Nhiều nỗi lo khi giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục

Sau 20 ngày không điều chỉnh, từ 15 giờ ngày 11/2/2022, giá xăng, dầu trong nước đồng loạt tăng "phi mã" lên gần 1.000 đồng/lít, khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải, dịch vụ rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất; người tiêu dùng (NTD) cũng không khỏi lo lắng, bởi tác động tiêu cực đến giá cả các mặt hàng phải tăng theo.

Từ chiều 11/2/2022, giá xăng tăng lên hơn 1.000 đồng/lít tăng cao nhất trong 8 năm qua.Ảnh: Chu Kiều

Từ chiều 11/2/2022, giá xăng tăng lên hơn 1.000 đồng/lít tăng cao nhất trong 8 năm qua.Ảnh: Chu Kiều

Từ 15 giờ ngày 11/2, liên bộ Công thương - Tài chính vừa chính thức công bố điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, mỗi lít dầu tăng 660- 960 đồng, xăng tăng 960- 980 đồng.

Với đà tăng lần này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng/lít với RON 95, đánh dấu mức cao nhất từ tháng 8/2014. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng, cụ thể, giá dầu hỏa 18.750 đồng/lít (tăng 960 đồng); dầu diesel 19.860 đồng/ lít (tăng 960 đồng); Dầu madut 17.650 đồng/kg (tăng 660 đồng).

Nguyên nhân được giới chuyên gia nhận định là do nhu cầu tiêu thụ xăng và dầu toàn cầu tăng. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa hai nước Nga - Ukraine và lo ngại về khả năng đứt gãy nguồn cung từ các nhà sản xuất như Libya, Saudi Arabia và Iran cũng khiến giá dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu trên thế giới có nhiều biến động thì lại xảy ra việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng, dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn.

Việc giá xăng, dầu liên tục tăng khiến nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, dịch vụ chịu khó khăn “kép” khi giá nhiên liệu đầu vào tăng và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Anh Nguyễn Văn Tấn, một chủ nhà xe ở xã Cao Phong (Sông Lô) chia sẻ:

"Trước đây, nhà xe chạy theo hợp đồng du lịch với các tuyến, điểm du lịch trong nước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế đi lại, gần 3 năm nay, nhà xe buộc phải chuyển hướng sang kinh doanh xe chạy hợp đồng với công nhân theo tuyến Sông Lô – KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) với giá vé 600 nghìn đồng/người/tháng.

Tính ra mỗi ngày, mỗi công nhân chỉ phải bỏ ra 20 nghìn đồng và trung bình mỗi tháng, chi phí cho tiền dầu của nhà xe là 12 triệu đồng/tháng.

Với mức giá xăng, dầu tăng liên tục từ đầu năm đến nay và nhất là từ ngày 11/2, chi phí nhiên liệu đầu vào mỗi ngày của nhà xe tăng thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng, trong khi nhà xe chưa thể tăng giá vé bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần với số lượng ca F0 tăng cao mỗi ngày, lượng công nhân đăng ký đi xe cũng giảm hơn (từ 70 người xuống còn 60 người/tuyến) cùng các chi phí khác như cầu, đường, bảo dưỡng...".

Không riêng nhà xe của anh Tấn, nhiều tháng nay, mặc dù đã được hoạt động trở lại sau khi các địa phương nới lỏng việc thực hiện giãn cách xã hội, song, nhiều đơn vị vận tải, dịch vụ vẫn phải bỏ một khoản chi phí không nhỏ để bù lỗ khi giá cước, giá vé chưa thể tăng cao; người dân vẫn có tâm lý e ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng trong khi giá xăng, dầu ở mức cao cộng với chi phí bảo dưỡng xe, xét nghiệm, hỗ trợ đóng bảo hiểm cho nhân viên.

Nay, giá xăng, dầu được điều chỉnh ở ở mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây các khiến các đơn vị, DN thêm lao đao, tiến thoái lưỡng nan trước việc tạm thời ngưng hoạt động hay tiếp tục bù lỗ để duy trì.

Giá xăng tăng vượt mốc 25.000 đồng/lít ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là người dân. Chị Nguyễn Thị Tuyết Minh ở xã Quất Lưu (Bình Xuyên) cho biết: "Trước đây, tôi chỉ cần đổ 90 nghìn đồng là đầy bình xăng chiếc xe máy Honda Lead này nhưng với giá xăng tăng trong những ngày gần đây, số tiền ấy tăng lên 120 nghìn đồng".

Không chỉ vậy, giá xăng, dầu tăng khiến giá gas những ngày gần đây cũng tăng lên từ 10 - 20 nghìn đồng/bình. NTD lo ngại giá các loại thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng sẽ tiếp đà giá xăng, dầu tăng cao, buộc phải tính toán, cân đối việc chi tiêu hàng ngày.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá xăng, dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước.

Tại Vĩnh Phúc, CPI tháng 1/2022 tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 0,63% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, giá xăng, dầu tăng là một trong những nguyên nhân khiến CPI tăng bởi theo tính toán, hiện, xăng, dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá hàng hóa trong khâu lưu thông.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73848/nhieu-noi-lo-khi-gia-xang-dau-tang-cao-ky-luc.html