Nhiều tiêu chuẩn mới trong tuyển sinh cử tuyển

Học sinh người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển. Ảnh: MẠNH THÚY

Tin từ Sở GD-ĐT cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên (HSSV) dân tộc thiểu số, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/1/2021. Nghị định nêu rõ, người học là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển gồm người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Như vậy, theo quy định mới, đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển phải là người dân tộc thiểu số, phạm vi đối tượng áp dụng chính sách này đã bị thu hẹp nhiều so với trước đây. Người dân tộc Kinh không còn là đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển (trước đây quy định người dân tộc Kinh không quá 15%).

Nghị định cũng quy định rõ tiêu chuẩn chung của tuyển sinh. Cụ thể, người học được cử tuyển phải thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển; không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

Như vậy so với tiêu chuẩn cũ tại Điều 6 Nghị định 134/2006/NĐ-CP, độ tuổi tiêu chuẩn để tuyển sinh giảm từ không quá 25 tuổi xuống không quá 22 tuổi, thu hẹp phạm vi đối tượng được xem xét hưởng chế độ cử tuyển.

Ngoài tiêu chuẩn chung quy định ở trên, người học được cử tuyển vào đại học phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Tốt nghiệp THPT; xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học THPT đạt loại tốt; xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên; có thời gian học đủ 3 năm học và tốt nghiệp THPT tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

Như vậy, về xếp loại hạnh kiểm của người học được cử tuyển vào đại học, cao đẳng theo tiêu chuẩn mới đã thay đổi từ “Xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khóa) đạt loại khá trở lên” thành “Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học THPT đạt loại tốt”...

Chính sách cử tuyển là một trong nhiều giải pháp quan trọng có hiệu quả góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cho vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, việc bố trí, phân công công tác đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo hệ cử tuyển tại tỉnh trong những năm qua đạt tỉ lệ tương đối thấp, xuất phát từ một số nguyên nhân như: Do nhu cầu công việc, cơ quan, đơn vị, địa phương cử người đi học theo chế độ cử tuyển đã tuyển dụng được người có trình độ, chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của vị trí công việc còn thiếu người trước đó, khi sinh viên cử tuyển ra trường thì hết chỉ tiêu biên chế…

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/250222/nhieu-tieu-chuan-moi-trong-tuyen-sinh-cu-tuyen.html