Nhọc nhằn nghề shipper ở vùng cao

Những năm gần đây, nghề shipper (nhân viên giao nhận hàng hóa) trở nên khá phổ biến, được nhiều người lựa chọn khi hình thức kinh doanh online ra đời và phát triển mạnh. Khác với đồng nghiệp ở miền xuôi, người làm nghề shipper ở miền núi luôn đối mặt với bao nhọc nhằn, rủi ro, hiểm nguy khi phải vượt qua nhiều cung đường lầy lội bùn đất, lổn nhổn đá hộc, đá dăm xuyên qua rừng nguyên sinh rậm rịt, ngoằn ngoèo bám theo sườn núi, vực thẳm… để mang những món hàng đến tận các bản, làng xa xôi, hẻo lánh.

 Chị Nguyễn Thị Thùy Dương bắt đầu vào các bản, làng miền núi để giao hàng. Ảnh: HTS

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương bắt đầu vào các bản, làng miền núi để giao hàng. Ảnh: HTS

Từ sáng sớm, khi đất trời thị trấn Khe Sanh còn chìm trong mưa gió, rét buốt, anh Nguyễn Lương Phúc (31 tuổi) đã trở dậy rồi cột túi đựng hàng hóa lên xe để đến kho hàng của Chi nhánh Giao hàng tiết kiệm huyện Hướng Hóa (Công ty CP Giao hàng tiết kiệm) nhận hàng. Đến nơi, đã thấy nhiều nhân viên giao hàng có mặt để phân loại hàng hóa. Hàng hóa nhanh chóng được phân chia thành từng tuyến đường để giao cho từng nhân viên đảm trách. Anh Phúc nhận hàng đi giao cho khách hàng dọc tuyến đường từ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) đi xã Tà Rụt (huyện Đakrông) với chiều dài quãng đường khoảng 100 km. Vừa chất hàng vào túi đựng hàng, anh Phúc cho biết, hoạt động kinh doanh, mua sắm trực tuyến trên internet ngày càng phát triển đã tạo ra một nghề mới, đó là nghề shipper. Dù trời nắng gắt hay ngày mưa rào; chiều tan tầm ngột ngạt hay sớm mùa đông buốt giá… khách hàng có thể trao đổi, bán, mua hàng bất kể lúc nào chỉ bằng một cái chạm tay vào điện thoại hay click chuột để giao dịch. Còn chuyện món hàng được chuyển từ người bán đến với người mua bằng cách nào thì đã có shipper lo. Nghề shipper đã trở thành loại hình dịch vụ quen thuộc và quan trọng trong thói quen mua sắm của xã hội và ngày càng trở nên “hot” khi nhu cầu của thị trường càng tăng dần lên. Nghề shipper không đòi hỏi bằng cấp, kỹ năng nhiều, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó và sự năng động, nhạy bén. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một shipper nếu có xe máy làm phương tiện di chuyển, có điện thoại kết nối internet để tiện liên lạc và thông thạo địa bàn nơi mình làm việc là có thể sống tốt với nghề.

