Nhiều gia đình đồng bào Pa Cô phải vay tiền để 'chuộc' con từ chủ lao động

Sau khi tin vào lời mời gọi 'việc nhẹ, lương cao' nhiều lao động người Pa Cô ở xã miền biên tỉnh Quảng Trị đã đăng ký để vào tỉnh Lâm Đồng. Khi phát hiện việc làm không như thỏa thuận, để được về nhà họ phải nhờ người thân gửi tiền vào 'chuộc'.

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tới xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) – một địa phương nằm ở vùng biên giáp Lào với phần lớn cư dân là đồng bào Pa Cô (dân tộc Tà Ôi) để xác minh thông tin một số lao động tại xã này sau khi vào tỉnh Lâm Đồng làm việc thì người nhà phải gửi tiền cho chủ lao động mới được trở về nhà.

Chúng tôi tìm gặp anh Hồ Văn Xơi (SN 2001), trú thôn A Rông, xã Lìa, huyện Hướng – một trong những người vừa trở về từ tỉnh Lâm Đồng sau khi được người nhà gửi tiền vào để "chuộc".

Anh Hồ Văn Xơi - một trong những người vừa trở về từ tỉnh Lâm Đồng sau khi được người nhà gửi tiền vào để "chuộc".

Anh Hồ Văn Xơi - một trong những người vừa trở về từ tỉnh Lâm Đồng sau khi được người nhà gửi tiền vào để "chuộc".

Anh Xơi kể, bản thân sinh sống ở vùng quê đất đai cằn cỗi, kinh tế kém phát triển nên luôn mong muốn có công việc ổn định, phát triển kinh tế. Khi nghe nhiều người trong xã truyền nhau thông tin tuyển dụng lao động "việc nhẹ lương cao" anh Xơi và anh trai là Hồ Văn Son (SN 1986) đã đăng ký để được đi làm.

Sáng ngày 17/2/2023, anh Xơi cùng nhiều lao động khác tại địa phương lên xe khách từ ngã ba Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) để vào tỉnh Lâm Đồng. Đến nơi, nhóm của anh Xơi được thỏa thuận làm công việc chăn nuôi heo.

Tuy nhiên, sau đó nhóm này được chia ra làm việc ở nhiều nơi, với các công việc khác nhau. Anh Xơi và anh trai cùng 2 người khác được bố trí làm việc cùng trang trại. Công việc hàng ngày của nhóm anh Xơi là đi cắt rau, nhổ cỏ, làm vườn... Cả 4 người được bố trí chỗ ngủ, tự lo ăn uống, ngày làm việc 8 tiếng, lương theo thỏa thuận 7 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Hồ Văn Lê (ba của Hồ Văn Xơi) tỏ ra bức xúc khi phải gửi số tiền lớn để "chuộc" con trai đi làm thuê.

Ông Hồ Văn Lê (ba của Hồ Văn Xơi) tỏ ra bức xúc khi phải gửi số tiền lớn để "chuộc" con trai đi làm thuê.

Sau 4 ngày làm việc, nhóm này thấy công việc không như thỏa thuận ban đầu, cực nhọc nên muốn về nhà. Khi đó, chủ trang trại không đồng ý và yêu cầu tiếp tục làm việc hoặc gia đình phải nộp tiền mới được nhận giấy tờ về nhà. Nhóm lao động tìm hiểu thì được biết bên cung ứng lao động đã bán họ cho chủ trang trại.

Trong tờ trình gia đình ông Hồ Văn Lê – ba ruột của anh Xơi và anh Son gửi Công an tỉnh Lâm Đồng có nêu: "Hiện nay con chúng tôi bị giữ tại một trang trại sản xuất rau cải, trong người không có tiền bạc. Ngoài bị thu giữ toàn bộ tài sản, họ yêu cầu con chúng tôi làm việc cực nhọc và phải trả tiền ăn hằng ngày.

Nếu không có tiền họ cho tạm ứng 2,5 triệu đồng trả dần. Khi con chúng tôi hỏi thì được biết bà Vũ Thị Thu (PV – Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm và cung ứng lao động, Công ty TNHH Đức Hoàng) đã bán con chúng tôi cho chủ trang trại đó. Họ yêu cầu phải trả mỗi đầu người 3 triệu đồng thì mới chuộc lại và trả con chúng tôi về".

Tờ trình gia đình ông Lê và người trong xã có con đi lao động tại Lâm Đồng gửi Công an tỉnh Lâm Đồng.

Tờ trình gia đình ông Lê và người trong xã có con đi lao động tại Lâm Đồng gửi Công an tỉnh Lâm Đồng.

Lo lắng cho tình hình 2 người con đang lao động ở xa, ông Lê phải vay mượn và gửi số tiền 6,9 triệu đồng vào Lâm Đồng. Sau khi chủ lao động nhận tiền từ các gia đình, anh Xơi cùng 3 người trong nhóm được nhận 1 triệu đồng là tiền công trong 4 ngày làm việc rồi tự bắt xe về quê.

"Sợ con bị làm sao nên gia đình và mấy nhà nữa vay tiền rồi ngày 24/2 nhờ người chuyển vào trong kia để con được về nhà. Một lần nộp tiền để con về coi như mất nguyên một năm làm rẫy rồi", ông Hồ Văn Lê cho biết.

Bà Hồ Thị Xuân (SN 1980), thôn A Rông, xã Lìa, huyện Hướng Hóa cũng phải chạy vạy để vay số tiền 3,45 triệu đồng gửi vào tỉnh Lâm Đồng "chuộc" con trai là anh Hồ Văn Thao (SN 2001).

"Đi là rẫy, bán sắn cũng chẳng được mấy tiền, làm chỉ đủ ăn thôi, tưởng cho con trai đi làm kiếm tiền, có công việc cho đỡ vất vả, nào ngờ không có việc còn mất thêm tiền", bà Xuân chia sẻ.

Bà Hồ Thị Xuân vẫn tỏ ra tiếc nuối với số tiền gia đình phải gửi vào Lâm Đồng để "chuộc" con.

Bà Hồ Thị Xuân vẫn tỏ ra tiếc nuối với số tiền gia đình phải gửi vào Lâm Đồng để "chuộc" con.

Số tiền mà 3 gia đình Pa Cô phải bỏ ra để "chuộc" 4 người con về từ chủ lao động ở tỉnh Lâm Đồng là hơn 13 triệu đồng. Với đồng bào Pa Cô, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả thì đây quả là số tiền lớn.

Theo tìm hiểu, vừa qua, tại xã Lìa có 18 lao động người Pa Cô đi theo đường dây môi giới lao động kể trên. Vụ việc đi lao động rồi phải gửi tiền để chuộc về cũng khiến cả vùng quê nghèo vùng biên xôn xao.

Trao đổi cùng ông Hồ Văn Ta Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, huyện Hướng Hóa được biết, chính quyền cũng đang phối hợp với công an, bộ đội biên phòng để tiếp tục xác minh. Sau khi hoàn thành xác minh sẽ có báo cáo và phương hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi cho bà con trên địa bàn.

Hùng Trần

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhieu-gia-dinh-dong-bao-pa-co-phai-vay-tien-de-chuoc-con-tu-chu-lao-dong-172230310084336279.htm