Nhiều mô hình khuyến nông chưa phát huy hiệu quả

ĐBP - Với mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã triển khai thực hiện hàng trăm mô hình khuyến nông. Tuy nhiên, nhiều mô hình chưa phát huy hiệu quả, không được duy trì, nhân rộng và đặc biệt chưa góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Chị Lò Thị Nhung, bản Nậm Ngám A, xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) sau khi kết thúc mô hình “chăn nuôi vịt an toàn sinh học” đã không duy trì mô hình mà chuyển sang nuôi ngan, gà giống địa phương. Ảnh: Văn Tâm

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí chi cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh là 32,308 tỷ đồng (trong đó các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 16,056 tỷ đồng; các huyện, thị xã và thành phố hơn 16,25 tỷ đồng). Riêng kinh phí dành cho hoạt động thực hiện trình diễn các mô hình là gần 24 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, toàn tỉnh đã đầu tư 217 mô hình khuyến nông; trong đó có 182 mô hình về trồng trọt và 35 mô hình chăn nuôi, thủy sản.

Giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được cấp hơn 9,822 tỷ đồng thực hiện 105 mô hình trình diễn chương trình khuyến nông (chưa bao gồm kinh phí các hoạt động khác); gồm 83 mô hình trồng trọt và 22 mô hình chăn nuôi. Hội thảo tổng kết, các mô hình đều được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và xã hội. Ví dụ mô hình “chăn nuôi vịt an toàn sinh học” tại bản Phiêng Ngám (nay bản Nậm Ngám A), xã Pú Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tỉnh triển khai tháng 8/2018. Sau 4 tháng triển khai, theo tổng kết đánh giá mô hình đã mang lại hiệu quả cao: Tạm tính mỗi hộ nuôi 65 con vịt sẽ có lãi gần 3 triệu đồng. Bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức chăn nuôi truyền thống (thả rông) chuyển sang chăn nuôi bán chăn thả, nhốt, có quản lý và cách ly mầm bệnh để hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, sau khi kết thúc mô hình trình diễn, đến nay người dân không duy trì, nhân rộng. Chị Lò Thị Nhung, 1 trong 15 hộ dân tham gia mô hình “chăn nuôi vịt an toàn sinh học” tại bản Nậm Ngám A cho biết: Trước đây khi tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ giống, thức ăn, nhưng sau khi mô hình kết thúc thì gia đình không tiếp tục duy trì. Loại vịt này dù có ưu điểm nhanh lớn nhưng chi phí thức ăn tốn kém hơn các loại vịt khác, trong khi đó giá bán thấp hơn nhiều so với giống vịt địa phương. Nếu như giống vịt địa phương có giá từ 80 - 100 nghìn đồng/kg (tùy từng thời điểm) thì loại vịt mô hình chỉ có giá từ 60 - 65 nghìn đồng/kg. Vì vậy, kết thúc mô hình, gia đình tôi chuyển sang nuôi gà, ngan địa phương. Không chỉ gia đình chị Nhung mà các hộ dân đã tham gia mô hình đến nay cũng không duy trì mô hình nuôi vịt này nữa.

Ông Sùng A Thi, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Pú Nhi cho biết: Sau khi mô hình kết thúc, đơn vị chủ dự án đã chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân để nhân rộng trên địa bàn. Tuy nhiên, qua rà soát thì hiện nay mô hình “chăn nuôi vịt an toàn sinh học” trên địa bàn đã không còn tồn tại; 15 hộ dân tham gia mô hình không còn duy trì. Nhiều hộ đã chuyển sang nuôi gà, ngan, vịt địa phương. Nguyên nhân do chi phí nuôi loại vịt (mô hình) cao, cùng với đó không phù hợp với phương thức chăn nuôi của người dân.

