Nho Quan đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non

Trong thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm xuất hiện và có nguy cơ bùng phát thành dịch như hiện nay, việc đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú cho trẻ luôn được các trường mầm non trên địa bàn huyện Nho Quan quan tâm, chú trọng. Qua đó góp phần cung cấp đủ chất dinh dưỡng theo độ tuổi, nâng cao sức đề kháng, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể tại Trường Mầm non Phú Sơn.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể tại Trường Mầm non Phú Sơn.

Tại Trường Mầm non Phú Sơn, mỗi ngày có gần 280 trẻ ăn bán trú, gồm cả nhóm tuổi mầm non và nhà trẻ. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bữa ăn này, nhà trường nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là khâu nhập nguyên liệu thực phẩm đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời, khâu sơ chế, chế biến, bảo quản được thực hiện theo đúng quy trình, quy định; các dụng cụ, đồ dùng chế biến, chứa đựng thức ăn được vệ sinh sạch sẽ, để nơi khô ráo...

Chị Lê Bích Hồng, nhân viên nuôi dưỡng, Trường Mầm non Phú Sơn cho biết: Sau khi nhận thực phẩm, các khâu từ sơ chế đến chế biến, hoàn thiện đều được thực hiện theo quy trình một chiều, khép kín. Thực phẩm sống, chín được sơ chế và bảo quản riêng, không để bị nhiễm chéo. Các nhân viên nuôi dưỡng được khám sức khỏe vào đầu năm học và được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn trong chế biến thực phẩm an toàn...

Cô giáo Trần Thị Như Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Sơn cho biết: Xác định công tác đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú cho trẻ có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường đã huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng bếp ăn tập thể đạt tiêu chuẩn với các điều kiện đảm bảo vệ sinh, an toàn, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Theo đó, cùng với đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, nhà trường sử dụng nguồn nước đạt quy chuẩn để phục vụ chế biến thức ăn hàng ngày cho trẻ. Nơi thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo hợp vệ sinh. Các đồ dùng, dụng cụ ăn uống của trẻ như bát, đĩa, thìa, cốc, nhà trường đều sử dụng bằng chất liệu inox an toàn. Phòng chia thức ăn chín rộng rãi, sạch sẽ, các cánh cửa ra vào được lắp đặt màng ngăn côn trùng, đảm bảo ngăn ruồi, muỗi xâm nhập vào thực phẩm.

Cô giáo hướng dẫn, động viên trẻ ăn uống đầy đủ để đảm bảo tăng cân, phát triển toàn diện.

Đối với Trường Mầm non Xích Thổ, do trên địa bàn xã có số trẻ trong độ tuổi khá đông, với trên 500 trẻ; cùng với đó là diện tích tự nhiên rộng nên xã tổ chức xây dựng 2 điểm trường. Tại mỗi điểm trường thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho trên 250 trẻ. Hàng ngày, 100% số trẻ được ăn bán trú tại trường với mức ăn 20 nghìn đồng/trẻ, gồm 2 bữa chính và 1 bữa phụ.

Theo cô giáo Đào Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, để đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non, hàng năm, nhà trường triển khai kịp thời đến cán bộ, giáo viên, nhân viên các văn bản hướng dẫn của các cấp về thực hiện an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể. Huy động sự giám sát, theo dõi của Hội cha mẹ học sinh để đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn trong quá trình mua bán, chế biến thực phẩm tại trường.

Đặc biệt, khâu nhập nguyên liệu thực phẩm đầu vào được chú trọng. Nhà trường ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm có đầy đủ giấy tờ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm tươi sống đảm bảo an toàn và được lưu mẫu đúng quy định. Nhà trường cam kết không sử dụng thực phẩm ôi thiu, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nguồn nước sạch, đạt tiêu chuẩn; người chế biến được khám sức khỏe định kỳ theo quy định; các điều kiện về môi trường, nước thải, rác thải được thu gom hàng ngày nhằm đảm bảo vệ sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, giáo viên lớp 5 tuổi B, Trường Mầm non Xích Thổ cho biết: Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong các bữa ăn bán trú tại trường, cùng với thức ăn được chế biến an toàn, nóng sốt, đủ chất dinh dưỡng, chúng tôi còn hướng dẫn trẻ đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh tay, miệng trước và sau khi ăn. Theo dõi sức khỏe, tâm lý của trẻ để động viên, chăm sóc, giúp trẻ có sức khỏe học tập, vui chơi.

Theo bà Hoàng Thị Xuân, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan, toàn huyện có 28 trường mầm non, trong đó có 27 trường mầm non công lập và 1 trường mầm non tư thục, với 337 lớp, nhóm lớp và tổng số trên 9,5 nghìn trẻ em. 100% các trường mầm non trên địa bàn huyện đều tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ.

Hàng năm, công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn bán trú tại các trường mầm non trên địa bàn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng thực hiện thường xuyên và đột xuất. Thông qua đó nắm bắt tình hình thực hiện các quy định về đảm bảo ATTP trong các bếp ăn tập thể trường học. Đồng thời, phát hiện những tồn tại, hạn chế, kịp thời nhắc nhở, yêu cầu các nhà trường khắc phục nhanh chóng, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Qua công tác kiểm tra nhận thấy, các nhà trường đều nâng cao ý thức trách nhiệm, xác định được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ mầm non. Các nhà trường đều quan tâm xây dựng, trang bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nấu ăn. Tuyển dụng, ký hợp đồng với các nhân viên nuôi dưỡng có đủ kiến thức, nhận thức, kỹ năng thực hành chế biến, bảo quản thực phẩm...

Cũng thông qua công tác kiểm tra, ngoài việc yêu cầu các nhà trường phải đảm bảo ATTP bữa ăn bán trú, các đoàn kiểm tra cũng nắm bắt, nhắc nhở các nhà trường cần chú trọng đến việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng việc thường xuyên đổi món ăn phù hợp với thời tiết, theo mùa. Các món ăn cần được tính toán hợp lý, đủ dinh dưỡng và lượng calo cần thiết, tăng sức đề kháng trong thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch, giúp trẻ đủ sức khỏe học tập, vui chơi và phát triển toàn diện. Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Nho Quan không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường học.

Hạnh Chi-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nho-quan-dam-bao-an-toan-thuc-pham-bua-an-ban-tru-cho-tre/d20221106231255702.htm