Nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng: CATP Hà Nội hướng dẫn phương pháp xử lý ban đầu

Trong thời gian gần đây, trên toàn TP Hà Nội và cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến cho nạn nhân bị thương nặng hoặc tử vong tại chỗ. Việc xử trí ban đầu khi bị tai nạn giao thông có ý nghĩa quan trọng, nhiều trường hợp, nếu được sơ cứu đúng cách và chuyển đến bệnh viện kịp thời, nạn nhân vẫn có thể bảo toàn được mạng sống.

Việc xử trí ban đầu khi bị tai nạn giao thông có ý nghĩa quan trọng

Việc xử trí ban đầu khi bị tai nạn giao thông có ý nghĩa quan trọng

Nguy cơ tai nạn bất ngờ kể cả khi không tham gia giao thông

Khoảng 18g tối 3-4, tài xế Lương Duy Tân (42 tuổi), điều khiển ô tô 7 chỗ hiệu Mitsubishi vào đường dẫn phía trên hầm chui Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Tại đây, ô tô 7 chỗ bất ngờ tông vào đuôi xe khách 16 chỗ. Sau đó, chiếc ô tô con tiếp tục bóp còi, bật xi nhan rẽ phải và lao đi với tốc độ nhanh. Khi đến gần nút giao với Lê Độ thì đâm thẳng vào tiệm bánh mì Đồng Thạnh (số 60A Điện Biên Phủ)

Được biết, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, bên trong tiệm bánh mì có 2 phụ nữ đứng bán tại quầy, 1 phụ nữ khác đang làm rau sống và 2 trẻ em vui chơi. Bên ngoài tiệm bánh mì đang có 2 khách mua hàng.

Do sự việc xảy ra quá nhanh nên tất cả mọi người đều không kịp trở tay, dù một người nhìn thấy xe lao đến và định chạy ra ngoài.

Theo ghi nhận tại hiện trường, ô tô Mitsubishi bị bung túi khí, tài xế Tân bị mắc kẹt phía trong. Người xung quanh đã lật đống đổ nát tìm kiếm nạn nhân và đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Trước đó, cũng tại Hà Nội, một lái xe bất cẩn lùi xe trong ngõ đã làm ảnh hưởng đến hai công nhân đang xây gần đó, một người tử vọng. Rất nhiều những trường hợp không tham gia giao thông cũng bị tai nạn do tình huống bất ngờ.

Chất lượng xe, một trong những nguyên nhân tai nạn tiềm ẩn

Gần đây, nổ lốp xe trên cao tốc hay tình huống bất ngờ mất lái gây tai nạn thường xuyên được chia sẻ trên các diễn đàn, để lại hậu quả thương tâm, đáng tiếc.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong tổng số phương tiện đi đăng kiểm định kỳ trong 2 tháng đầu năm 2022 có khoảng 7,4% không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Phải kiểm đinh xe thường xuyên

Phải kiểm đinh xe thường xuyên

Trong 2 tháng đầu năm 2022, toàn quốc có hơn 681.200 xe ôtô đi đăng kiểm định kỳ tại các trung tâm đăng kiểm, trong đó có hơn 50.300 xe (gần 7,4%) không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong lần kiểm định thứ nhất. Các trường hợp này phải sửa chữa, khắc phục các hạng mục kỹ thuật có khiếm khuyết, khi được kiểm định đạt yêu cầu mới được cấp chứng nhận đăng kiểm.

Các nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất khiến phương tiện không đạt chuẩn kỹ thuật trong lần kiểm định thứ nhất: Hệ thống phanh, khí thải (hơn 30%), hệ thống lái, bánh xe (hơn 8%), còn lại là các nguyên nhân tổng hợp khác.

Đề cập nguyên nhân dẫn đến lỗi bánh xe, theo một số đăng kiểm viên ở Hà Nội, bao gồm các dạng lỗi thuộc về kết cấu, sự hoạt động của bánh xe (vành đĩa không rạn nứt, vênh; độ quay trơn) hoặc lốp xe (thông số lốp, độ mòn, áp suất).

Với phần lốp, đăng kiểm viên kiểm tra các thông số kỹ thuật trên lốp theo quy định của nhà sản xuất, quan sát và đánh giá các dấu hiệu không an toàn (nứt, vỡ, phồng rộp, mòn không đều), lốp đắp và kiểu hoa lốp.

Xử lý ban đầu khi gặp tai nạn xe

Nếu không may gặp tình huống tai nạn, CATP Hà Nội đã đưa ra những hướng dẫn xử lý ban đầu.

