Nhật Bản với đường lối ngoại giao mới

Bình luận báo cáo thường niên về chính sách và các hoạt động đối ngoại (Sách Xanh) của Nhật Bản, giới chuyên gia chính trị đánh giá, bản báo cáo năm 2021 tập trung 3 vấn đề liên quan tới đối ngoại với 3 quốc gia gồm Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng, Thủ đô Washington, Mỹ ngày 16-4. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng, Thủ đô Washington, Mỹ ngày 16-4. Ảnh: AFP

Đối với Mỹ, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh thân cận. Quan hệ với Mỹ tiếp tục được xác định là trụ cột của các chính sách ngoại giao và an ninh Nhật Bản. Sách Xanh cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động về môi trường an ninh, việc thắt chặt mối quan hệ đồng minh này ngày càng quan trọng hơn.

Bên cạnh đồng minh Mỹ, Nhật Bản cũng nêu bật tầm quan trọng của các mối quan hệ với các quốc gia khác như: Thành viên Bộ tứ (Quad, gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia); thành viên mạng chia sẻ thông tin tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes, gồm Mỹ, Anh, New Zeanland, Australia, Canada);… Nhật Bản sẽ cùng Mỹ và Pháp tiến hành cuộc tập trận lớn vào giữa tháng 5 tới đây trên đảo Kyushu của Nhật Bản.

Giới quan sát chính trị khu vực cũng chỉ ra rằng, hầu hết các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đều liên quan tới Mỹ. Đặc biệt, dù trong hơn nửa năm qua, hai nước đều có sự thay đổi về bộ máy chính trị, song, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật vẫn được duy trì rất tốt bởi hai chính quyền mới. Thể hiện rõ nét nhất ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật diễn ra vào tháng 4 năm nay giữa hai nhà lãnh đạo mới là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Cùng với đó, cả Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều thực hiện chuyến công du đầu tiên đến Nhật Bản sau khi nhậm chức.

Cũng về vấn đề củng cố mối quan hệ đồng minh, Nhật Bản đã đưa ra một chính sách rõ ràng trong quan hệ với nước láng giềng Hàn Quốc. Tuy nhiên, Sách Xanh Ngoại giao năm 2021 của Nhật Bản đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ đồng minh Hàn Quốc liên quan tới tranh chấp lãnh thổ.

Cụ thể, Nhật Bản đã duy trì việc khẳng định chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima, trong khi đây là lãnh thổ tranh chấp với Hàn Quốc kéo dài xuyên suốt nhiều thập kỷ. Chính phủ Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ và coi đây là một yêu sách, đồng thời triệu Công sứ Nhật Bản và thúc giục chính quyền Nhật Bản rút lại các yêu sách này. Hàn Quốc nhấn mạnh chủ quyền của mình đối với quần đảo tranh chấp nêu trên về mặt lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế.

Theo giới chuyên gia quốc tế, trong quan hệ đối tác, Sách Xanh cho thấy sự thận trọng. Nhật Bản tiếp tục khẳng định mối quan hệ với Trung Quốc là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất, bởi Trung Quốc cũng là nước đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Mặt khác, Nhật Bản đã lần đầu tiên chỉ rõ việc tàu thuyền Trung Quốc hoạt động tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là vi phạm luật pháp quốc tế. Nhật Bản coi các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông là mối nguy hại với an ninh thế giới và khu vực.

Phân tích của giới chuyên gia chỉ ra rằng, Sách Xanh đã cơ bản vạch ra đường lối đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ở góc độ tổng thể, Nhật Bản đã cho thấy đường hướng đối ngoại tương đối rõ nét với các đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của khu vực, việc triển khai các chính sách đối ngoại mới này có đạt được hiệu quả thực tế hay không sẽ vẫn là một “dấu hỏi” lớn.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhat-ban-voi-duong-loi-ngoai-giao-moi-post439493.html