thứ nhất, tôi cần tìm một điều khác đi trong chính giọng văn của mình. Thứ hai, vì làm công tác quản lý văn học, nghệ thuật nên thời gian dành cho sáng tác cần phải bớt đi chút xíu.

Những tích lũy cuộc sống đang được "chưng cất" để hy vọng có được những sáng tác sau này mỗi ngày mỗi tốt hơn so với chính bản thân tôi.

+ Cảm ơn nhà văn Chu Thị Minh Huệ. Chúc chị nhiều sức khỏe và năng lượng cho hành trình phía trước!

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ (sinh năm 1981) hiện công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm đã xuất bản của Chu Thị Minh Huệ có tập thơ "Dốc Chín Khoanh", tập truyện ngắn "Bông dẻ đẫm sương", tập truyện thiếu nhi "Đường lên Hạnh Phúc", tiểu thuyết "Chủ đất". Chị đã đoạt các giải thưởng như: Giải B - giải Văn học nghệ thuật Tây Côn Lĩnh (tỉnh Hà Giang) 2005-2010; Giải nhất truyện ngắn, giải nhì bút ký cuộc thi Truyện ngắn - Bút ký tỉnh Hà Giang năm 2009-2011; Giải Ba truyện ngắn Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 2011-2012; Giải B - giải Văn học nghệ thuật Tây Côn Lĩnh (tỉnh Hà Giang) 2010 - 2015, giải B của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số năm 2019.

Võ Hà (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-van-chu-thi-minh-hue-kiem-co-de-di-song-va-viet-ve-nguon-coi-20250702111826822.htm