Nháo nhác 'ngoại binh'

Sự xuất hiện của 'ngoại binh' thật sự làm đau đầu cả người hâm mộ lẫn các nhà quản lý thể thao.

(Toquoc)- Sự xuất hiện các cầu thủ ngoại ở thể thao Việt Nam đã dần trở nên quen thuộc với người hâm mộ. Hiện tượng này thổi bùng tính hấp dẫn và sự quyết liệt của các cuộc chơi, song cũng dẫn đến những ì xèo không đáng có, đặc biệt là trong bóng chuyền và bóng đá- hai môn thể thao có đông người hâm mộ nhất.

Tụt dốc về chất lượng

Việc du nhập ngoại binh trên sân bóng chuyền đã làm hấp dẫn Giải Bóng chuyền các đội mạnh Việt Nam. Công chúng ở nhiều địa phương hậm mộ họ, tên tuổi họ đã trở nên quen thuộc. Đó là Patcharee, Sảy Mai (Ngân hàng công thương); N. Noruman (Bình điền Long An); Pyjiamas (Giấy Bãi Bằng); K. Onuma (Quảng Ninh); Pleumjit, Sisuma (Thái Bình); Vilawan (TH Vĩnh Long); S. Supachai, J.Supachai (Tràng An Ninh Bình)...

Vậy mà trước ngưỡng cửa lượt về mùa giải 2009, dấu hiệu tụt dốc về chất lượng của ngoại binh đã xuất hiện, từ đó cảnh báo sự đảo lộn (có thể) về thứ hạng của cả giải. Xa hơn, điều này còn ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của toàn giải.

Sự tụt dốc về chất lượng ở nội dung bóng chuyền vẫn không là thảm họa.

Theo Ban tổ chức, đến thời điểm hiện tại, khi chỉ ít ngày nữa sẽ khai diễn lượt về, song chỉ có 2 gương mặt T.Wanchai và Kisada đăng ký thi đấu dưới màu áo Thép Việt TP. Hồ Chí Minh là đáng kể. Wanchai là tay đánh hàng đầu khu vực, anh được nhận mức lương cao nhất ở Việt Nam (4.000USD/tháng, gấp đôi đồng đội trẻ Kisada). Toàn bộ các thành viên đội tuyển quốc gia Thái Lan đều không có mặt tại Việt Nam, dù vẫn có thể thấy Supachai ở Ninh Bình, bởi vì anh này đã không còn khoác áo đội tuyển Thái Lan.

Trong khi đó, tất cả các ngoại binh còn lại, từ “sếu vườn” Ira người Nga đang thi đấu ở CLB Vietsovpetro hay nhóm cầu thủ Bulgari chơi cho Đức Long- quân khu 5, hoặc các cầu thủ “chân dài” ở Thái Bình, Hải Dương, Bộ Tư lệnh thông tin... Nhìn chung có trình độ không hơn “nội binh” là bao, do đó rất có thể ảnh hưởng đến thứ tự cuối cùng của toàn giải, khi một số đội thường được xếp ngôi cao vì có các “ngoại binh” chất lượng tốt.

Tuy thế, sự tụt dốc về chất lượng ở nội dung bóng chuyền vẫn không là thảm họa, mà trái lại, nó là thời điểm để “chân dài” nội nỗ lực khẳng định mình, nhất là khi bóng chuyền Việt Nam lại bắt tay vào chiến dịch SEA Games 25 với mục tiêu bảo vệ tấm Huy chương Bạc ở đội nữ và tìm cách đổi màu Huy chương Bạc của đội nam.

Trong khi đó, những gì diễn ra xung quanh “ngoại binh” ở sân cỏ Việt Nam đáng quy nghĩ hơn nhiều.

Khó lường

Nhìn lại V-League kể từ ngày lên chuyên (2001) đến nay, sự xuất hiện của “ngoại binh” thật sự làm đau đầu cả người hâm mộ lẫn các nhà quản lý. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thậm chí còn đang lúng túng vì thiếu chế tài đối với khối này. Chuyện cũ còn đây...

Năm 2001, Nghệ An đi tiên phong mua cặp ngoại binh châu Phi là K. Enock và Iddi Batabuze về đá rất hay, nhưng sau đó không lâu đã giở trò rồi bỏ vào Đà Nẵng. Ở thành phố này một mùa, họ gây nhiều tai tiếng, rồi đổ bệnh và trở về quê nhà chờ chết. Vài năm sau, Amaobi được mua về Nam Định, là vua phá lưới, rồi lại gây sự để trở về Bình Dương. Tại đây, anh chàng này tiếp tục quậy phá để được chuyển đến một CLB nhiều tiền khác là Đà Nẵng. Không lâu sau, Amaobi lại bị sa thải và hiện nay Nam Định lại lấy về.

Mùa giải này, chân sút châu Phi là Timothy được CLB Đồng Tháp mua. Trong mấy loạt trận đầu tiên, Timothy đã phát huy rất tốt và trở thành “sát thủ”, vậy mà vài loạt đấu gần đây, anh chàng bị ai đó “bơm vá” nên giở quẻ gây rắc rối và làm CLB không biết xử sự ra sao.

Còn nữa, tiền đạo Lazaro ở Quân khu 4, bằng khả năng bứt phá đến kinh người (!), anh đã giúp đội bóng “quốc doanh” này vươn lên và trở thành một hiện tượng. Vậy mà chỉ 3 vòng đấu vừa qua, Lazaro bỗng nhiên giở chứng, đến nỗi hội cổ động viên đòi lãnh đạo CLB phải chấm dứt ngay hợp đồng với anh ta...

Những "ngoại binh" mới của Thể Công
đang tạo được phong độ tốt ở những lượt đấu gần đây.

Không chỉ với ngoại binh, những lộn xộn ở trong và ngoài sân cỏ Việt Nam còn liên quan đến việc giáo dục, cả đối với cầu thủ lẫn ban huấn luyện, trọng tài.

VFF đã từng sai lầm khi cho rằng, tiền là thứ đòn bẩy hữu hiệu nhất để nâng tinh thần của cầu thủ nhằm nâng thành tích của đội tuyển. Người ta quên rằng, túi tiền của VFF còn quá nhỏ bé so với những cám dỗ từ bên ngoài sân cỏ và đó là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ.

Sẽ suy nghĩ thế nào khi biết rằng, để xây dựng bóng đá nội, nước láng giềng Malaysia từng cấm nhập cảnh tiền đạo và trung vệ và bây giờ cấm luôn việc mua về ngoại binh.

Trong khi đó ở Việt Nam, dường như chưa có một lộ trình nào cho việc này và xét cho cùng thfi từ “căn bệnh” thành tích mà các CLB ở V-League sẵn sàng tranh giành nhau bằng các tiểu xảo, do thể thao và bóng đá vẫn còn thiếu luật cạnh tranh.

V-League 2009 sắp kết thúc nhưng chuyện “ngoại binh” còn không ít gian nan khó xử.

Nguyễn Lưu

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dat-nuoc-bi-mat-giua-chau-au-hiem-nguoi-biet-den-nhung-so-huu-phong-canh-co-tich-va-nhieu-dieu-la-lung-so-voi-the-gioi-20221127103034146.htm