Nhật Bản 'lỡ nhịp' số hóa tuyển sinh
Trong bối cảnh già hóa dân số và nhóm sinh viên trong nước ngày càng thu hẹp, Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh chiến lược thu hút sinh viên quốc tế.

Quy trình tuyển sinh 'cồng kềnh' cản trở du học sinh tới Nhật Bản.
Tuy nhiên, mục tiêu này phải đối mặt với rào cản lớn là quy trình tuyển sinh lỗi thời, nặng về giấy tờ và thiếu linh hoạt.
Dù là quốc gia nổi tiếng với các tiến bộ công nghệ và sáng tạo kỹ thuật số, nhiều trường đại học Nhật Bản vẫn yêu cầu ứng viên quốc tế nộp hồ sơ giấy qua đường bưu điện. Với các chương trình quốc tế hoặc sau đại học, dù cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, nhiều trường vẫn yêu cầu nộp bản cứng để “xác minh chính thức”.
Ngoại trừ một số trường tư thục tiên phong cấp chứng chỉ kỹ thuật số, phần lớn bằng cấp và bảng điểm vẫn phải được in ấn và gửi đường bưu điện, làm chậm tiến độ xét tuyển và tạo áp lực lớn về hậu cần cho người nộp đơn.
Một phần nguyên nhân của sự chậm đổi mới đến từ cơ chế quản trị giáo dục đại học tại Nhật Bản, nơi các khoa, bộ môn và giảng viên có quyền tự chủ rất lớn trong quá trình xét tuyển. Điều này khiến việc chuẩn hóa và số hóa tuyển sinh trở nên khó khăn hơn.
Đặc biệt, văn hóa “thi cử” vẫn là xương sống của quy trình tuyển sinh. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), đến năm 2024, chỉ có 18,5% sinh viên được nhận vào các trường đại học quốc gia thông qua các phương pháp khác ngoài kỳ thi viết.
Con số này cho thấy hệ thống tuyển sinh của Nhật Bản vẫn chưa thật sự chuyển dịch sang mô hình đánh giá toàn diện, vốn yêu cầu quản lý dữ liệu hiệu quả và hạ tầng kỹ thuật số mạnh.
Với chương trình sau đại học, tình trạng còn đáng lo ngại hơn. Theo số liệu năm 2020, 75,5% chương trình thạc sĩ và tiến sĩ vẫn yêu cầu thi viết. Đồng thời, quy trình “tiền tuyển sinh” vô cùng phức tạp.
Ứng viên phải liên hệ và được một giảng viên đồng ý hướng dẫn trước khi chính thức nộp hồ sơ khiến sinh viên quốc tế gặp khó trong tiếp cận và giao tiếp với người hướng dẫn, nhất là khi không có nền tảng quản lý tài liệu chung hoặc hỗ trợ kỹ thuật số hiệu quả.
Trong mô hình tuyển sinh hiện tại, không chỉ sinh viên quốc tế gặp khó khăn, mà giảng viên cũng chịu áp lực lớn. Việc thiếu hệ thống quản lý hồ sơ trực tuyến khiến giảng viên phải tự sàng lọc, lưu trữ và xử lý một lượng lớn hồ sơ giấy, trong khi vẫn giảng dạy, nghiên cứu. Điều này dễ dẫn đến sai sót, chậm trễ và thiếu minh bạch trong tuyển sinh.
Lịch tuyển sinh cố định và hẹp của các trường đại học Nhật Bản cũng trái ngược với mô hình tuyển sinh quanh năm tại các điểm đến giáo dục phổ biến, làm tăng thêm áp lực về thời gian và tính linh hoạt. Ứng viên từ các quốc gia đang phát triển hoặc có hệ thống bưu chính kém hiệu quả có thể bị loại ngay từ vòng đầu chỉ vì hồ sơ đến muộn.
Năm 2023, Nhật Bản công bố sáng kiến đầy tham vọng với mục tiêu tiếp nhận 400 nghìn sinh viên quốc tế vào năm 2033. Vì vậy, số hóa không chỉ là nhu cầu công nghệ, mà là điều kiện tiên quyết để Nhật Bản hiện thực hóa mục tiêu đầy thách thức nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu quy trình tuyển sinh không còn là rào cản.
Theo University World News
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhat-ban-lo-nhip-so-hoa-tuyen-sinh-post738967.html