Nhớ về đồng đội, thêm quyết tâm giữ vững danh hiệu Quân tiên phong

Buổi Lễ khánh thành Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) hy sinh trong 3 chiến dịch: Đường 9-Khe Sanh (1968), Đường 9-Nam Lào (1971), Xuân-Hè (1972) tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Đông Hà, Quảng Trị) do Sư đoàn 308 tổ chức mới đây diễn ra hết sức ý nghĩa, với sự tham gia của nhiều cựu chiến binh (CCB) qua các thế hệ của Sư đoàn Quân tiên phong.

 Khẩu đội súng cối 82mm của Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308) bắn phá điểm cao 680-Phu Nhoi trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Ảnh tư liệu.

Khẩu đội súng cối 82mm của Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308) bắn phá điểm cao 680-Phu Nhoi trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Ảnh tư liệu.

Trung tướng Ngô Lương Hanh, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 1, Trưởng ban Liên lạc Hội CCB Sư đoàn 308 khu vực Hà Nội kể với cán bộ, chiến sĩ sư đoàn về những mốc son, dấu ấn đáng nhớ của đơn vị từ khi ông còn là chiến sĩ, sau đó trở thành tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, chính trị viên đại đội kiêm Đại đội trưởng Đại đội 15, Trung đoàn 88, tham gia chiến đấu ở cả 3 chiến dịch lớn.

Người chiến sĩ của Đại đội 15 hôm nào vẫn còn nhớ rất rõ kỷ niệm cả đơn vị hành quân ra trận. Đó là ngày 6-3-1968. Từ Vĩnh Phúc, các đơn vị trong sư đoàn vượt sông Hồng sang Sơn Tây rồi hành quân bằng ô tô, tàu thủy theo đường giao liên của Đoàn 559 vào chiến trường. Sư đoàn đến Khe Sanh vào thời điểm Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh diễn ra gần hai tháng. Mặc dù chịu nhiều tổn thất, quân địch vẫn quyết giữ Khe Sanh như "tấm lá chắn" phía tây tuyến phòng thủ đường số 9 của Mỹ, ngụy và là căn cứ lợi hại hòng ngăn chặn sự tiếp tế của ta từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày 9-5-1968, sư đoàn nhận mệnh lệnh chiến đấu: “Cắt đường số 9 từ Rào Quán đến Cù Bốc, đẩy Khe Sanh trở lại tình trạng bị cô lập đường bộ, buộc địch phải ra giải tỏa, tạo thời cơ cho ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ngoài công sự, uy hiếp địch ở Tà Cơn, buộc chúng phải rút lực lượng ở nơi khác tăng cường cho Tà Cơn, đánh giam chân địch, rồi tiêu diệt toàn bộ”. Phương châm tác chiến của sư đoàn là: Đánh địch ngoài công sự là chủ yếu, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, tạo điều kiện đánh lấn. Khi địch từ nơi khác đến ứng cứu thì chuyển sang phương châm: Đánh bồi, đánh nhồi, đánh liên tục.

Hơn một tháng tham gia chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, sư đoàn đã đánh hàng chục trận, quy mô từ đại đội đến tiểu đoàn, nhiều trận chủ động đánh ban ngày, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, bắn rơi 39 máy bay, phá hủy 11 khẩu pháo, cối các loại cùng nhiều vũ khí, khí tài của địch. Trong chiến dịch này có nhiều trận đánh nổi tiếng ở đồi Bằng, làng Cát (của Trung đoàn 102), đánh ở khu điểm cao 680-Phu Nhoi (của Trung đoàn 88)… Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, sư đoàn đã chiến đấu trực tiếp với quân chủ lực tinh nhuệ có trang bị vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ, lập chiến công vẻ vang, góp phần xứng đáng cùng các đơn vị buộc quân Mỹ phải tháo chạy khỏi căn cứ Khe Sanh.

 Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) tiến công quân Mỹ ở đồi Bằng, làng Cát trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Ảnh tư liệu

Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) tiến công quân Mỹ ở đồi Bằng, làng Cát trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Ảnh tư liệu

Trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã chiến đấu liên tục trong 52 ngày đêm. Sư đoàn đã tổ chức nhiều trận đánh và giành thắng lợi lớn ở điểm cao 500 trên đường số 6 Bản Đông. Đặc biệt, Đại đội 7, Trung đoàn 102 chốt giữ kiên cường ở điểm cao 311 dưới mưa bom bão đạn, trở thành chốt thép anh hùng, góp phần quan trọng cho các đơn vị bạn tiêu diệt địch, đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ở Chiến dịch Xuân-Hè 1972, tại Quảng Trị, sư đoàn đánh gần 800 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt và bắt sống hơn 10.000 tên địch, phá hủy và thu nhiều xe tăng, xe thiết giáp, khẩu pháo, bắn rơi 23 máy bay các loại. Chiến công của sư đoàn ở chiến dịch này góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân và dân ta trên mặt trận Quảng Trị cũng như chiến trường miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đưa sự nghiệp cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới.

Tuy giành nhiều thắng lợi trong 3 chiến dịch kể trên nhưng sư đoàn cũng chịu tổn thất về lực lượng. Hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ của sư đoàn, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, thể theo nguyện vọng của các CCB và cán bộ, chiến sĩ sư đoàn, công trình Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của sư đoàn hy sinh trong 3 chiến dịch: Đường 9-Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào, Xuân-Hè 1972, sau 3 tháng thi công đã hoàn thành. Theo Thượng tá Nguyễn Đức Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 308: Công trình thể hiện trách nhiệm, tình cảm, nghĩa tình đồng chí, đồng đội của những người đang sống hôm nay đối với những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; là nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống sâu cho thế hệ trẻ; tiếp thêm động lực cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN THẾ MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/nho-ve-dong-doi-them-quyet-tam-giu-vung-danh-hieu-quan-tien-phong-581616