Nhiều cây xanh bị xâm hại, chết nhiều năm chưa được thay thế
Hiện nay, trên đường phố Hà Nội xuất hiện tình trạng nhiều cây xanh đã chết khô nhưng chưa được thay thế kịp thời.
Nhiều cây chết lâu năm chưa được thay thế
Điển hình, trên các tuyến phố lớn như phố Huế, Bà Triệu (phường Hai Bà Trưng), nhiều cây xanh đã chết khô nhưng không được thay thế mà chỉ được cắt tỉa cành.
Điển hình, tại trước cửa số nhà 222 phố Bà Triệu, một cây xà cừ cổ thụ đường kính lớn đã có dấu hiệu chết, được cắt tỉa cành, thân khô, còn lại thân cây cao khoảng 5-6m. Trước số nhà 112 phố Bà Triệu, một cây chết khô lâu ngày đã được cắt tỉa, cân tán cành khô và hạ độ cao; tuy nhiên, phía dưới gốc cây vẫn có rất nhiều xe máy, rác thải bao quanh.
Anh Lê Tuấn, người dân phố Bà Triệu cho biết, các cây khô nêu trên đã chết từ lâu nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được thay thế.

Tại trước cửa số nhà 222 phố Bà Triệu, một cây xà cừ cổ thụ đã có dấu hiệu chết, được cắt tỉa cành, còn lại thân cây cao khoảng 5-6m. Ảnh: VD
Tương tự, ghi nhận tại số 45 phố Thi Sách (phường Hai Bà Trưng), một thân cây to đã được cắt tỉa cành khô, thân cây có dấu hiệu nghiêng. Trước cửa số nhà 30 phố Thi Sách, một cây long não đã chết được cắt tỉa cân tán, nhưng vẫn trở thành “giá” treo dây điện, bóng đèn chiếu sáng cho các nhà hàng ở gần đó.

Cây xanh tại phố Thi Sách dù đã chết vẫn biến thành "giá" treo dây, đèn chiếu sáng... Ảnh: VD
Tại trước các số nhà 63-65 Lò Đúc, một gốc cây to, chiều cao khoảng 5m đã được cắt triệt tiêu thân, cành, nhưng phía dưới vẫn bị “bức tử” bởi những đống gạch, vật liệu xây dựng của công trình xây dựng đang thi công.
Chị Mai Hồng Loan, người dân phố Lò Đúc (phường Hai Bà Trưng) cho biết, nhiều cây đã chết được hơn 2 năm nhưng chưa được xử lý, thay thế cây mới. Các gốc cây đã chết trở thành nơi tập kết rác, tiếp tục bị xâm hại, gây mất mỹ quan đô thị, cần sớm có biện pháp di dời và trồng thay thế.

Cây xanh ở phố Lò Đúc dù đã chết vẫn bị bao quanh bởi những đống gạch, vật liệu xây dựng của công trình đang thi công. Ảnh: VD
Tương tự, trên các tuyến phố Xuân Thủy, Hàng Bông, phố Huế... cũng xuất hiện một số cây xanh đã có dấu hiệu rụng lá, nhiều cây bị cắt thân, cành.
Cây xanh cần được bảo vệ
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, khi phát hiện cây có dấu hiệu chết, công ty phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hiện trạng để xác định nguyên nhân. Nếu cây chết do yếu tố tự nhiên như già cỗi, bị tấn công bởi các loại sâu bệnh, thiên tai mưa, bão làm gãy đổ, hoặc do tác động của quá trình xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng ngầm nổi trên vỉa hè... thì công ty sẽ tiến hành chặt hạ, trồng cây thay thế ngay, thông thường trong khoảng 10-15 ngày.
Nếu xác định cây chết có dấu hiệu bị xâm hại như bị chặt rễ, đóng đinh, khoan lỗ, đổ hóa chất, hoặc làm tổn thương thân cây, rễ cây…, công ty sẽ phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng) và chính quyền địa phương, lực lượng công an ghi nhận sự việc và báo cáo đề nghị kiểm tra xử lý hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định, đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi, xin ý kiến chỉ đạo để triển khai thực hiện. Đối với các trường hợp cây đã chết có khả năng gây mất an toàn, sẽ được các bên có liên quan thống nhất biện pháp cắt triệt, cắt cành cụt thân để hạ độ cao của cây, bảo đảm an toàn trong khi chờ cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định. Sau khi có kết luận, công ty mới tiến hành chặt hạ và trồng thay thế cây mới.
Hiện nay, trên địa bàn công ty quản lý có 15 cây chết xác định có dấu hiệu bị xâm hại, nhưng vẫn chưa trồng cây thay thế do các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân, chưa có kết luận điều tra. Trong đó, có một số cây đã chết từ năm 2023 như 2 cây ở phố Thi Sách, 2 cây ở phố Bà Triệu, 2 cây ở phố Huế, 4 cây ở phố Lò Đúc ... đều phát hiện đã chết năm 2024 nhưng các cơ quan chức năng chưa có kết luận điều tra nên công ty không thể tiến hành thay thế cây mới được. Biện pháp tạm thời là công ty cắt tỉa cành khô, thân khô để bảo đảm không bị đổ gãy vào người.
Theo ông Đức, thực tế việc xác định cây có dấu hiệu sắp chết chỉ dựa vào kinh nghiệm của người kiểm tra, hiện chưa có công nghệ để chẩn đoán tình trạng “sức khỏe” của cây. Để xác định nguyên nhân chính xác, các cơ quan chức năng cần tiến hành các biện pháp nghiệp vụ. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có 5-10% cây chết do già cỗi tự nhiên, cây cối khó chăm sóc, khó phục hồi. Theo quy trình chăm sóc cây xanh trên các tuyến phố, công ty thực hiện kiểm tra định kỳ mỗi tháng 1 lần và thực hiện cắt tỉa cây xanh 1 năm 1 lần.
Trao đổi về việc làm thế nào để bảo vệ cây xanh không bị xâm hại, ông Đức cho biết, công ty đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư dự án thực hiện thi công hạ ngầm, cải tạo hè, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường, phố phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, không để nổi rễ, nổi bầu, không chặt rễ cây. Đồng thời, các đơn vị có biện pháp gia cố chằng chống, bảo vệ cây xanh trong quá trình thi công để cây không bị ảnh hưởng như chết, đổ, gãy…
Công ty cũng đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn dân để nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phối hợp, hỗ trợ đơn vị quản lý cây xanh trong việc thông tin để phát hiện các trường hợp cây nguy hiểm, xử lý sự cố cây xanh trên địa bàn được kịp thời, chính xác, nhanh chóng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.