Nhân sự ngân hàng truyền thống không còn 'hot'?

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng đang dần thay đổi theo xu hướng số hóa, dường như thiên về ngành kỹ thuật hơn là tài chính.

Trong 5 năm tới, lực lượng lao động trong ngành ngân hàng sẽ giảm. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh năm 2019 diễn ra vào ngày 16-10. Lấy ví dụ về ngân hàng, ông cho biết trong 9 tháng đầu năm nay VPBank đã giảm 2.500 người nhờ tối ưu hóa các hệ thống vận hành bán hàng.

Quá trình cạnh tranh với các Fintech và số hóa ngân hàng đã buộc ngân hàng thay đổi yêu cầu tuyển dụng. Như ở trường hợp VPBank, chuyên gia được tuyển vào ngân hàng "là người học Bách khoa, chứ không phải kinh tế, để phục vụ cho mục tiêu số hóa", ông Vinh chia sẻ.

 Ngân hàng VPBank giảm 2.500 nhân sự trong 9 tháng đầu năm. Nguồn: VPBank.

Ngân hàng VPBank giảm 2.500 nhân sự trong 9 tháng đầu năm. Nguồn: VPBank.

“Ngành dịch vụ tài chính đang chứng kiến những thay đổi ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ. Các kỹ năng được tìm kiếm nhiều nhất cũng đã khác so với trước kia và kỳ vọng về nhân lực cũng đã trở nên khó đáp ứng hơn”, Công ty Kiểm toán PWC nhận định trong báo cáo Xu hướng Nhân tài ngành Dịch vụ Tài chính năm 2019.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, có thể chia quá trình số hóa thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là số hóa các quy trình nội bộ, tiếp theo là kênh giao tiếp với khách hàng và cuối cùng là ở cấp độ cao nhất là phát triển về nền tảng dữ liệu, bao gồm xây dựng kho dữ liệu lớn thu thập tự động từ nhiều nguồn, để phân tích hành vi khách hàng, xây dựng sản phẩm và ra quyết định.

Những số liệu khác cũng cho thấy thực trạng nhu cầu nhân lực của các nhà băng trong vài năm trở lại đây không còn được như xưa.

Kết quả cuộc khảo sát về xu hướng kinh doanh quý 4-2019 do Vụ Dự báo Thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) cho hay có 22,55% tổ chức tín dụng cho biết đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc tại thời điểm tháng 9-2019 và có 59,7% dự kiến tuyển dụng thêm lao động trong quí 4 này.

Tuy nhiên, dự kiến hết năm nay, có khoảng 8,8% tổ chức tín dụng dự kiến cắt giảm lao động và 28,4% dự kiến giữ nguyên số lượng. Có 62,8% cho biết đã hoặc sẽ tuyển thêm (thấp hơn con số dự kiến 64,6% tại cuộc điều tra vào tháng 6-2019).

Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến của Vietnamworks, trang web tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, thuộc tập đoàn Navigos Group, cũng cho thấy bức tranh chung tương tự.

Theo báo cáo này, nguồn cung lao động ngành ngân hàng tăng 65% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ, cao nhất trong tất cả ngành. Tuy nhiên, trái với nhu cầu tìm việc tăng cao, thì nhu cầu tuyển dụng của ngành ngân hàng thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác, thậm chí không nằm trong TOP 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.

Những con số trên đều cho thấy rằng yêu cầu công việc từ các ngân hàng đang dần thay đổi theo nền kinh tế số, trong khi lượng lao động không đáp ứng được kỹ năng mới sẽ là một thách thức lớn với cá nhân và xa hơn nữa là của cả nền kinh tế.

Không chỉ có VPBank mà nhiều ngân hàng khác cũng đang tiến hành số hóa ngân hàng, không chỉ số hóa kênh bán hàng mà còn là quy trình xử lý nội bộ của ngân hàng. Kết quả của hoạt động đầu tư vào công nghệ này sẽ giúp ngân hàng có thể tiếp cận với nhiều khách hàng hơn cùng một lúc, giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, nhưng cũng sẽ dẫn đến nhu cầu nhân sự công việc cụ thể trước đây sẽ giảm.

Thực tế, ngành ngân hàng đang chịu ảnh hưởng và áp lực của quá trình số hóa trong nền kinh tế. Các công ty Fintech hiện và sẽ trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng, có thể cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực.

Theo khảo sát do PwC mới thực hiện với hơn 22.000 người lao động trên 11 quốc gia, 77% số người được hỏi sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới ngay từ bây giờ hoặc muốn được đào tạo lại hoàn toàn để cải thiện khả năng tìm được việc làm trong tương lai.

Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, cho thấy quy mô nền kinh tế số của Việt Nam đã lên đến 12 tỉ đô la vào năm 2019 và có thể đạt mốc 43 tỉ đô la vào năm 2025. Điều đáng chú ý là lĩnh vực Fintech cũng được là điểm nhấn đầu tư, với dòng vốn 1,7 tỉ đô la chảy vào các nước trong khu vực trong 6 tháng đầu năm nay, tăng gấp 6 lần so với năm 2017, chủ yếu là vào lĩnh thanh toán và cho vay, là các lĩnh vực mà ngân hàng trước đây là chủ đạo.

Nếu như 10 năm trước, chỉ khoảng 50% lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính cho rằng tình trạng thiếu kĩ năng là mối đe dọa đối với triển vọng tăng trưởng của họ, thì hiện tại con số này đã là 76%, theo báo cáo Xu hướng Nhân tài ngành Dịch vụ Tài chính năm 2019 của PwC. Giới lãnh đạo ngân hàng cũng đang đau đầu tìm nguồn nhân lực mới, các lao động có kỹ năng thời số hóa.

Sự lên ngôi của công nghệ kéo theo những lo ngại rằng sẽ có những bộ phận trong doanh nghiệp bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hóa. Tuy nhiên, trên thực tế thì công nghệ chỉ đang thay thế hoặc cải thiện một số phần trong các công việc vốn do con người đảm nhiệm, theo PWC. Chính vì thế, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải học cách sử dụng các công tụ kỹ thuật số một cách hiệu quả nhất, đại diện PWC nhận định.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295548/nhan-su-ngan-hang-truyen-thong-khong-con-hot.html