“Sau 2 năm đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản trở về, tôi chịu cảnh thất nghiệp. Năm 2019, tôi bắt đầu làm nghề shipper cho Chi nhánh Giao hàng tiết kiệm huyện Hướng Hóa. Làm nghề này ở miền xuôi đỡ vất vả một chút, chứ còn miền núi vất vả, nhọc nhằn gấp trăm lần. Vất vả đầu tiên là đường sá đi lại khó khăn. Ví như muốn vận chuyển hàng từ kho hàng của chi nhánh đặt tại thị trấn Khe Sanh vào các bản, làng ở xã Tà Rụt, A Vao, A Bung, A Ngo (huyện Đakrông) phải chạy xe máy từ 80 - 100 km đường toàn đèo dốc. Vào đến trung tâm xã rồi lại gặp phải khó khăn là nhiều bản, làng không có sóng điện thoại nên không thể liên lạc được với khách hàng. Lúc ấy, chỉ còn cách hỏi đường vào bản tìm khách hàng để giao hàng. Rồi về mùa nắng đường sá đi lại khô ráo không nói làm gì, về mùa mưa nhiều khi nhận hàng xong chạy vào đến gần điểm giao hàng thì đường bị sạt lở không vào được, đành gọi điện thoại cho khách hàng để xin khách hàng thông cảm cho giao hàng chậm hơn dự kiến… Ở miền núi, các bản, làng thường nằm cách biệt nhau, nên rất khó tìm đúng địa chỉ. Lúc tìm được nhà mà bị muộn, lệch giờ, khách không nghe máy thì coi như về không…”, anh Phúc cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (25 tuổi) nhân viên giao hàng của Chi nhánh Giao hàng tiết kiệm huyện Hướng Hóa chia sẻ, gần 3 năm gắn bó với nghề shipper miền núi, đến bây giờ chị không thể nhớ hết những kỷ niệm buồn vui trong nghề. Nhớ lại, hồi mới làm cộng tác viên giao hàng cho Công ty CP Giao hàng tiết kiệm (lúc ấy kho hàng chưa đặt ở thị trấn Khe Sanh), có lần chị chạy xe máy gần 70 km vào tận xã Hướng Lập để giao hàng cho khách. Khi giao hàng xong thì trời bắt đầu sẫm tối, chị Dương cứ “thân gái dặm trường” chạy xe một mình giữa rừng núi thâm u để trở ra lại thị trấn Khe Sanh. Bây giờ nhớ lại chị vẫn còn “sởn gai ốc”, bởi lúc ấy nếu xảy ra chuyện gì trên đường thì không biết gọi ai để cầu cứu. Rồi cách đây chưa lâu, có lần chị phải giao hàng cho khách ở bản Pa Roi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa). Trước đó mấy hôm trời mưa tầm tã, con đường dẫn vào nhà khách hàng ở bản Pa Roi trở nên lầy lội khiến chiếc xe máy cùng hàng hóa bị sa lầy, cứ đứng yên không nhúc nhích. Giữa rừng núi hoang vu, chị chỉ biết đứng khóc lặng lẽ. Cũng may, sau đó có mấy người trong bản đi qua đã giúp đỡ chị đưa xe máy cùng hàng hóa ra khỏi đoạn đường lầy lội.

“Ở miền núi cũng có chuyện “bom hàng” chứ không phải chỉ xảy ra ở miền xuôi. Có nhiều lần, đưa hàng vào tận bản giao cho khách, khách hàng mở hàng ra không vừa ý liền mắng tôi xối xả. Khi ấy, tôi chỉ còn cách ngồi lại cố gắng giải thích cho khách hàng hiểu rằng tôi chỉ đi giao hàng chứ không phải bán hàng. Cũng có khách hàng đặt mua hàng, nhưng khi nhân viên giao hàng tìm đến bản, liên lạc với khách hàng để giao hàng thì khách hàng liền tắt máy. Nhân viên giao hàng đành phải mang hàng trở lại kho và sau đó nếu liên lạc không được với khách hàng thì xem như bị “bom hàng”… Và nhiều rủi ro không gọi thành tên khác mà người làm nghề shipper gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Vật vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng đổi lại nguồn thu nhập ổn định nên những người làm nghề shipper như tôi luôn gắn bó với nghề”, chị Dương bộc bạch.

Anh Nguyễn Văn Phong, Quản lý Chi nhánh Giao hàng tiết kiệm huyện Hướng Hóa (Công ty CP Giao hàng tiết kiệm) cho biết, chi nhánh do anh phụ trách hiện có 14 nhân viên giao hàng phụ trách các bản, làng của huyện Hướng Hóa, Đakrông. Cung đường xa nhất mà các nhân viên giao hàng đảm nhận đó là tuyến đường từ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) đi xã Tà Rụt (huyện Đakrông); tuyến đường từ thị trấn Khe Sanh đi xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa). Còn thu nhập của các nhân viên giao hàng thì tùy vào cung đường gần hoặc xa. Đơn cử như nhân viên giao hàng đảm trách tuyến thị trấn Khe Sanh đi xã Tà Rụt thường có thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng (bao gồm chi phí như xăng xe, ăn uống); các tuyến còn lại có thu nhập giao động từ 8 - 15 triệu đồng/ tháng. Dù nhọc nhằn, vất vả nhưng nghề shipper vẫn là một công việc được nhiều người ưu tiên lựa chọn bởi tính cơ động và đem lại thu nhập tốt. Với xu thế phát triển của thị trường mạng online và nhu cầu giao nhận hàng tận nơi, nghề shipper đã trở thành cầu nối giữa người bán với người mua, giúp dòng hàng hóa lưu thông trôi chảy và xuyên suốt.

HTS

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146577