Theo đó, khi đứng trước một vụ tai nạn giao thông, để cứu người bị nạn mà không gây thêm sai sót, người cấp cứu cần bình tĩnh, nhanh chóng gọi số 114 cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; gọi khẩn cấp y tế theo số 115; gọi số 113 cho lực lượng Cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường xử lý tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Cố gắng hô hoán những người tham gia giao thông khác dừng lại và cùng hỗ trợ nếu đủ khả năng tiến hành sơ cứu. Trong trường hợp không đủ khả năng xử lý tình huống thì đừng tác động vào nạn nhân, đợi lực lượng chức năng đến giải quyết.

Phải khoanh vùng đánh giá hiện trường tai nan bước đầu

Phải khoanh vùng đánh giá hiện trường tai nan bước đầu

CATP cũng hướng dẫn cần xem xét, đánh giá hiện trường, thực hiện sơ cứu tại chỗ người bị nạn trong lúc chờ cứu trợ y tế.

Sau đó, khoanh vùng hiện trường. Khi xác định hiện trường tai nạn cần khẩn trương khoanh vùng hiện trường để báo hiệu cho các phương tiện tham gia giao thông khác xác định được vị trí xảy ra tai nạn, sự cố (khoảng cách tối thiểu 30m) bằng cách sử dụng phương tiện giao thông của bạn và bật đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc sử dụng các vật có tính chất phản quang, dễ nhận biết để cảnh báo nguy hiểm.

Bước tiếp theo, cần tiếp cận, đánh giá nạn nhân, kiểm tra nạn nhân còn tỉnh hay đã ngất. Trong trường hợp nạn nhân còn tỉnh, tiến hành kiểm tra từng bộ phận cơ thể đồng thời gọi, hỏi xác định vị trí chấn thương của nạn nhân; kiểm tra xem có chảy máu động mạch hay không, kiểm tra xương sống, cổ nạn nhân và đồng thời băng bó, cố định xương, giữ nguyên hiện trường, tạo không khí thoáng cho nạn nhân, mở tấm kính bảo hiểm che mặt (nếu có) để nạn nhân cảm thấy bớt ngột ngạt và thở tốt hơn; giữ yên đầu, nói chuyện với nạn nhân một cách bình tĩnh, giúp nạn nhân tỉnh táo, thư giãn trong tình huống căng thẳng và giữ nạn nhân trong tư thế nằm yên để có thể liên tục đánh giá tình hình cho đến khi xe cứu thương đến.

Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra nạn nhân còn thở hay ngừng thở bằng cách nhìn vào ngực nạn nhân hoặc để tay đặt lên phía trên ngực và áp tai vào lồng ngực nạn nhân để xác định. Nếu còn thở, đưa nạn nhân về tư thế nằm nghiêng hoặc nằm ngửa an toàn và đợi lực lượng cứu thương đến, đồng thời nới lỏng và cởi bỏ quần áo, các dây nịt (như thắt lưng, vòng cổ…). Tất cả các thao tác cần được thực hiện nhanh chóng và khẩn trương vì đối với nạn nhân mỗi phút giây đều rất quý.

Trường hợp nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, kiểm tra mạch nạn nhân bằng cách đặt 2 đầu ngón tay sát giữa cằm và cổ về 2 phía bên trái hoặc phải; hoặc đặt vào cổ tay nạn nhân để kiểm tra mạch. Nếu không bắt được mạch, tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.

Một số lưu ý trong sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông cũng được chỉ ra rằng: Phải sử dụng găng tay sơ cứu để tránh làm vết thương nhiễm trùng (nếu có), và tránh lây bệnh truyền nhiễm cho mình nếu nạn nhân là người có nhiễm bệnh, lau vết máu, khai thông đường thở trước khi tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.

Không lấy bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ, nếu bị vật nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều có thể bị tử vong.

Không đưa bất cứ một vật lạ nào, nước vào miệng người bị nạn, có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.

Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn vì rất có thể gây tổn thương cột sống cổ, thay vào đó nên để nạn nhân nằm ở tư thế đầu thấp hơn chân.

Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường (nếu hiện trường vụ tai nạn đảm bảo an toàn) khi chưa thực hiện các sơ cứu cần thiết. Tuy nhiên cũng cần nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế để có thể cứu chữa kịp thời.

Không nên di chuyển nạn nhân bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do quá trình vận chuyển nạn nhân đi bị xóc dẫn đến nạn nhân bị liệt và tử vong trước khi vào viện.

Thế Vinh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-tai-nan-giao-thong-nghiem-trong-catp-ha-noi-huong-dan-phuong-phap-xu-ly-ban-dau-284232.html