Nhiều lễ hội của Phật giáo - điểm nhấn tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024

Nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (diễn ra từ ngày 7 - 12/6), cùng với các chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đồng hành cùng chính quyền tỉnh, Ban Tổ chức Festival Huế tổ chức Lễ hội Ẩm thực chay và Lễ hội Hoa đăng. Đây chính là 2 lễ hội – điểm nhấn của Festival Huế 2024 đã thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương tham gia.

Hướng đến lễ hội ẩm thực chay quốc tế

Trong không gian rợp bóng cây xanh bên cạnh bờ sông Hương thơ mộng – Nghinh Lương Đình, Lễ hội Ẩm thực chay – Festival Huế 2024 mang đến cho công chúng và du khách những trải nghiệm thú vị về ẩm thực chay Huế.

Kinh phí bán vé thu được từ Lễ hội ẩm thực chay- Festival Huế 2024 được sử dụng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Kinh phí bán vé thu được từ Lễ hội ẩm thực chay- Festival Huế 2024 được sử dụng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Đại đức Thích Huệ Trọng, Ủy viên Ban Phật giáo quốc tế Trung ương GHPG Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban từ thiện xã hội GHPG Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban tổ chức (BTC) lễ hội ẩm thực chay cho rằng, ăn chay ngoài mục đích hướng thiện, nuôi dưỡng tâm từ bi còn giúp chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Vì thế, đây được coi là khuynh hướng thịnh hành và được ưa chuộng. Đặc biệt, với bề dày truyền thống, khi nhắc đến Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến ẩm thực chay bởi sự đa dạng về cách chế biến, tính thực dưỡng cao, sự tinh tế, khéo léo trong sắp đặt và bài trí. Chính những điều này đã tạo cho ẩm thực chay Huế một nét riêng đặc sắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương dự khai mạc Lễ hội Ẩm thực chay.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương dự khai mạc Lễ hội Ẩm thực chay.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Phó Trưởng BTC Festival Huế 2024 khẳng định, đây là lần đầu tiên lễ hội ẩm thực chay được đưa vào chương trình Festival và được công bố họp báo quốc tế và cũng là lần đầu tiên chính quyền phối hợp GHPGVN tổ chức một hoạt động để tôn vinh ẩm thực chay quy mô lớn. Điều đáng mừng là có rất nhiều đơn vị đăng ký tham gia, tạo nên quy mô và sức hút cho lễ hội. Qua lễ hội, BTC mong muốn lễ hội ẩm thực chay sẽ được tổ chức thường niên và sau này sẽ trở thành lễ hội ẩm thực chay quốc tế, làm cơ sở để xây dựng trung tâm ẩm thực chay trong tương lai.

Lễ hội hội Ẩm thực chay với quy mô 36 gian hàng của 45 đơn vị tham gia, với hơn 72 món ăn: gỏi thập cẩm, súp bí ngô, bánh cuốn, chả thủ, gỏi thanh trà, cà ri, các loại bánh, chè, cơm hến... đến từ các khách sạn, nhà hàng danh tiếng và các chùa trên địa bàn tỉnh.

Rất đông du khách đến thưởng thức tại Lễ hội Ẩm thực chay - Festival Huế 2024.

Rất đông du khách đến thưởng thức tại Lễ hội Ẩm thực chay - Festival Huế 2024.

Chị Trần Thị Hồng Hà, du khách đến từ Hà Nội chơi Festival Huế và tham gia lễ hội ẩm thực chay rất bất ngờ khi hàng chục món ăn được các đầu bếp chuyên nghiệp đến từ các khách sạn, nhà hàng chay nổi tiếng của Huế chế biến nên rất ngon và bài trí đẹp mắt, hấp dẫn… “Lễ hội Ẩm thực chay Huế không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là tinh hoa văn hóa, thể hiện sự tinh tế, khéo léo trong cách chế biến và bài trí, mang đến cho người thưởng thức một trải nghiệm ẩm thực thanh tao, thanh lọc tâm hồn”, chị Hà bày tỏ.

Lễ hội Ẩm thực chay – Festival Huế 2024 không chỉ là dịp để giới thiệu tinh hoa ẩm thực chay Huế, mà còn là cơ hội để chung tay góp phần vào chương trình từ thiện xã hội. Toàn bộ kinh phí thu được từ Lễ hội sẽ được sử dụng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mang đến niềm vui và sự ấm áp cho cộng đồng.

