Nhiều giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp ở Triệu Phong

Triệu Phong là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do các đợt bão lũ gần đây gây ra. Theo thống kê của UBND huyện Triệu Phong, tính đến ngày 30/10/2020, trên địa bàn huyện có 1 người chết do lũ cuốn trôi, 10 người bị thương, 1.571 tấn lúa, 41 tấn gạo bị hư hỏng, hơn 330.000 con gia cầm, 1.586 con lợn bị chết hoặc nước cuốn trôi, hàng trăm héc ta tôm bị thiệt hại, 3,6 km đường huyện, 14,9 km giao thông nông thôn, 16,2 km kênh mương, 10 trạm bơm, 593 m đê kè, gần 10 km bờ sông bị sạt lở, hư hỏng, tổng giá trị tài sản bị thiệt hại trên 280 tỉ đồng. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là hệ thống kênh mương bị hư hỏng khá nặng, hơn 220 ha đất sản xuất nông nghiệp bị đất cát bồi lấp, một lượng giống cây trồng, vật nuôi bị hư hỏng ảnh hưởng rất lớn đến khôi phục sản xuất vụ đông xuân sắp tới.

 Cánh đồng Triệu Giang bị rác thải và đất cát bồi lấp, gây khó khăn cho người dân trong khôi phục sản xuất - Ảnh: N.V

Cánh đồng Triệu Giang bị rác thải và đất cát bồi lấp, gây khó khăn cho người dân trong khôi phục sản xuất - Ảnh: N.V

Ông Hồ Viết Tự, thôn Trà Liên, xã Triệu Giang cho biết, Triệu Giang là vùng thấp trũng nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống lũ lụt và cách khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, chưa có năm nào lũ lụt lớn và nhiều lần như năm nay, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Triệu Giang phải hứng chịu 5 đợt lũ lụt lớn, nhiều nhà nước ngập đến gần 2m, đồng ruộng, đường sá, cầu cống bị ngập sâu nhiều nơi hơn 2m. Do nước lũ sông Thạch Hãn về mạnh mang theo một lượng lớn phù sa và rác thải cuốn vào đồng ruộng, nhà cửa gây thiệt hại lớn cho người dân. Bên cạnh đó, do lũ cuồn cuộn đổ về sông Thạch Hãn đã làm cuộn trào một lượng cát rất lớn từ lòng sông trôi vào đồng ruộng, có nơi sau khi nước rút đọng lại một lượng đất cát rất dày. Để xử lý sản xuất thì phải có máy móc hỗ trợ mới làm nổi còn nếu không, nguy cơ nhiều thửa ruộng sẽ bị bỏ hoang trong vụ sản xuất tới. Riêng gia đình ông Tự chết 4 con lợn, một số con gà, 4 sào đất sản xuất bị đất cát vùi lấp nặng nên chưa biết xử lý thế nào để khôi phục sản xuất.

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Phước Nguyễn Văn Thanh cho biết, do ảnh hưởng của các đợt bão lũ trong tháng 10 năm nay đã làm thiệt hại tài sản trên địa bàn xã ước tính hơn 29 tỉ đồng. Trước tình hình thiệt hại nặng nề đó, UBND xã tích cực huy động các tổ chức, cá nhân từ khắp mọi miền Tổ quốc về hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Sau bão lũ, UBND xã cùng với Nhân dân tích cực, chủ động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đến nay đời sống của người dân từng bước ổn định. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là trên đồng ruộng bùn non dày đặc, cát lấp, các hồ nuôi tôm, các đầm phá bị trôi hoàn toàn chỉ còn lại hàng loạt máy móc hư hỏng nặng. Đặc biệt, tuyến đê biển Bắc Phước tại điểm đê kè Ngọn vị trí km 0 thuộc địa phận thôn Duy Phiên dài 200 m, trong đó có 100 m bị sập hoàn toàn, tuyến đê bao trước khu dân cư Hà Lộc dài 120 m cũng bị sập ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân các thôn Bắc Phước, An Hà. Để người dân an tâm sản xuất mùa vụ mới, xã Triệu Phước đề nghị UBND huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, khắc phục kịp thời những tuyến đê kè bị sạt lở nói trên. Nếu không được khắc phục kịp thời, triều cường sẽ xâm nhập mặn đến đất sản xuất của khu vực Bắc Phước.

Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Phong, tính đến ngày 30/10/2020, Ban cứu trợ huyện đã tiếp nhận hàng cứu trợ, tiền mặt với tổng giá trị ước tính trên 2 tỉ đồng, đã tiến hành cấp phát kịp thời cho các hộ dân, không để người dân bị đói do thiên tai gây ra. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân khác đã cứu trợ trực tiếp cho các hộ dân trên địa bàn huyện với hàng nghìn suất quà, góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Đối với khôi phục sản xuất sau lũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết, quan điểm của huyện bằng mọi cách giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, tuyệt đối không để đất bỏ hoang do bị lũ lụt gây ra. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng và phương tiện để giúp người dân khắc phục hậu quả do lụt bão gây ra.

Để tiếp tục giúp địa phương khắc phục bão lũ, ông Phan Quang Giải đề nghị các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân từ nay đến sản xuất vụ đông xuân khi đến hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nên giúp giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất, vì hiện tại do nước lũ đã rút nhiều ngày nay nên cuộc sống của người dân tạm thời ổn định. Từ nay đến vụ đông xuân chỉ còn khoảng 2 tháng nữa nên huyện Triệu Phong tập trung mọi nguồn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh để khắc phục hậu quả bão lũ. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ cho từng thôn, từng hợp tác xã cải tạo bốc hết lượng đất cát vùi lấp đồng ruộng không để ruộng bỏ hoang vì bị lũ lụt.

Đối với hệ thống kênh mương bị hư hỏng nếu không kịp thời khắc phục thì công tác tưới tiêu cho vụ đông xuân sẽ gặp khó khăn. Trước mắt chưa có kinh phí để làm bằng bê tông thì cũng phải cải tạo, sửa chữa để tưới, khi có nguồn vốn huyện sẽ ưu tiên khắc phục. Đối với 10 trạm bơm ven sông bị sạt lở và nước cuốn trôi, huyện đang tìm kiếm nguồn vốn để hỗ trợ địa phương sửa chữa. Đối với hệ thống giao thông bị nước cuốn trôi, với phương châm không để tắc đường, huyện đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục, khi cấp trên phân bổ nguồn vốn huyện sẽ cân đối để giải quyết. Đến thời điểm hiện nay, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt huyện cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, trong lúc đó tỉnh mới có kế hoạch hỗ trợ cho Triệu Phong 9 tỉ đồng.

Một khó khăn nữa đó là nguồn giống để hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất trong vụ đông xuân sắp tới. Vụ đông xuân này, toàn huyện sẽ gieo cấy 6.000 ha lúa nên phải cần tới 400 tấn giống, hiện nay người dân sẽ chủ động được 50% diện tích, 50% diện tích còn lại chưa có giống, khoảng 200 tấn. Bên cạnh đó, người dân cũng cần một lượng lớn giống cây rau màu và giống gia súc, gia cầm để khôi phục kịp thời sau lũ. Trước đó mấy tháng, do dịch tả lợn Châu Phi, đàn lợn của người dân bị thiệt hại nặng nay bị lũ cuốn trôi và bị chết nên rất khó khăn về nguồn giống. Giống rau màu, kể cả giống khoai lang do ngâm quá lâu ngày trong các đợt lũ nên hiện nay cũng trở nên khan hiếm…

Khó khăn là vậy, nhưng bên cạnh sự hỗ trợ của cấp trên, lãnh đạo huyện Triệu Phong tích cực chủ động tìm kiếm vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ giống cây trồng, vật nuôi. Đến thời điểm này, bằng các mối quan hệ, lãnh đạo huyện Triệu Phong đã xin được 10 tấn lúa giống cho 10 xã, 1 xã 1 tấn phân cho 100 hộ bị thiệt hại nặng. Bên cạnh đó, đơn vị tài trợ còn hỗ trợ thêm 1.000 cái chăn, 9 con bò và 1.000 con gà giống… Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ 2.500 con giống vịt biển và lượng giống rau màu gieo trồng trên 10 ha. Số giống này, huyện sẽ phân bổ cho dân để khôi phục sản xuất.

Ông Phan Quang Giải cho biết thêm, ngoài 10 xã sẽ được hỗ trợ mỗi xã 1 tấn giống lúa thì trên địa bàn huyện còn 4 xã bị ngập sâu, cách đây 1 ngày huyện đã vận động được thêm 2 cá nhân và họ hứa sẽ tài trợ 4 tấn nữa. Như vậy, đến thời điểm này, 14 xã bị thiệt hại nặng do lũ trước mắt sẽ được hỗ trợ 1 xã 1 tấn giống lúa. Từ đây đến sản xuất vụ đông xuân, huyện sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà tài trợ để tài trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân khôi phục sản xuất.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153006