Nhớ tình người bên sông

Ngã ba sông vẫn rộng với hai độ lớn ròng, với hai mầu nước mỗi năm và vẫn ngược xuôi đi về ba ngã. Những nhánh sông đã chứng kiến bao nhiêu đứa trẻ dại khờ. Bao nhiêu thứ đã chìm sâu trong đó.

Sông Hậu khi chảy đến địa phận Việt Nam tại thị trấn Long Bình (An Phú, An Giang) chia làm hai ngả. Dòng lớn, sông Hậu cũng chảy lần lần theo đường biên giới, dòng nhỏ, sông Châu Đốc cũng lúc bên này, khi bên kia ở phía thượng nguồn. Với dòng sông Hậu, ký ức của tôi cứ neo mãi... bên bến, dưới phà.

Sông Hậu còn mang tên gọi khác là sông Ba Thắc, bắt nguồn từ tên Bassac theo cách gọi của người Khmer. Ảnh: CTV

Dòng sông này quá quen thuộc. Tôi đã bơi lội trên nó mỗi ngày. Chiều chiều tắm cùng đám bạn, tôi hay lặn qua lặn lại lườn ghe trên bến. Khi chưa biết bơi tôi đã hụt chân vài lần và biết bơi sau những lần hụt chân như vậy. Khá nhiều lần tôi bơi giữa sông cùng mấy bạn rồi “bái bai” những người thím đang quét sân nhà trên bến. Có những mùa lũ, bơi xuồng ngược nước hay bơi tay ngược con nước gần bờ tôi không ngại.

Phà Châu Giang ngày đó cũng nhỏ nhoi, không đông xe cộ như bây giờ. Những chuyến phà ngang cũng hiếm hoi, người chen lấn qua phà. Trong những chuyến phà đông đúc đó, đứa con nít cuối cấp II từ quê ra chợ học là tôi.

Tôi hình như quên hết mọi thứ mà chỉ nhớ mỗi cây viết mực. Nó trị giá chừng vài giạ lúa. Có lẽ nó không là gì với mấy đứa bạn nhưng nó là cả gia tài của tôi. Tôi đi học, vở cũng thiếu, sách cũng xin, viết thì tằn tiện. Tôi phải đi mót từng bông lúa để có được vài giạ lúa đổi cây viết. Khi bơm mực xong tôi cẩn thận lau sạch và để nó y trong hộp như lúc mua ở tiệm.

Con đường của trẻ con là con đường nối tiếp những nông nổi, nếu như quý viết thì thôi cứ ôm cây viết mà ngồi yên lái phà chờ người lên trước rồi hãy bước lên theo. Để đi nhanh hơn mọi người, tôi quên mình đang cầm hộp viết rồi đeo lan-can phà lần từ lái ra mũi. Đó là việc làm quen thuộc của những đứa trẻ con tụi tôi khi phà chạy. Sau những lần bình yên thì cũng có lần cái hộp viết tuột khỏi tay khi phà ra tới giữa sông. Cây viết ở trong hộp nên nó vẫn nổi. Phà đang chạy, tôi chẳng nhớ mình bao nhiêu tuổi mà chỉ có một ý định nhảy xuống nước vớt cây viết bằng được.

Dòng sông mùa yên ả này hình như quá hiền lành trong mắt tôi. Nó không ngừng thôi thúc tôi hãy mạnh dạn băng mình. Mất cây viết khó mua lại, sẽ bị nội rầy. Hãy lao xuống.

Chuyến phà cứ chạy càng xa cây viết. Cái ý nghĩ nhảy xuống sông càng mờ dần. Cho tới khi tôi gặp một chiếc xuồng tam bản đậu cạnh bến phà. “Chú ơi cho con mượn xuồng ra đó vớt cây viết”. Tôi chỉ hỏi càn mà không cần biết đó là xuồng của ai. Người đàn ông nhìn tôi thoáng ngạc nhiên lẫn tội nghiệp. Rất mau ông vui vẻ bơi xuồng đưa tôi ra giữa sông tìm cây viết.

Mắt tôi dáo dác khắp mặt sông. Không nhớ được phà chạy khúc nào và nó đã trôi tới đâu. Tôi vẫn còn nhớ cái hình ảnh nó nổi nhấp nhô trên từng lượn sóng lăn tăn. Nó sắp chìm phải không, mình có kịp không? Tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui sướng ngập tràn khi với tới nắm trọn cái hộp trong lòng bàn tay. Tôi chỉ nhớ cái hộp đã ngấm nước mềm nhũn.

Người đàn ông đó nói với mấy người trên bờ “tội nghiệp con nhà nghèo chớ nếu là mình, mình bỏ rồi, mắc công bơi ra đó vớt”. Nghĩa là tôi nhớ tất cả mọi thứ lúc đó nhưng tôi không ghi nhớ gương mặt của chú cũng không hỏi tên chú. Lúc đó tôi chỉ mừng mà không nhớ mình nên làm gì khác nữa.

