Nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chiều 10-6, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trước đó, ngày 9-6, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); sau đó tiến hành thảo luận Tổ về nội dung này. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV nội dung: Đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank như tờ trình và báo cáo thẩm tra. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) ủng hộ sự cần thiết phải tăng vốn điều lệ cho Agribank. Đại biểu phân tích, Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngoài hoạt động kinh doanh thuần túy, Agribank còn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo đại biểu, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ giúp tăng quy mô vốn điều lệ, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bạc Liêu vẫn còn băn khoăn khi việc tăng vốn điều lệ dự tính lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm từ ngân sách Trung ương năm 2019. Đại biểu phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với thiệt hại khó lường đối với nền kinh tế cả trong nước và khu vực, thế giới nên thực tiễn thu ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn... Trong bối cảnh như vậy mà ta lại dùng nguồn từ tăng thu và tiết kiệm của năm 2019 để bổ sung vào thì có hợp lý hay không. Cần cân nhắc kỹ lưỡng để thực sự bảo đảm trong cân đối thu chi ngân sách của năm 2020, đại biểu đề xuất.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Cũng đồng tình với việc bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước cho Agribank, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu cho ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động bất thường thì tăng vốn điều lệ sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng, giúp ngân hàng gia tăng huy động vốn, mở rộng tín dụng. Đặc biệt, đối với tín dụng của Agribank, có đến 70% là dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên cần phải có sự hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, đại biểu TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị lãnh đạo ngân hàng cân nhắc khi phát triển mạng lưới chi nhánh; đề nghị nên ưu tiên ở khu vực nông thôn, tăng cường thêm hoạt động của ngân hàng di động; quan tâm phát triển mở rộng tín dụng tiêu dùng với hộ nông dân nhằm đẩy lùi tín dụng đen và cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn. Ngoài ra, nhấn mạnh việc “người dân còn thiếu thức quản lý tài chính”, đại biểu đề nghị khi ngân hàng cho vay cần hỗ trợ tư vấn quản lý tài chính để nắm được nguồn vốn, sử dụng hiệu quả, trả lãi hợp lý. Cùng với đó, quan tâm hơn đến đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp để nông nghiệp phát triển...

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) phân tích thêm về chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại. Đại biểu cho biết, trong hệ thống tổ chức tín dụng hiện có 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước. Hiện nay cả 4 ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Tuy nhiên, chỉ có Agribank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước; các ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỷ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài...

Đại biểu đề nghị thời gian tới, khi tổng kết thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14, trong đó có quy định liên quan đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại thì cần tổng kết đánh giá toàn diện quy định không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại. Từ đó, có cơ sở để định hướng điều chỉnh chính sách phù hợp theo hướng vừa bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng, vừa bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, không tạo áp lực cho ngân sách nhà nước.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/nhat-tri-bo-sung-von-dieu-le-cho-ngan-hang-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-622637