Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: 'Cuộc đời ơi ta mến thương'

Từng nghe và biết đến ca khúc 'Ơi cuộc sống mến thương' từ lâu nhưng phải tới thời gian dịch Covid-19 bùng phát tôi mới có cơ hội được trò chuyện cùng tác giả - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.

Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, những ca từ quen thuộc: “Cuộc sống hôm nay tuy vất vả/Nhưng cuộc đời ơi ta mến thương” lại vang lên xoa dịu những lo lắng, bất an trong cả tôi và ông.

Âm nhạc không là nghề mưu sinh

Nếu như âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sôi động, trẻ trung, trong sáng, trữ tình, lãng mạn thì con người ông lại khá trầm lặng. Ông ít nói và không được hoạt bát cho lắm. Ông lý giải, mặc dù sinh ra và lớn lên ở TPHCM nhưng ông chịu ảnh hưởng tính cách từ quê mẹ Vĩnh Long.

Vốn yêu thích âm nhạc ngay từ thời học tiểu học khi thường xuyên thổi harmonica, chơi guitar và sau đó là sáng tác nhưng âm nhạc lại không là nghề chính mà ông theo đuổi.

Ông kể: “Tôi học sáng tác từ một người bạn. Tới năm nhất đại học, tôi và một số anh em ngồi lại hát cùng nhau với cây đàn guitar, hát một lúc thì hết bài. Vì thế, tôi quyết định sáng tác mà không biết tại sao khi hát lên cả trường đều rất thích và lan cả sang trường khác. Tôi hòa âm phối khí thì có tiền, còn được các nhạc sĩ dẫn đi ăn, chứ bài hát thì không lấy tiền tác quyền, viết cho vui thôi”.

Biết đến là một nhạc sĩ tài năng nhưng thật bất ngờ, Nguyễn Ngọc Thiện lại là một bác sĩ nha khoa từng tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM và có thời gian dài công tác tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương TPHCM. Ông coi âm nhạc là một cuộc rong chơi, một người bạn tri kỷ, chưa bao giờ nghĩ đó là nghề để kiếm sống. Tuy không chọn âm nhạc là nghề chính nhưng dường như nó lại bám riết lấy cuộc đời ông từ thuở học trò cho đến bây giờ khi đã bước vào tuổi 70.

Ông luôn cho mình gặp may mắn khi vào trường học luôn được các thầy cô, bạn bè ủng hộ, động viên theo con đường âm nhạc. Khi ông học ở Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM) thầy hiệu trưởng đã khuyên: “Em hãy cố gắng giữ lấy nghề âm nhạc để làm rạng rỡ cho trường ta như cựu học sinh - Giáo sư, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước”.

Rồi khi học ở Đại học Y dược TPHCM, ông được các thế hệ nhạc sĩ đàn anh trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” là nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập động viên phát triển phong trào âm nhạc trong giới sinh viên nhà trường. Và với sự ra đời của ca khúc “Ơi cuộc sống mến thương” (viết năm 1976, khi ông đang là sinh viên năm cuối y khoa) đã dần phát lộ tên tuổi một nhạc sĩ tài năng.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (thứ 2 từ trái sang) trong chương trình truyền hình “Vẫn hát lời tình yêu”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (thứ 2 từ trái sang) trong chương trình truyền hình “Vẫn hát lời tình yêu”.

Mối quan hệ mật thiết

Tuy coi là nghề phụ nhưng chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ “nghiệp dư hóa” các sáng tác. Bằng chứng là vào giai đoạn 1984 - 1989 khi ra nghề bác sĩ và có thu nhập ổn định, ông đã đi học Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy ở Nhạc viện TPHCM dưới sự hướng dẫn trực tiếp của nhạc sĩ Thế Bảo.

Với sự siêng năng, chăm chỉ, 19 năm sau kể từ khi “Ơi cuộc sống mến thương” ra đời, ông đã sáng tác ca khúc thiếu nhi nổi tiếng “Ngày đầu tiên đi học”. Sự ra đời của ca khúc này cũng rất thú vị.

