Nhớ thời quân ngũ: Người chiến sĩ Điện Biên trong chiến thắng trận đầu trên biển

Tôi trở lại thôn Cuối, xã Yên Bằng (Ý Yên, Nam Định) thăm Đại tá Nguyễn Xuân Bột, người chỉ huy tàu phóng ngư lôi làm nên chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày 2-8-1964. Ở tuổi 96, ông Bột tuy không còn nhanh nhẹn, nhưng ký ức về thời trận mạc hào hùng thì vẫn vẹn nguyên.

Nhắc tới Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nhiều người sẽ nhớ đến chiến công của ông trên cương vị Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Tàu phóng ngư lôi 333, trong trận đánh đuổi tàu khu trục Maddox của đế quốc Mỹ. Nhưng ít người biết, trước đó, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông từng là lính bộ binh, lập được nhiều chiến công trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, do có nhiều thành tích trong chiến đấu, ông được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Sư đoàn 320, được làm báo cáo xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 Ông Nguyễn Xuân Bột ôn lại những kỷ vật thời quân ngũ tại nhà riêng.

Ông Nguyễn Xuân Bột ôn lại những kỷ vật thời quân ngũ tại nhà riêng.

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông Nguyễn Xuân Bột được cử đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân. Khi Quân chủng Hải quân thành lập (năm 1955), ông được chọn đi học khóa huấn luyện thuyền trưởng đầu tiên, rồi về công tác ở Phân đội 3, Tiểu đoàn tàu phóng lôi 133.

Năm 1964, để "có cớ" tiến công miền Bắc nước ta, đế quốc Mỹ cho tàu khu trục Maddox xâm phạm hải phận Việt Nam ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ nhằm điều tra các mạng lưới bố phòng của ta. Mặc dù khi ấy hải quân của ta vẫn còn non trẻ, nhưng chủ trương của ta khi ấy là phải đánh đuổi được tàu Maddox. Và Phân đội 3 do Trung úy Nguyễn Xuân Bột chỉ huy được giao nhiệm vụ đánh đuổi tàu Maddox.

Ông Bột hồi tưởng: Phân đội có 3 tàu, gồm 333, 336, 339 cùng 2 tàu tuần tiễu. Tôi khi đó 34 tuổi, Trung úy, làm Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Tàu 333, còn tàu 336 do đồng chí Phạm Văn Tự làm Thuyền trưởng, tàu 339 do đồng chí Nguyễn Văn Giản làm Thuyền trưởng.

Sáng 2-8-1964, sau 8 tiếng vật lộn với sóng gió, 3 tàu phóng lôi của ta đã vượt hơn 100 hải lý từ Quảng Ninh tới vùng biển Hòn Mê (Thanh Hóa) để phục kích. Mấy tiếng sau tàu Maddox xuất hiện. Nhận lệnh xuất kích, tôi cho phân đội chạy theo đội hình hàng dọc, mỗi tàu cách nhau 50 mét, cho radar bám sát mục tiêu. Phát hiện 3 tàu phóng lôi của ta đang tiếp cận, tàu Maddox liền tăng tốc. Phân đội vẫn bám sát. Khi khoảng cách giữa đội hình phân đội với tàu địch khoảng 8 liên (10 liên bằng 1 hải lý, 1 hải lý bằng 1.853 mét), ỷ thế có hỏa lực mạnh, tàu Maddox dùng pháo lớn bắn tới tấp vào đội hình phân đội ta, nhiều vị trí trên tàu ta bị dính đạn, chao đảo...

Trong tình thế đó, Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột lệnh cho Phân đội chuyển đội hình tránh pháo thành "bậc thang trái, bậc thang phải". Pháo trên tàu Maddox vẫn tới tấp nhả đạn. Tôi tăng tốc Tàu 333 để chặn tàu địch, tạo điều kiện cho hai tàu còn lại tiến công. Khi tiếp cận được góc thuận lợi, Thuyền trưởng Tàu 339 Nguyễn Văn Giản hạ lệnh phóng lôi nhưng rất tiếc không trúng mục tiêu.

Lúc này trên trời bất ngờ xuất hiện 5 máy bay Mỹ tập kích, bắn trúng khoang máy chính Tàu 339, khiến 1 pháo thủ và 1 chiến sĩ cơ điện của tàu hy sinh, tàu phải thả trôi. Sau đó, Tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu, rồi phóng lôi. Lần này, rất tiếc vẫn bị chệch. Lúc này, pháo trên tàu địch bắn dữ dội, khi phóng lôi xong, quay ra, Tàu 336 bị trúng đạn, anh Tự là Thuyền trưởng hy sinh tại chỗ, anh Nguyễn Văn Chuẩn, Thuyền phó bị thương vẫn chỉ huy tàu chiến đấu...

Trước tình thế đó, tôi quyết định tăng tốc Tàu 333 lên 42 hải lý/giờ để mở góc mạn. Tình hình lúc đó rất nguy cấp! Cột ăng ten của tàu bị pháo địch đánh gục, không thể báo cáo lên cấp trên. Quả ngư lôi bên trái cũng bị trúng đạn, sợ nổ tàu, tôi lệnh cho anh em giật cò ném xuống biển. Chỉ còn một quả bên phải nên tàu bị lệch, rất khó lái. Khi còn cách tàu địch khoảng 8 liên, tôi tăng tốc tàu lên vận tốc tối đa 52 hải lý/giờ để tiếp cận mục tiêu gần hơn, quyết chiếm được góc mạn phải tàu địch.

Tàu Maddox vẫn xối xả vãi đạn. Còn cách 6 liên, 5 liên thì pháo 14,5mm của ta khai hỏa. Khi chỉ còn 4 liên, rồi 3 liên cả tàu hô: "Chuẩn bị!". Quả ngư lôi xé mặt biển lao đi, chúng tôi nín thở. Tàu Maddox vội vã xoay mũi để tránh nhưng không kịp. Một tiếng nổ vang trời phát ra từ phía tàu Maddox. Anh em hô vang: "Trúng rồi!"

Lúc đó, tôi nhìn rõ cảnh binh lính trên tàu địch chạy nhốn nháo, pháo trên tàu địch đều im bặt. Một tốp máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện để giải vây cho tàu Maddox. Chúng điên cuồng xả rốc két. Cả tàu huy động hết các loại súng, pháo đánh trả. Khoảng 20 phút sau thì cả tàu Maddox và máy bay rút lui ra phía hải phận quốc tế.

Sau trận đánh lịch sử ấy, ông Nguyễn Xuân Bột tiếp tục gắn bó với lực lượng hải quân, tham gia xây dựng, phát triển Trung đoàn 172 (phát triển từ Tiểu đoàn Tàu phóng lôi 133) trên cương vị Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng. Ngay sau khi Sài Gòn giải phóng, ông nhận nhiệm vụ thiêng liêng, chỉ huy đơn vị phối hợp ra giải phóng, đón tù chính trị ở Côn Đảo về đất liền.

Tháng 10-1975, Trung đoàn phát triển thành Lữ đoàn 172, ông là người đầu tiên đảm nhiệm cương vị Lữ đoàn trưởng. Từ năm 1975 đến 1978, ông theo học tại Học viện Hải quân Liên Xô, chuẩn bị cho việc tiếp nhận, vận hành một số tàu do Liên Xô viện trợ. Đến năm 1984 ông nghỉ hưu, về sống tại quê nhà, nơi năm 18 tuổi ông đã ra đi đánh Pháp...

Bài và ảnh: CHU ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nho-thoi-quan-ngu-nguoi-chien-si-dien-bien-trong-chien-thang-tran-dau-tren-bien-784214