'Nhà vệ sinh cho em' tại 8 địa phương có công nghệ xử lý nước thải tiên tiến

Chương trình 'Nhà vệ sinh cho em' triển khai tại 8 tỉnh, tỉnh phố: Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang, với 50 nhà vệ sinh sẽ áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Ký kết triển khai chương trình "Nhà vệ sinh cho em" năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ký kết triển khai chương trình "Nhà vệ sinh cho em" năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Chiều 26/4, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn KN Holdings tổ chức lễ ký kết triển khai Chương trình “Nhà vệ sinh cho em” năm 2023.

Chương trình nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong công tác chăm lo, hỗ trợ, lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng xã hội, chung tay, góp sức để trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh tại các địa bàn khó khăn.

Trong năm 2023, hai bên tiếp tục triển khai chương trình "Nhà vệ sinh cho em" tại 8 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang với 50 nhà vệ sinh, tổng trị giá gần 18 tỷ đồng.

Áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, Chương trình là nội dung quan trọng trong việc thực hiện chỉ tiêu “100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh” của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.

Chương trình “Nhà vệ sinh cho em” không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện để học sinh yên tâm học tập, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, thái độ của học sinh về bảo vệ môi trường, nước sạch và vệ sinh cá nhân, mà còn phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong công tác chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi…

Theo ông Nguyễn Minh Triết, việc trang bị, sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh đạt chuẩn cho các em học sinh là một trong những phần việc quan trọng được Đoàn, Hội, Đội triển khai để nhà vệ sinh không còn là công trình phụ, nhằm chăm lo tốt hơn cho các em học sinh.

"Đặc biệt, nhà vệ sinh cho em xây dựng năm 2023 sẽ được áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam" - Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam nói và đề nghị từ nội dung ký kết, 8 tỉnh, thành tiếp nhận triển khai nhà vệ sinh cho em cần triển khai trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2023 để các em học sinh được sử dụng nhà vệ sinh mới ngay đầu năm học 2023-2024.

33% nhà vệ sinh học sinh cần nâng cấp, xây mới

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố, 33% còn lại cần có sự đầu tư, hỗ trợ để nâng cấp, xây mới.

Tuy nhiên, hiện ở nhiều địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các trường học còn thiếu nhiều nhà vệ sinh. Do đó, Chương trình "Nhà vệ sinh cho em" được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam triển khai từ năm 2021. Đến nay đã vận động nguồn lực, triển khai xây dựng 25 nhà vệ sinh trong trường học tại 11 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Chỉ riêng trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2022, các tỉnh, thành đoàn, Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố xây mới 428 nhà vệ sinh, cải tạo, nâng cấp 1.305 nhà vệ sinh trường học với tổng nguồn lực trị giá hơn 70 tỷ đồng.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nha-ve-sinh-cho-em-tai-8-dia-phuong-co-cong-nghe-xu-ly-nuoc-thai-tien-tien-102230426175152004.htm