Nhạc sĩ kể: “Tôi là người đã lôi Trần Thanh Tùng vào con đường thu âm ở phòng thu và ông ấy cũng bắt tôi viết về thiếu nhi. Tôi thì chưa từng viết về thiếu nhi nhưng cũng thử… viết đại xem sao. Ca khúc đó tôi sáng tác “nhắm” vào Mộng Thi, cô bé có giọng luyến rất dễ thương. Sau này cô ấy đi nước ngoài nên chuyển bài hát này cho Ngọc Linh. Nhưng không ngờ Ngọc Linh lên video lại rất nổi”.

Sau sự thành công của “Ngày đầu tiên đi học”, ông liên tiếp cho ra những sáng tác về trẻ thơ, như: “Bé chút chít”, “Chú chim sẻ”, “Bông hồng tặng mẹ và cô”, “Xúc xắc xúc xẻ”, “Nhớ ơn thầy cô”, “Em vẽ con tàu tương lai”, “Cháu muốn nhắc cả nhà”, “Ngôi sao của em”…

Dễ dàng nhận thấy trong sáng tác dành cho lứa tuổi này, ông luôn viết với tiết tấu nhanh, sôi động, mỗi bài hát là một bài học giáo dục lý tưởng sống để hướng các em đến với giá trị chân - thiện - mỹ. Chính vì thế các ca khúc về thiếu nhi của ông đã có sức sống lâu bền cùng thời gian, đã được các thế hệ thiếu nhi yêu thích.

Âm nhạc và nha khoa tưởng chừng mâu thuẫn nhưng qua lý giải của ông thì chúng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. “Nghề bác sĩ nha khoa của tôi chủ yếu là chăm sóc cho đối tượng trẻ em. Tôi thấy các em thể hiện cảm xúc rất rõ ràng, như đang bị bệnh thì nhăn nhó, lo sợ rồi khi được chữa khỏi, các em đều rất vui vẻ và nếu có gặp ngoài đường vẫn cúi chào thân thiện.

Bởi thế mà tôi luôn muốn viết ca khúc lạc quan, trẻ trung để mong muốn người bệnh đến với tôi sẽ hết bệnh và vui vẻ trở lại. Riêng chuyện bác sĩ lại sáng tác nhạc thì tôi xin khẳng định anh em trong ngành y tế rất đông người là ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, chỉ huy dàn nhạc hoặc có anh em ban đêm trực bệnh viện họ cũng trở thành những nhà thơ, nhà văn… chứ không chỉ riêng tôi”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trải lòng.

“Si mê” mùa xuân

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (bên phải) trong chương trình truyền hình “Vẫn hát lời tình yêu”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (bên phải) trong chương trình truyền hình “Vẫn hát lời tình yêu”.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, ca khúc “Mùa xuân ơi” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện lại vang lên khiến mỗi người con xa quê lại nao nức, bồi hồi khi nhớ về quê hương, về cha mẹ. Đó là ca khúc nhạc nhẹ mang tiết tấu rộn ràng, vui tươi cùng lời nhạc vỏn vẹn 20 câu nói lên khát vọng về một dân tộc ấm no, về một mùa xuân bình yên, tươi đẹp.

Ông đã cô đọng những ký ức về ngày Tết của mình từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành trong lời bài hát. Ca khúc này cùng các nhạc phẩm xuân khác ông viết đều mang âm hưởng nhạc dân tộc nhằm phản ánh chính chủ đề của chúng, thay vì mang âm hưởng nhạc phương Tây.

Nguyễn Ngọc Thiện tâm sự, ông có duyên với sáng tác khúc xuân vì ông “si mê” mùa xuân đến lạ kỳ. Chính vì điều này, bạn bè của ông đã gọi ông là “Nhạc sĩ của mùa xuân”.

Về sự ra đời của ca khúc này, ông cho biết: Năm 1991, ông cùng 6 người bạn thân thiết là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên và Thanh Tùng thành lập nhóm “Những người bạn”. Nhóm lập ra nhằm để đàm đạo về âm nhạc, tổ chức biểu diễn trên sân khấu và hằng tháng tụ họp một lần để chia sẻ về những sáng tác của nhau.

Cuối năm 1993, khi thực hiện album tuyển tập “Chúc xuân” mà hơi “bí” tác phẩm nên nhóm “Những người bạn” đã quyết định mỗi người viết một bài hát xuân.

