Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án

Lượng việc và tiền phải thi hành nhiều và ngày càng tăng, địa bàn rộng, nhiều việc không có điều kiện thi hành hoặc khó thi hành, trong khi nhân lực rất mỏng… là đặc thù trong công tác thi hành án dân sự tại huyện Đồng Hỷ.

Lãnh đạo và chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ trao đổi nghiệp vụ.

Lãnh đạo và chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ trao đổi nghiệp vụ.

Theo ông Nguyễn Đức Quý, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đồng Hỷ: Những năm gần đây, theo yêu cầu tinh giản biên chế, số lượng cán bộ, công chức của đơn vị giảm dần qua các năm. Hiện nay, Chi cục chỉ được giao 7 biên chế, trong đó có 3 chấp hành viên (gồm cả 1 lãnh đạo). Trái lại, lượng việc và tiền thụ lý mới năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Riêng 9 tháng của năm 2024 (tính từ ngày 1/10/2023 đến hết tháng 6-2024), đơn vị thụ lý mới 437 việc (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023), về tiền thụ lý mới trên 16,47 tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ).

Cộng với số việc từ kỳ trước chuyển sang, Chi cục phải thi hành 665 việc, tương ứng số tiền trên 28,6 tỷ đồng. Bởi vậy, các chấp hành viên làm kiêm nhiệm nhiều việc và bị quá tải là chuyện thường xuyên.

Không chỉ có số lượng án và tiền thụ lý mới tăng mà số việc chuyển từ kỳ trước sang chủ yếu là loại án chưa có điều kiện, người phải thi hành án không có tài sản, không có thu nhập, một số đang cải tạo tại trại giam, một số ra trại không về địa phương sinh sống... nên thi hành gặp khó khăn, ngay cả việc xem xét để miễn, giảm thi hành án cũng không dễ.

Bên cạnh đó, việc thi hành án tín dụng ngân hàng gặp nhiều trở ngại vì người phải thi hành có tài sản thế chấp nhưng tài sản có tranh chấp chưa kê biên xử lý được. Có trường hợp tài sản kê biên, bán đấu giá, giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua... Những nguyên nhân đó khiến kết quả thi hành án bị ảnh hưởng.

Trước thực tế trên, để nâng cao hiệu quả thi hành án, Chi cục đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Hằng tuần, đơn vị tổ chức họp giao ban thường kỳ và đột xuất để đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo công việc. Những việc lớn, phức tạp, khó thi hành được đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng các giải pháp, lãnh đạo Chi cục trực tiếp vào cuộc giải quyết.

Đối với các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do tòa án chuyển đến, Chi cục đều ra quyết định đúng thời hạn. Đơn vị đặc biệt chú trọng việc xác minh, phân loại án đảm bảo chính xác, kịp thời để triển khai thi hành đúng quy định của pháp luật.

Một buổi tiếp công dân của lãnh đạo và chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ.

Một buổi tiếp công dân của lãnh đạo và chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ.

Một trong những mấu chốt trong công tác THADS ở Đồng Hỷ là có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự sâu sát của Ban Chỉ đạo THADS huyện; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Chi cục với các cơ quan tiến hành tố tụng, trong khối nội chính giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải thích án, thống kê, rà soát án tuyên không rõ, khó thi hành.

Bên cạnh đó, đơn vị duy trì tốt mối quan hệ phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương trong THADS. Công tác tiếp công dân tại Chi cục được triển khai, thực hiện tốt. Hiện, Chi cục dành một phòng làm việc để tiếp công dân và cử cán bộ trực tiếp công dân. Cùng với đó, đơn vị luôn phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan Công an trong việc vận động, thuyết phục người phải thi hành án, hoặc vận động thân nhân của họ thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

THADS là công công việc khó, nhạy cảm, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các đương sự. Do vậy, các chấp hành viên của Chi cục luôn đề cao công tác vận động, thuyết phục, tạo điều kiện và cơ hội cho các bên tự thỏa thuận với nhau. Đó là một trong những “chìa khóa” để giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh phát sinh khiếu kiện, tố cáo.

Cũng từ giải pháp này, Chi cục đã giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài. Điển hình là vụ việc giữa bà Đ.H.T., ông G.T.H. ở thị trấn Hóa Thượng với Ngân hàng Quốc dân Chi nhánh Thái Nguyên; vụ việc của ông Đ.K.S. (thị trấn Sông Cầu) phải trả cho Ngân hàng An Bình trên 2 tỷ đồng. Nhờ chấp hành viên kiên trì vận động, thuyết phục, phân tích rõ lợi - hại, các bên đã tự thỏa thuận, tìm được tiếng nói chung, vụ việc được giải quyết dứt điểm.

Chấp hành viên Trương Thị Dung thông tin: Đồng Hỷ có địa bàn rộng. nhiều xã cách xa trung tâm cũng khiến việc đi lại, tổ chức thi hành án gặp khó khăn. Hơn nữa, một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nên quá trình giải thích pháp luật cũng như vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án cũng vất vả. Bởi vậy, để đạt hiệu quả công việc, chúng tôi phải có kế hoạch làm việc cụ thể, khoa học; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xóm.

Bằng nhiều giải pháp phù hợp, mặc dù còn không ít khó khăn nhưng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân và cả tập thể, công tác THADS của huyện Đồng Hỷ hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Riêng 9 tháng năm 2024, Chi cục đã thi hành xong 382/498 việc có điều kiện thi hành (đạt 76,71%); về tiền đã thi hành xong 5,63/22,1 tỷ đồng có điều kiện thi hành (đạt gần 26%).

Số tiền phải thi hành đạt thấp do đơn vị mới thụ lý vụ việc liên quan đến án kinh doanh thương mại gần 8 tỷ đồng (đây là số tiền đương sự có đơn đề nghị thi hành án trong tổng số trên 85 tỷ đồng theo quyết định của tòa án). “Mặc dù lượng việc và tiền phải thi hành còn nhiều nhưng Chi cục đã có các phương án để thực hiện, đang tích cực triển khai, cố gắng đạt và chỉ tiêu trên giao trong những tháng cuối năm” - Ông Nguyễn Đức Quý khẳng định.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202407/nhieu-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-thi-hanh-an-1362ffa/