Nhân sự chủ chốt ngành GTVT: Mỏi mắt tìm hạt giống

Liên tiếp trong 3 năm tới, 3 vị trí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ về hưu. Dù nhân lực chủ chốt ngành sắp biến động mạnh nhưng những 'hạt giống đỏ' của ngành vẫn... vắng hoe.

"Tư lệnh" ngành giao thông quyết tâm vận hành đường sắt Cát linh - Hà Đông trước thềm đại hội Đảng lần thứ XIII

"Tư lệnh" ngành giao thông quyết tâm vận hành đường sắt Cát linh - Hà Đông trước thềm đại hội Đảng lần thứ XIII

Nhân sự ngành giao thông "đi tỉnh" giờ ra sao?

Chiều ngày 28/10, ông Lâm Văn Hoàng được bổ nhiệm chức vụ Chánh Thanh tra Bộ GTVT thay ông Lê Thanh Hà. Trước đó, có nhiều đồn đoán ông Lâm Văn Hoàng sẽ được "gửi" về địa phương, sau đó quay về Thứ trưởng ngành giao thông, tuy nhiên, mục tiêu đó đã không thành.

Nếu xét các nhân sự chủ chốt của ngành giao thông vận tải giới thiệu đi địa phương trước đó thì hiện duy nhất chỉ có ông Lê Anh Tuấn từng giữ các chức vụ như: Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công- tư (PPP), Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 2.

Đến năm 2014, ông Lê Anh Tuấn được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2019, ông Tuấn được quay về giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Một lãnh đạo khác có liên quan đến ngành giao thông là ông Nguyễn Hoàng Hiệp (từng giữ chức Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từ năm 2012 - 2014). Sau đó, ông Hiệp được luân chuyển làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn. Đến tháng 4/2019, ông Hiệp được quay về Bộ nhưng lại là Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn với vai trò Thứ trưởng.

2 trường hợp khác thuộc ngành giao luân chuyển về địa phương khác gồm ông Nguyễn Chiến Thắng (Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp Bộ GTVT) giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vào năm 2014 và mới được chuyển về Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Quốc hội.

Một người khác là ông Lê Ngọc Hoa, Tổng Giám đốc Cienco 4 được điều động về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tuy nhiên, ông Hoa được cho là khó phát triển khi không thể vào được Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An.

Xin được nhắc lại một sự trở về được cho là quan trọng nhất đó là trường hợp của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Vào năm 2013 đến 2015, ông Thể từng giữ chức Thứ trưởng ngành giao thông. Sau đó, ông Thể lại được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Hai năm sau, ông Thể được Quốc hội Việt Nam khóa 14 phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT với số phiếu khá cao (93,89%).

Trên cương vị Bộ trưởng ngành giao thông trong 3 năm qua, ông Nguyễn Văn Thể đã bắt đầu để lại dấu ấn với việc khởi công các tuyến cao tốc Bắc - Nam, quy hoạch mở rộng mạng lưới cao tốc khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long và Tây Bắc; Hoàn thành dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; sửa chữa mặt cầu Thăng Long; đưa và quy hoạch Cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng)... Mới đây nhất là "lời hứa" phấn đấu chạy tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trước Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

"Đỏ mắt" tìm nhân sự thay thế?

Cho dù có nhiều nỗ lực từ khi nhận chức Tư lệnh ngành giao thông trong thời gian qua, nhưng nhiều vấn đề còn tồn tại như: giải quyết các điểm nóng BOT thế nào, Làm sao hút vốn cho các dự án giao thông, Bài toán phát triển ngành đường sắt ra sao... vẫn còn dang dở.

Tư lệnh ngành giao thông thực sự luôn là "ghế nóng", các vấn đề về giao thông rất rộng và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, đời sống xã hội.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, đầu tháng 11/2020 này, vị trí Thứ trưởng phụ trách hàng hải do ông Nguyễn Văn Công đảm nhiệm sẽ bỏ trống khi vị này về hưu. Hiện tại, gương mặt sáng giá nhất có thể thay thế là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang.

Ông Sang là là người được đào tạo chuyên ngành kỹ sư tàu biển, cử nhân luật... Ông đã có khoảng 30 năm kinh nghiệm, hơn 25 năm làm công tác chuyên môn về lĩnh vực hàng hải. Trước đó, ông Sang từng là giảng viên Khoa Hàng hải, Đại học Hàng hải Việt Nam và giữ chức Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 7/2015, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục hàng hải.

Trong 5 năm ngồi ghế Cục trưởng, ông Nguyễn Xuân Sang để lại nhiều dấu ấn trong việc điều hành, phát triển hệ thống các cảng biển, nạo vét các tuyến luồng, đưa đội tàu biển Việt Nam nhiều năm liên tiếp thoát khỏi "danh sách đen" của Tokyo Mou, đảm bảo an toàn hàng hải...

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 ngành hàng hải là đơn vị tiên phong chủ động đề xuất giảm giá tàu lai, hoa tiêu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển.

Sau Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, liên tiếp các năm 2021, 2022, 2023 ngành giao thông tiếp tục chia tay với 3 Thứ trưởng khác là ông Nguyễn Nhật, Nguyễn Ngọc Đông và Lê Đình Thọ.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, sẽ có nhiều thay đổi về lãnh đạo tại Bộ GTVT, trong khi những "hạt giống đỏ" của ngành và hiểu ngành vẫn chưa lộ diện. Đây có lẽ là bài toán nhân sự khó cho ngành giao thông trong tương lai.

Đức Thọ

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhan-su-chu-chot-nganh-gtvt-moi-mat-tim-hat-giong-20180504224245523.htm