“Vào tối 28 Tết năm 1994, nhạc sĩ Từ Huy rủ tôi đi dạo TPHCM để tìm quà mua tặng bạn gái. Bọn tôi đi dọc đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi… thấy các shop bán hàng đều phát “Ngày Tết quê em” của nhạc sĩ Từ Huy. Vậy là mong muốn được viết một ca khúc ngày Tết trỗi dậy trong tôi. Năm 1995, tôi đã lấy cảm hứng và dựa theo chủ đề “dân tộc” của “Ngày Tết quê em” để sáng tác “Mùa xuân ơi”.

Mỉm cười thì sẽ qua

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.

Nối tiếp sự sôi động, lạc quan, yêu đời trong các sáng tác giai đoạn trước, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã cho ra mắt ca khúc “Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng”: “Cả thành phố sáng nay dường như ngủ say/ Dù nắng vẫn lấp lánh trên vai/ Mọi nẻo đường bao năm rộn rã/ Sao bây giờ im quá những tiếng bước chân qua…”.

Rồi ở lời hai: “Cả thành phố sáng nay chỉ nghe lá rơi/ Chẳng có tiếng chim chào ngày mới/ Mặt trời buồn nên chim ngừng hót/ Ta mong chờ đêm tối bước qua cho nụ hôn bắt đầu…”. Hay ở ca khúc “Triệu trái tim lên tiếng”, ông đã viết: “Hàng triệu trái tim đau chung một đau/ Hàng triệu trái tim đang tháng ngày ba đào/ Cần thật nhiều bàn tay chắp từng nụ cười/ Cần thật nhiều bàn tay ta xoa dịu lòng người…”.

Rõ ràng ở trong tâm dịch được nghe những ca từ như thế này sẽ làm cho người nghe thêm ấm lòng hơn bởi sự sẻ chia, đùm bọc, đồng cảm của biết bao trái tim hướng về thành phố mang tên Bác.

Từng là một bác sĩ, Nguyễn Ngọc Thiện hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà các đồng nghiệp đang trên tuyến đầu chống dịch gặp phải. Bởi thế khi biết thông tin ở cơ quan cũ - Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương TPHCM có gần 90 bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố, ông đã viết lên ca khúc “Đôi mắt cười”.

Ca khúc chính là sự chắt lọc tinh tế của ông qua những dòng chia sẻ mà đồng nghiệp cũ chia sẻ trên trang Facebook. Bài hát đã thành công ngoài mong đợi khi chính những đồng nghiệp cũ của ông thổ lộ rằng, họ nhìn thấy hình bóng của mình trong ca khúc của ông.

Khi đại dịch lắng xuống, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã tập hợp 6 ca khúc viết trong về chủ đề Covid-19 là: “Triệu trái tim lên tiếng”, “Đôi mắt cười”, “Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng”, “Xin”, “Mỉm cười thì sẽ qua” và “Bớt dịch rồi mình hẹn hò nhau nhé!” để làm album lấy tên chung là “Mỉm cười thì sẽ qua”.

“Mỉm cười thì sẽ qua” không chỉ là thông điệp mà ông muốn gửi gắm tới mọi người trong tình hình dịch bệnh mà trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào chúng ta cũng cần vui tươi, lạc quan, tự tin.

Vẫn với tinh thần của “Ơi cuộc sống mến thương”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện luôn mong muốn mang đến sự lạc quan, tin tưởng, tràn đầy niềm hy vọng vào cuộc sống với người nghe.

Dẫu biết cuộc sống phía trước với mỗi người đều là những thử thách, chông gai nhưng khi nghe nhạc của ông, ai trong chúng ta cũng cảm thấy cuộc đời có nhiều niềm vui, thêm động lực để nỗ lực phấn đấu. Có thể nói với tài năng của mình ông đã hoàn thành được sứ mệnh cao cả của người nhạc sĩ cũng như giá trị của âm nhạc với đời sống.

Ngô Khiêm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhac-si-nguyen-ngoc-thien-cuoc-doi-oi-ta-men-thuong-post602034.html