Nhọc nhằn nơi đất khách

Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 4.500 lao động đang làm việc ở nước ngoài qua kênh xuất khẩu lao động. Nguồn kiều hối do xuất khẩu lao động gửi về hằng năm đã giúp các gia đình cải thiện đời sống; góp phần bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, phía sau những đồng ngoại tệ là bao nhọc nhằn, gian khó của lao động Việt Nam nơi xứ người.

 Nhiều gia đình ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, xây dựng những ngôi nhà khang trang nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động

Nhiều gia đình ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, xây dựng những ngôi nhà khang trang nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động

Theo thống kê của các ngành chức năng thì trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có hơn 1.355 lao động xuất khẩu. Một số địa phương làm tốt công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài như huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng… Thành quả của lượng kiếu hối gửi về từ xuất khẩu lao động hiển hiện ở những ngôi nhà cao tầng khang trang, đời sống trong nhiều gia đình có người thân đang lao động ở nước ngoài đủ đầy hơn trước. Cũng từ nguồn tiền gửi về đã góp phần để những con đường bê tông ở nhiều làng quê thêm rộng dài, ngõ xóm thêm phần sạch đẹp. Khi trò chuyện với những lao động đã và đang làm việc ở xứ người, chúng tôi phần nào hiểu thêm về cuộc sống, công việc của lao động Việt Nam.

Anh Nguyễn Lương Phúc (SN 1989) ở thành phố Đông Hà cho biết, mặc dù rời đất nước Nhật Bản để trở về quê hương cách đây 2 năm (năm 2017), nhưng đến tận bây giờ anh vẫn còn nhớ như in sự nhọc nhằn, gian khổ của tháng năm học tập, lao động tại Nhật Bản. Năm 2015, gia đình anh Phúc vay mượn khoản tiền hơn 200 triệu đồng để anh sang Nhật Bản làm việc theo hình thức du học sinh. Chỉ vài ngày đặt chân lên đất nước Nhật Bản, anh nhanh chóng tìm kiếm việc làm. “Ngoài 8 giờ học tại trường, thời gian rảnh rỗi, tôi phải tranh thủ đi làm thêm tại nhà hàng với công việc làm món sashimi từ các loại hải sản. Cũng chỉ là phụ việc cho các đầu bếp. Nhà hàng mà tôi làm việc cả đi lẫn về mất khoảng vài giờ xe buýt trong khi trường chỉ cho phép làm thêm 4 giờ/ngày. Làm xa cũng bởi công việc ở gần trường đã kín người, nên sinh viên mới đều phải đi xa để tìm chỗ làm.

Hầu hết sinh viên phải đi làm nhiều hơn giờ quy định, dù biết rằng bất cứ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt và trục xuất về nước. Mỗi ngày lao động cật lực tại quán ăn, cả thứ bảy và chủ nhật, tôi cũng kiếm được số tiền đủ trang trải cuộc sống và đóng tiền học nơi xứ người. Tháng nào dư dã lắm thì gửi về cho gia đình khoảng 10 - 15 triệu đồng. Có nhiều người sang Nhật Bản làm việc theo hình thức du học sinh, do áp lực gánh nặng kinh tế ở quê nhà, bí quá trốn ra ngoài bất hợp pháp để làm việc tăng thu nhập. Những người ấy cứ ra đường là nhìn trước nhìn sau, sợ sệt, lo lắng và gặp ai cũng sợ bị bắt. Rồi may mắn gặp chủ tốt không sao, gặp phải chủ xấu họ chửi mắng thậm tệ, thậm chí còn tìm đủ cớ quỵt lương. Công sức bỏ ra lại không nhận được đồng lương nào nhưng cũng không dám hé răng nửa lời vì mình là lao động bất hợp pháp”.

“Đất nước Hàn Quốc khi tôi đặt chân đến cứ như là giấc mơ đẹp nhưng cũng lắm gian truân, nhọc nhằn…”, chị Nguyễn Thị K.C. ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, bắt đầu câu chuyện du học của mình như thế. Chị C. chia sẻ, đầu năm 2018 gia đình chị phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ngân hàng để vay gần 300 triệu đồng cho chị sang Hàn Quốc làm việc theo hình thức du học sinh. Hiện tại, thời gian lao động của chị C. chủ yếu là buổi tối. “Mỗi ngày, tôi chỉ có khoảng 3-4 giờ nghỉ ngơi, thời gian còn lại phải lao vào làm việc kiếm tiền. Cứ ban ngày đi học, đêm đi làm, tôi chỉ chợp mắt vài giờ vào lúc rạng sáng. Nhiều khi đi làm về đến phòng người mệt nhoài, chả thiết ăn uống, tắm giặt, học hành. Áp lực học tập cùng với việc kiếm tiền trang trải học phí khiến nhiều du học sinh phải trốn ra ngoài đi làm thêm song rủi ro rất cao. Nếu bị phát hiện, tùy vào mức độ vi phạm mà bị xử phạt, thậm chí bị đuổi về nước. Hiện tại, tôi vừa học, vừa làm nên mỗi tháng dành dụm, tiết kiếm lắm cũng gửi về cho gia đình khoảng 25 - 30 triệu đồng”.

Chị Nguyễn H.L. ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong cho biết mình sang lao động tại Malaysia cách đây 5 năm. Hiện tại, chị L. đang làm công việc làm sạch tổ yến cho một công ty chuyên sản xuất sản phẩm từ tổ yến. Như lời chị thì công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận bởi phải nhặt từng mẫu lông, phân chim yến dính vào tổ. Hằng ngày, chị L. cùng với các lao động Việt Nam phải cặm cụi làm việc khoảng 12 - 15 giờ. Mỗi tháng chị H.L. gửi về cho gia đình khoảng 20 - 30 triệu đồng. Cũng có nhiều lao động Việt Nam trốn ra ngoài tìm kiếm việc làm. Những lao động này có thu nhập cao, nhưng phải luôn sống trong lo sợ bởi những đợt truy quét của cảnh sát Malaysia. Cứ vào đợt truy quét, cảnh sát rất mạnh tay, ô tô đang chạy ngoài đường cũng bị chặn lại kiểm tra xem có chở người lao động bất hợp pháp hay không? “Mang tiếng là sang Malaysia gần 5 năm những tôi chỉ biết con đường đi từ phòng trọ đến nơi làm việc và tới các siêu thị quanh khu vực để mua đồ dùng lúc thật cần thiết. Còn những ngày không làm việc thì chỉ ở nhà ăn, ngủ, lướt web… tiết giảm tối đa chi phí để còn dành dụm gửi tiền về quê”.

Việc làm hấp dẫn, lương cao ở nước ngoài là lí do thu hút nhiều lao động Việt Nam trong đó có tỉnh Quảng Trị. Nhưng ở đó là chuỗi ngày sinh hoạt thiếu thốn trong những căn phòng chật chội và bữa cơm qua loa. Để có được đồng ngoại tệ nơi xứ người, nhiều lao động Việt Nam phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, nước mắt, có khi là cả tính mạng của chính mình.

Hoàng Tiến Sĩ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142299