Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 – Bài 4: Tách Luật Trật tự, ATGT xác định rõ vai trò quản lý

Việc xây dựng Luật Trật tự, ATGT đường bộ trên cơ sở Luật GTĐB 2008, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Tình hình trật tự ATGT trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT

Tình hình trật tự ATGT trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT

Thực tiễn đòi hỏi

Tình hình trật tự, ATGT đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ TNGT đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.

Đại diện Cục CSGT – Bộ Công an cho biết, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật GTĐB năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy. Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật GTĐB năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện như: Quy tắc giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, tuần tra, kiểm soát; quản lý phương tiện giao thông; quản lý người điều khiển phương tiện giao thông; quản lý, vận hành trung tâm chỉ huy giao thông…

Thực tiễn, sau gần 15 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, ATGT đường bộ ở Việt Nam.

Xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ

Dự thảo Luật Luật trật tự, ATGT đường bộ sẽ được trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra gồm 9 chương và 81 điều. Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật đã chuyển toàn bộ chương quy định về phương tiện giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật. Đồng thời, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ GTVT chuyển một số điều luật trong Chương Vận tải đường bộ liên quan đến bảo đảm trật tự, ATGT phương tiện giao thông đường bộ (có tính chất "động") từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT – Cục CSGT: Nội dung đáng chú của dự luật là quy định về quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ của Chính phủ; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ của Bộ Công an; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ tại địa phương theo nguyên tắc không thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, có sự phân công, phân cấp hợp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương vì nhiệm vụ chung. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về giải quyết TNGT đường bộ; Quản lý nhà nước về trật tự, ATGT; bổ sung nội dung các điều luật để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng ứng dụng hiện đại; phục vụ việc xử lý vi phạm giao thông đường bộ được khách quan, chính xác; ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, chống người thi hành công vụ.

Một số điểm đáng lưu ý

Theo dự thảo của Luật Trật tự, ATGT, tại Khoản 3, điều 9 của dự thảo Luật quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái ôtô con (ghế trước ôtô). Trẻ dưới 4 tuổi phải có ghế thiết kế dành cho trẻ, trừ ôtô kinh doanh vận tải hành khách. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ. Nội dung này được bổ sung so với Luật GTĐB hiện hành.

Điều 46 dự thảo Luật quy định ôtô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu như: bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện. Ô tô đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài. Trước khi tổ chức đưa đón học sinh, cơ sở giáo dục đào tạo phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải cấp tỉnh thông tin gồm: hành trình đưa đón, danh sách phương tiện, danh sách lái xe; hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng (nếu có). Theo Luật GTĐB hiện hành, xe chở học sinh được quản lý giống như các loại xe hợp đồng chở khách.

Bên cạnh đó, Điều 49 dự thảo Luật Trật tự, ATGT người tham gia giao thông phải mang các giấy tờ như bằng lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, giấy bảo hiểm. Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước thì người lái xe không phải mang theo. Như vậy, người lái xe sẽ không cần mang theo giấy tờ xe khi đã tích hợp các loại giấy tờ này trong tài khoản Vneid. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thông tin phương tiện và người lái qua ứng dụng này. Công ước Viên quy định hạng A là xe máy, hạng B là ôtô, nhưng Việt Nam lại chia thành A1, A2, A3, B1, B2... do vậy, hạng giấy phép lái xe sẽ được điều chỉnh để phù hợp các công ước mà Việt Nam là thành viên…

Văn Huế - Khánh Lê

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nhin-lai-15-nam-thuc-hien-luat-gtdb-2008-bai-4-tach-luat-trat-tu-atgt-xac-dinh-ro-vai-tro-quan-ly-183231110172932346.htm