Nhìn lại vụ đưa, nhận, môi giới hối lộ xảy ra tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành

Cựu phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Tấn Hoàng là bị can thứ 27 trong vụ án đưa, nhận, môi giới hối lộ, xảy ra tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành...

Liên quan vụ án đưa, nhận, môi giới hối lộ, xảy ra tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng (cũ) - nay là Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tấn Hoàng (nguyên phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) về tội nhận hối lộ.

Theo đó, ông Phạm Tấn Hoàng đã đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đầu thú về hành vi nhận hối lộ số tiền 140 triệu đồng khi xét xử phúc thẩm, giúp bị cáo Trần Hoàng Đan (phạm tội giết người) được giảm 1,5 năm tù. Ông Hoàng đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ.

Ngoài nhận số tiền 140 triệu đồng nêu trên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định ông Phạm Tấn Hoàng còn có hành vi nhận hối lộ để xét xử giám đốc thẩm có lợi cho đương sự trong vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc xảy ra tại tỉnh Quảng Trị.

Cựu phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Tấn Hoàng là bị can thứ 27 trong vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ - xảy ra tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành - đã được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đề nghị truy tố hồi tháng 5-2025.

Trước đó, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố bị can Phạm Việt Cường, nguyên phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng về tội nhận hối lộ, cùng các bị can khác là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, thư ký và luật sư về các tội đưa, nhận, môi giới hối lộ.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định, các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thẩm quyền được giao, câu kết, móc nối và làm cầu nối trung gian cho các bị cáo, đương sự hoặc người quen - để kết nối đến những người có thẩm quyền giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, thương mại - nhằm giúp cho những người có yêu cầu được xử theo hướng có lợi.

Tháng 5-2025, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao ban hành bản cáo trạng truy tố các bị can về các tội đưa, nhận, môi giới hối lộ.

Trong đó, bị can Phạm Việt Cường là thẩm phán được phân công thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm và giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ông Phạm Việt Cường đã nhận hối lộ 770 triệu đồng để giúp giải quyết 3 vụ việc theo hướng có lợi cho một bên đương sự.

Cụ thể, ông Cường nhận 400 triệu đồng để chấp nhận đơn kháng nghị giám đốc thẩm của nguyên đơn đối với vụ tranh chấp quyền sử dụng đất ở Đà Nẵng.

Ông Cường nhận hối lộ 150 triệu đồng để giải quyết đơn đề nghị kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 01/2021/KDTM-PT của Công ty K-Homes tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Ông Cường nhận 220 triệu đồng để xét xử phúc thẩm giảm nhẹ cho 2 bị cáo Phạm Văn Dũng, Phạm Thành Chung về tội giết người.

Bị can Nguyễn Thị Nga (cựu phó trưởng Phòng Giám đốc kiểm tra thuộc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) bị xác định tham gia 10 vụ môi giới hối lộ.

Với chức vụ được phân công là phó phòng Giám đốc kiểm tra, lợi dụng nhiều mối quan hệ quen biết, bà Nga đã nhận tiền làm cầu nối trung gian cho các bị cáo, bị án, đương sự hoặc người quen kết nối đến những người có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Từ đó, giúp cho các bị cáo, bị án hoặc đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại được xét xử theo hướng có lợi. Kết quả điều tra cho thấy bị can Nguyễn Thị Nga đã nhận môi giới tổng số tiền hơn 6,8 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao còn làm rõ hành vi của 16 bị can khác, gồm: Lê Phước Thạnh, cựu phó viện trưởng VKS án hành chính, kinh doanh thương mại (Viện 3), thuộc VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng; Nguyễn Huy Cẩn, cựu phó chánh Tòa dân sự TAND tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Xuân Hưng, cựu chánh án TAND huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai; Hoàng Kiến An, luật sư - giám đốc Công ty Luật Hoàng Xuân Thiết và cộng sự; Một số bị can khác là luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán...

Đầu thú có thể là tình tiết giảm nhẹ

Điểm i Khoản 1 Điều 4 BLTTHS quy định: Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Khoản 2 Điều 51 BLHS quy định: Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhin-lai-vu-dua-nhan-moi-gioi-hoi-lo-xay-ra-tai-tand-cap-cao-tai-da-nang-va-cac-tinh-thanh-post862254.html