Nhớ da diết món Tết của má

MINH HỌA: HƯNG DŨNG

Đi trong nắng xuân tỏa ấm, nhìn cây cối đâm chồi lộc biếc, các loài hoa bắt đầu khoe sắc…báo hiệu Tết sắp cận kề, lòng tôi bồi hồi nhớ lại không khí Tết ngày trước. Anh em chúng tôi được má chăm chút những món ăn, được mặc quần áo mới, được ngồi bên bếp lửa khi nồi bánh tét reo vui và nghe má kể chuyện ngày trước đón Tết thế nào…

Hồi đó Tết càng cận kề má tôi càng tất bật. Qua ngày ông Công, ông Táo về trời, má bắt tay dọn dẹp trong nhà, chăm sóc hàng hoa vạn thọ. Má tôi thường nói: “Ba ngày Tết mà thiếu bình bông vạn thọ trên bàn thờ ông bà thì thấy lòng không an”.

Má “thuộc lòng” sở thích ăn uống của anh em tôi. Đầu tháng Chạp, má đã dọn khoảnh đất sau nhà chuẩn bị trồng ngò, cải, xà lách… để Tết thằng em thứ bảy học ở Sài Gòn về ăn. Những ngày gần Tết, đi chợ thấy có cá hố còn tươi là má mua về làm sạch, nhúng nước muối rồi phơi khô để dành Tết nướng vì con em thứ chín thích món này lắm. Má sửa lại chuồng gà, mua thêm vài con gà giò của thím Ba hàng xóm về nuôi cho mập, thương mấy đứa xa nhà ở Đà Lạt, Đồng Nai hiếm khi được ăn con gà “nhà quê”...

Có năm lập xuân rồi mà trời vẫn còn mưa dầm dề, má lo không biết có kịp làm dưa món cho Tết hay không. Trời vừa hé nắng, má vội hái đu đủ và mua củ kiệu về phơi để làm dưa món cho “đội tàu há mồm” của má ăn trong ba ngày Tết và cha tôi có chút mồi đưa cay với bạn hữu. Má còn đến lò mổ ở đầu làng, dặn trước cái đầu heo để má làm chả thủ. Tôi ưa ăn béo, nếu không có món này má biết thế nào tôi cũng hờn…

Thời bao cấp, nhà có nuôi cặp bò để cày ruộng. Lệ thường chiều mùng 3 Tết má bắt đầu gói bánh tét để cúng “Tết bò”. Má không quên bớt một phần nếp, thịt gói cho tôi cặp bánh “con” để ngày mai đi chận bò (chăn bò) đeo lủng lẳng bên cổ khoe với mấy đứa bạn... Đó cũng là điều mà tụi trẻ con ở quê thích thú mỗi dịp Tết về.

Không quên những cái Tết ngày trước, má mua áo mới cho tôi và hai đứa em kề. Xế chiều, má dẫn anh em tôi băng đồng lên chợ Phú Lâm, mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Đồ được may bằng loại vải bình thường, không đẹp như bây giờ nhưng với tôi đó là niềm vui sướng. Rồi má lại dẫn anh em tôi đến quầy bán dép, mua cho mỗi đứa một đôi đép nhựa mới.

Tôi đâu biết rằng để mua đồ mới đó, má phải bán đi đàn vịt xiêm và mấy con gà cồ thiến lớn. Tôi nhớ, chẳng Tết nào má mua áo mới cho mình. Và tôi nhớ gương mặt má ánh lên niềm hạnh phúc khi thấy anh em tôi tươi cười ướm thử quần áo mới.

Thời bao cấp khó khăn, cả xóm chỉ hai nhà có khuôn bánh thuẫn nên những người trong xóm luân phiên đổ bánh “ké”. Má tôi cũng vì muốn có bánh cúng ông bà và cho con ăn trong ba ngày Tết nên đi từ trưa đến chiều tối mới về, nụ cười nở trên gương mặt lấm tấm mồ hôi: “Dẫy là nhà mình có bánh thuẫn rồi, má lo năm nay không có thì khó ăn nói với cha tụi con”.

Nay thì cuộc sống quá đủ đầy, “nhấn phím” là hàng hóa được giao tận nhà. Nghĩ lại ngày trước, má đi đổ bánh thuẫn “ké” ở xóm dưới, lòng tôi rưng rưng thương má vô cùng…

Năm tháng đi qua, má tôi giờ đã lớn tuổi, anh em chúng tôi đã trưởng thành, rời vòng tay yêu thương của má và có cuộc sống riêng. Chỉ có dịp Tết về, con cháu chắt mới được sum vầy. Nhớ, nhớ lắm cái Tết ấm áp, hạnh phúc được dệt nên từ bàn tay của má! Anh em chúng tôi rất háo hức mong ngày Tết đến để tề tựu về ngôi nhà đầm ấm một thời, để kể má nghe ngày trước chúng tôi rất thích món gì và để đón giao thừa cùng má sau một năm mưu sinh nơi đất khách.

HOÀNG HÀ THẾ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234097/nho-da-diet-mon-tet-cua-ma.html