Chuyến phà Châu Giang. Ảnh: CTV

Suốt những năm cấp III, tôi với chiếc xe đạp cà tàng mỗi ngày hai hoặc bốn lượt qua lại bến sông này đến trường. Mỗi chuyến phà chở chúng tôi là chở những nỗi niềm riêng mới lớn. Đôi khi là một cuộc giỡn ghép đôi mà tôi giận dỗi bỏ đám bạn ra mỏ bàn đứng một mình... Mỗi lúc như vậy tôi lại hay thả mắt nhìn nước. Trong mắt tôi lúc đó không có ngã ba sông, không có con nước quen thuộc mà chỉ có những sân si lớn ngang trời đất. Tôi lúc đó không có cả cái nghề tương lai và hẳn là không có những bài học về rèn luyện tâm hồn để biết ơn những phước lành mình đã nhận.

Bến Châu Giang, con nước vẫn ngược xuôi qua cái bùng binh mênh mông rồi về ba ngả. Có con nước về ngang nhà tôi, có con nước về ngang trường tôi. Nó đã chứng kiến những năm tháng học trò hồn nhiên trong mù mịt của tôi. Nó đã chứng kiến chiếc xe đạp còi được nhà từ thiện cho, đôi khi nó cũng hờn mình. Cứ xì xẹp giữa đường.
Có năm lũ về rất lớn. Nước đã chạm được cả mái nhà tôi. Càng về sau, lũ ít dần, tôi bận bịu việc trường nên ít lặn lội sông nước. Nhưng do ít lặn lội nên sông nước trở nên hiểm trở trong lòng tôi. Tôi bắt đầu thấy sợ cái ý định lao mình xuống nước vì cây viết năm xưa. Tôi sợ hãi cho ý nghĩ mạo muội của mình. Tôi thấy chơi vơi khi bao nhiêu đứa học trò của mình cũng đang khờ khạo như cái thời tôi mới lớn.

Đứng trên phà tôi nhìn qua khoảng trống của những chiếc xe để nhìn lại bến. Cái bãi trùi đầy nắng của mấy mươi năm trước chỉ còn trong trí nhớ. Trên bến không còn chiếc xuồng nào cả. Những ngôi nhà cũng đã khác xưa. Có thể những ngôi nhà trên bến cũng đã đổi chủ năm lần bảy lượt. Tôi nghe lòng chơi vơi vì biết chắc mãi mãi tôi không thể nào tìm được người từng giúp đỡ mình.

Ngã ba sông đây nước vẫn trôi. Bến phà ngày càng tấp nập. Mai mốt đây người ta sẽ bắc cầu Châu Giang và những chiếc xe sẽ chạy ngang đọt cây, chạy trên lưng con nước. Chắc chắn là tôi vẫn qua lại bến phà này.

Tôi nhìn một chú xe ôm già nua tóc bạc tự hỏi phải chú đó không. Tôi nhìn một ông chủ bán bánh mì bên vỉa hè lối đi xuống phà. Tôi nhìn những ngôi nhà đóng cửa kế đó tôi hỏi ngôi nhà nào có chú. Có khi chú cũng như tôi đã rời dòng sông này từ lâu rồi. Trong chồng chất thời gian, chú có lẽ không nhớ được rằng đã từng giúp một con nhỏ khờ, quê trân bơi xuồng ra sông vớt viết. Cái ước mơ gặp lại người từng giúp đỡ mình thật xa xôi.

Ngã ba sông vẫn rộng với hai độ lớn ròng, với hai mầu nước mỗi năm và vẫn ngược xuôi đi về ba ngã. Những nhánh sông đã chứng kiến bao nhiêu đứa trẻ dại khờ. Bao nhiêu thứ đã chìm sâu trong đó. Trẻ con luôn hiếu kỳ về những dòng sông rộng. Bởi nó không biết dưới đó có gì. Hồi nhỏ tôi vẫn tưởng tượng lắm thứ về cái thế giới đầy bí ẩn đó. Nhưng tưởng tượng nhiều tôi vẫn thích sông nước, vẫn thích lặn lội tới khi nào người mình đóng rong vẫn chẳng muốn thôi. Nhưng vì sao lần đó tôi lại chần chừ? Dòng sông càng rộng càng nguy hiểm nhưng cũng chính dòng sông rộng đã cất tiếng nói cảnh báo, đã đánh thức cơn sợ hãi của một đứa nhỏ lỳ lợm gan góc. Càng lớn, xen lẫn cơn sợ hãi tôi cảm ơn sự lớn lao đầy ám ảnh của dòng sông.

Tôi cảm ơn luôn cái thời dại khờ đã khiến tôi không để tâm nhớ mặt hỏi tên người từng giúp đỡ mình. Bởi những trăn trở đó đã giúp tôi chăm sóc tới bao la hơn là chỉ chăm sóc vẻn vẹn một người ơn. Khi biết mình chẳng thể tìm lại được người cũ để trả ơn, tôi chỉ có thể biến mình thành người cũ để giúp đỡ những đứa trẻ dại khờ. Những ngả đời cứ trôi đi...

Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nho-tinh-nguoi-ben-song-39913.html