Nhiều khó khăn ở Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị

Từng là 'chiếc nôi' đào tạo quy mô, chất lượng đội ngũ giáo viên phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh, nhưng trước những chủ trương, quy định mới về phát triển giáo dục, hiện nay Trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Quảng Trị đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tuyển sinh và tâm tư của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

 Trường CĐSP Quảng Trị hiện có một số lớp sinh viên theo học rất ít

Trường CĐSP Quảng Trị hiện có một số lớp sinh viên theo học rất ít

Nếu như từ năm 2014 trở về trước, mỗi năm Trường CĐSP Quảng Trị tuyển sinh khoảng 500 - 700 sinh viên thì đến thời điểm này của năm học 2019 - 2020, nhà trường mới chỉ tuyển sinh được hơn 50 sinh viên. Trong đó, có 40 sinh viên theo học ngành sư phạm mầm non, số sinh viên ít ỏi còn lại chia cho 4 ngành gồm sư phạm âm nhạc, tiếng Anh, giáo dục công dân và giáo dục tiểu học. Các ngành còn lại như sư phạm tin học, lịch sử, mĩ thuật, vật lí, sinh học, kế toán, quản trị văn phòng… đều không có ai theo học. Tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng không chỉ diễn ra trong năm học này mà là thực tế của mấy năm gần đây và có lớp học chỉ có 3 - 4 sinh viên, thậm chí lớp âm nhạc chỉ có 1 sinh viên nhưng vẫn phải duy trì. Nguyên nhân của tình trạng này là do sinh viên tốt nghiệp hệ CĐSP gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn yêu cầu giáo viên dạy tiểu học trở lên phải có trình độ đại học, Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2019 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 quy định giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây chỉ yêu cầu tốt nghiệp trung cấp, CĐSP).

Tiến sĩ Trương Đình Thăng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐSP Quảng Trị cho biết: “Thực tế và quy định như thế đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho nhà trường trong công tác tuyển sinh. Trước đây trường lúc nào có trên 1.000 sinh viên thì đến thời điểm này có chưa đến 250 sinh viên. Nếu căn cứ theo Luật Giáo dục mới thì không chỉ Trường CĐSP Quảng Trị mà tất cả các trường cùng hệ đào tạo này đều sẽ khó tồn tại. Trường CĐSP Quảng Trị hiện có 122 cán bộ, giáo viên, trong đó có 90 giáo viên với 10 tiến sĩ và 72 thạc sĩ. Số lượng sinh viên theo học ít ỏi đã khiến nhiều giáo viên không khỏi trăn trở, nhất là không phát huy hết trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn và số giờ đứng lớp thấp”.

Cô Nguyễn Thị Kim Thái, giáo viên Khoa giáo dục mầm non chia sẻ: “Tôi và các giáo viên khác rất băn khoăn vì tình trạng này khiến chúng tôi không thể phát huy hết năng lực, sở trường của bản thân cũng như yên tâm trong công tác và quan trọng hơn cả là chưa biết sau này đội ngũ giáo viên nhà trường sẽ được bố trí, sắp xếp như thế nào cho phù hợp. Mong muốn các cấp, các ngành sớm đưa ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn này”. Cùng quan điểm này, cô Lương Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa giáo dục tiểu học cho biết thêm: “Việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học như quy định và luật đưa ra là cần thiết và tất yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên một thay đổi quan trọng như vậy nhưng có hiệu lực thực hiện chỉ sau một thời gian ngắn theo quan điểm tôi là hơi đột ngột và tạo tâm lí không tốt đối với giáo viên và các cơ sở đào tạo giáo viên là hệ thống các trường CĐSP. Chúng tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kĩ vấn đề này để có phương án giải quyết phù hợp”.

Những vấn đề trên cũng ảnh hưởng đến việc học của sinh viên. Một sinh viên nêu thực tế: “Chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường rất tốt, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học được đầu tư quy mô, đồng bộ nhưng số lượng sinh viên ít ỏi, có lớp học chỉ có 3 - 4 người đã tạo tâm lí không tốt đối với người học. Trường thu hút được nhiều sinh viên, lớp có nhiều người học thì sẽ tạo ra môi trường, động lực học tập tốt hơn”.

Để tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động, Trường CĐSP Quảng Trị đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp. Tiến sĩ Trương Đình Thăng, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường thông tin: “Trước mắt trường tiếp tục tổ chức đào tạo các ngành nghề hiện có và được xem là thế mạnh. Tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như kết hợp với các trường khác đào tạo lại đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh chưa đạt chuẩn theo quy định... Xây dựng đề án để trình UBND tỉnh cho phép trường thực hiện mô hình đào tạo liên cấp học. Theo đó, ngoài đào tạo hệ cao đẳng, trường thực hiện chức năng đào tạo cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, trước mắt là đào tạo cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thực hiện phương án này nhà trường sẽ phát huy được trình độ, năng lực chuyên môn và giải quyết việc làm, ổn định tư tưởng cho đội ngũ giáo viên hiện có cũng như khai thác, bảo quản tốt, tránh lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư”.

Thực tế ở Trường CĐSP Quảng Trị là tình hình chung của hệ thống các trường CĐSP trong toàn quốc. Trong khi chờ đợi những chính sách tháo gỡ từ trung ương, các cấp và ngành trong tỉnh cần quan tâm hơn việc giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng, phù hợp của đơn vị để Trường CĐSP Quảng Trị vượt qua khó khăn.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142834