Nhật Bản trở lại 'đường đua' sản xuất chip tiên tiến

Liên doanh Rapidus, một nhà sản xuất chip mới thành lập với sự hậu thuẫn của Chính phủ Nhật Bản đang tìm kiếm các khoản đầu tư và nhân tài trên toàn cầu với tham vọng phát triển các công nghệ chip 2 nanomet vào năm 2027.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Rapidus và IBM - tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ đã ký kết hợp tác phát triển các công nghệ sản xuất loại chip này hôm 13/12.

“Chúng tôi thật may mắn khi nhận được lời đề nghị hợp tác đến từ IBM. Nếu không có họ, chúng tôi rất khó tự mình phát triển được các con chip tiên tiến”, Chủ tịch Liên doanh Rapidus Atsuyoshi Koike nói.

Trước đó, ngày 6/12, Rapidus đã có thỏa thuận với Trung tâm nghiên cứu vi điện tử IMEC của Bỉ nhằm phát triển kỹ thuật quang khắc cực tím-một công nghệ quan trọng trong việc sản xuất chip tiên tiến.

Rapidus đã nhận được khoản trợ cấp trị giá 70 tỷ Yen (510 triệu USD) từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản vào tháng 11. “Đây là một sự khởi đầu” đối với Rapidus, theo ông Atsuyoshi Koike. Chủ tịch Liên doanh Rapidus cũng cho biết, họ đang tìm kiếm thêm những khoản đầu tư khác và để phát triển được trong việc sản xuất chất bán dẫn, hợp tác giữa Rapidus với các đối tác nước ngoài là điều vô cùng cần thiết.

Thỏa thuận giữa Rapidus và IBM được ký kết trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng, đặc biệt trong lĩnh vực cung ứng chip. Nhật Bản từ lâu đã mất vị trí dẫn đầu về sản xuất chip, đặc biệt là các linh kiện bán dẫn tiên tiến, chính vì vậy, việc Rapidus mới được thành lập và kêu gọi đầu tư là một phần trong nỗ lực của nước này quay trở lại “đường đua” thống trị ngành công nghiệp bán dẫn như những năm 1980.

Trước đó, các nhà máy sản xuất bán dẫn nội địa Nhật Bản đã bị tụt hậu sau nhiều thế hệ, thậm chí đi sau Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Nhà sản xuất linh kiện bán dẫn theo hợp đồng Đài Loan TSMC (Trung Quốc) có kế hoạch sản xuất hàng loạt chip 2 nanomet vào năm 2025, Samsung Electronics (Hàn Quốc) có kế hoạch sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet vào tháng 6/2023. Và IBM cũng mong muốn có được năng lực sản xuất như hai tập đoàn này.

Chính phủ Nhật Bản xác định việc sản xuất chip trong nước có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh kinh tế của đất nước. Tokyo không thể phát triển ngành bán dẫn nếu không có sự hợp tác với các đối tác trên toàn cầu-những đối tác sẵn sàng giúp Nhật Bản trở thành cơ sở sản xuất hàng loạt chip tiên tiến thế hệ tiếp theo.

Mặc dù mới được thành lập và đang trong quá trình kêu gọi vốn đầu tư, song trước những hoài nghi về việc liệu Nhật Bản có thể giành lại vị trí hàng đầu trong ngành bán dẫn hay không, ông Atsuyoshi Koike bày tỏ lạc quan: “Văn hóa và tính cách của người Nhật phù hợp trong ngành bán dẫn và chúng tôi có thể đóng góp cho thế giới trong lĩnh vực này”.

Ông nói thêm rằng, Rapidus đang tìm kiếm những ý tưởng đột phá từ IBM và Mỹ, đồng thời nhấn mạnh giá trị hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ: “Những người quan tâm đến sản xuất chất bán dẫn sẽ được chào đón làm việc với chúng tôi”.

(theo Nikkei Asia)

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-tro-lai-duong-dua-san-xuat-chip-tien-tien-209934.html