Tương tự, mô hình “Nuôi cá tầm trong lồng bè” trên địa bàn 3 xã: Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ) và Thanh Luông, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì và Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tỉnh thực hiện dự án từ tháng 3 - 12/2018. Qua đánh giá của đơn vị thực hiện: Nuôi 3.000 con cá tầm trong 10 tháng có tổng chi phí hơn 300 triệu đồng, trung bình mỗi con đạt trọng lượng 1,8kg; giá bán buôn trên thị trường (tại thời điểm năm 2018) khoảng 130.000 đồng/kg thì tổng thu gần 634 triệu đồng. Trừ chi phí, số lãi thu được hơn 300 triệu đồng.

Là một trong những người tham gia mô hình, ông Nguyễn Thế Nghi, Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông, xã Thanh Luông chia sẻ: Khi tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 1.000 con cá giống và 50% thức ăn cho cá. Tuy nhiên, đến tháng 6/2019 đã bị chết 200 con cá và đến giữa năm 2020 tiếp tục chết gần 800 con. Hiện nay, trong tổng số 1.000 con cá giống được hỗ trợ chỉ còn 3 con sống sót. Một trong những nguyên nhân là do mực nước lòng hồ xuống thấp dẫn đến cá chết, trong khi cá tầm ưa khí hậu lạnh, mực nước sâu.

Cũng theo ông Nghi, hầu hết các hộ dân trên địa bàn 3 xã tham gia mô hình hiện nay đã không duy trì, hoặc có duy trì nhưng không mở rộng phát triển.

Không chỉ 2 mô hình trên, theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, hiện nay còn nhiều mô hình khuyến nông chưa hoặc không phát huy hiệu quả. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 217 mô hình, chưa mô hình nào được nhân rộng, trở thành điển hình sản xuất trong chương trình khuyến nông giai đoạn 2016 - 2020.

Trao đổi về hiệu quả các mô hình khuyến nông, ông Lê Ngọc Minh, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tỉnh) khẳng định các mô hình đều phát huy hiệu quả, được người dân tiếp tục duy trì và nhân rộng. Thế nhưng khi được hỏi cụ thể số lượng mô hình phát huy hiệu quả thì ông Minh không trả lời được!

Tại báo cáo số 2130/BC-SNN ngày 2/11/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đánh giá tình hình thực hiện chính sách khuyến nông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 cũng nêu rõ: Việc duy trì và phát triển kết quả của các mô hình sau khi kết thúc còn rất hạn chế; số lượng mô hình sản xuất nông nghiệp có gắn kết theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững không gia tăng.

Phải nhìn nhận rằng, trong những nguyên nhân chính khiến các mô hình khuyến nông chưa phát huy hiệu quả là xuất phát từ phía người dân. Thực tế đã từng có những hộ dân tham gia mô hình chỉ để nhận hỗ trợ của Nhà nước và khi kết thúc mô hình thì không duy trì, phát triển nữa. Cùng với đó, phần lớn đối tượng được hỗ trợ có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, không có năng lực về tài chính để đầu tư dài hạn hoặc mở rộng quy mô nên sau khi mô hình trình diễn kết thúc lại quay về trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống. Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhiều người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động tiếp cận các mô hình, chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân đến từ chính sách khuyến nông chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Phương thức hỗ trợ còn dàn trải, không tập trung trọng tâm, trọng điểm; định mức hỗ trợ thấp lại thiếu sự linh hoạt khi áp dụng. Ðơn cử như kinh phí dành cho mô hình cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, dược liệu, mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/mô hình/năm và 30 triệu đồng/hộ/năm. Trong khi đó, để duy trì, phát triển các mô hình cần có thời gian dài để đầu tư, nhất là cây trồng dài ngày; rồi vấn đề tổ chức sản xuất, kết nối thị trường...

Mục đích của các mô hình khuyến nông là nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Vì vậy, trước khi thực hiện mô hình, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần xem xét, đánh giá kỹ khả năng duy trì, nhân rộng mô hình của người dân; mô hình phải phù hợp với thực tế địa phương để mang lại hiệu quả thực sự chứ không phải chỉ hiệu quả tại hội thảo, tổng kết mô hình.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183275/nhieu-mo-hinh-khuyen-nong-chua-phat-huy-hieu-qua