Rực rỡ đêm hội Hoa đăng trên sông Hương

Tại Nghinh Lương Đình, TP Huế, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Ban Tổ chức Festival Huế 2024 tổ chức Lễ hội Hoa đăng với tâm niệm nguyện cầu phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.

Lễ hội Hoa đăng với tâm niệm nguyện cầu phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.

Lễ hội Hoa đăng với tâm niệm nguyện cầu phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.

Từ ngàn đời nay, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng dân tộc, hun đúc nên những giá trị văn hóa và tinh thần cao đẹp. Lễ hội Hoa đăng, với ý nghĩa “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” và “hộ quốc an dân”, chính là minh chứng cho sự gắn kết sâu sắc giữa Phật giáo và đời sống con người.

Với 30.000 hoa đăng được thả xuống sông Hương tạo nên bức tranh lung linh sắc màu, huyền ảo về đêm. Lễ hội Hoa đăng tạo nên dòng chảy tâm linh, cầu mong cho những điều tốt đẹp đến với quê hương, đất nước và toàn nhân loại.

30.000 hoa đăng được thả xuống sông Hương tạo nên bức tranh lung linh sắc màu, huyền ảo về đêm.

30.000 hoa đăng được thả xuống sông Hương tạo nên bức tranh lung linh sắc màu, huyền ảo về đêm.

Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể với các hoạt động chính, như: chương trình văn nghệ đặc sắc, khởi chinh cổ, nhạc tam luân cửu chuyển và thực hiện nghi lễ cầu nguyện thành kính, trang trọng với nghi lễ cử 3 hồi chuông trống bát nhã.

Sau các nghi lễ, những ngọn hoa đăng được thắp sáng lung linh trong đêm mang theo những nguyện cầu của người dân xứ Huế, du khách cho đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa, an lành và hạnh phúc đến với mọi nhà.

Lễ hội Hoa đăng là một hoạt động ý nghĩa góp thêm sắc màu cho Festival Huế, cho tinh hoa văn hóa Huế thêm sức sống; cũng như tiếng gọi mời thân thiện chan chứa tình cảm của người dân Cố đô đến với mảnh đất giàu lòng hiếu khách.

Lễ hội Hoa đăng là một hoạt động ý nghĩa góp thêm sắc màu cho Festival Huế 2024.

Lễ hội Hoa đăng là một hoạt động ý nghĩa góp thêm sắc màu cho Festival Huế 2024.

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế. Huế còn là trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo lớn, trong đó Phật giáo là tôn giáo có vai trò, ảnh hưởng lớn trong đời sống người dân cố đô Huế và trở thành một bộ phận văn hóa tinh thần, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Huế, con người Huế.

Phật giáo đã và đang đồng hành cùng dân tộc trong tư tưởng “hộ quốc an dân”, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã cùng Tăng ni, Phật tử tỉnh tổ chức nhiều hoạt động Phật sự thiết thực, ý nghĩa, thông qua các lễ hội Phật giáo truyền thống. Trong đó, có nhiều lễ hội trong các dịp festival.

Triển lãm văn hóa Phật giáo – Festival Huế 2024

Chào mừng Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đang diễn ra triển lãm Văn hóa Phật giáo – Festival Huế 2024. Tại đây, 110 tác phẩm thông qua hình tượng hoa sen và các biểu tượng Phật giáo c đã giới thiệu đến công chúng và du khách. Những tác phẩm này được chế tác một cách bài bản, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và thể loại, được làm bằng chất liệu tranh sơn mài, gốm, đồng, đá cuội, tranh lụa và các chất liệu truyền thống khác.

Bên cạnh những bức tranh về sen, triển lãm còn trưng bày nhiều tác phẩm được làm từ lụa tổng hợp, lụa truyền thống. Đặc biệt các tác phẩm được làm bằng chất liệu gốm thanh lưu ly, loại lưu ly hoàng gia sử dụng trong cung đình Huế được lưu giữ, kế thừa cho đến bây giờ. Triển lãm lần này quy tụ nhiều họa sĩ nổi tiếng, lão luyện với nhiều kinh nghiệm trong nghề như: Họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Họa sĩ Mai Châu, Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Họa sĩ Đặng Mậu Tựu...

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nhieu-le-hoi-cua-phat-giao-diem-nhan-tai-tuan-le-festival-nghe-thuat-quoc-te-hue-2024-i733952/