Nhóm fan không còn dám đến Qatar xem World Cup

Tình yêu cho trái bóng tròn đã phải nhường chỗ cho lo ngại về an toàn khi đến Qatar, khi những fan là người đồng tính tin rằng họ không được chào đón ở quốc gia Trung Đông này.

 Bất chấp những tuyên bố từ chính quyền và ban tổ chức, người thuộc cộng đồng LGBT vẫn dễ gặp rắc rối khi đi xem World Cup.

Bất chấp những tuyên bố từ chính quyền và ban tổ chức, người thuộc cộng đồng LGBT vẫn dễ gặp rắc rối khi đi xem World Cup.

Lúc đầu, Saskia Nino de Rivera rất hào hứng với việc đến Qatar xem chung kết World Cup. Đó là sự kiện thể thao quan trọng với bạn gái của cô - người làm công việc quản lý cho các cầu thủ Mexico.

Saskia thậm chí còn dự định cầu hôn người yêu ở Doha và đăng ảnh lên mạng như một cách đánh dấu kỷ niệm, trước khi quay về nhà, theo AP News.

Nhưng sau khi biết về luật cấm quan hệ đồng tính ở quốc gia Trung Đông này, cặp đôi không còn mặn mà chuyện tới Qatar. Thay vào đó, Saskia đã tổ chức màn cầu hôn trên một SVĐ ở Amsterdam (Hà Lan) vào mùa hè này. Mùa World Cup này, cô chấp nhận ở nhà, còn bạn gái công tác xa.

 Saskia Nino de Rivera (trái) từng dự tính cầu hôn bạn gái ở Qatar. Ảnh: AP News.

Saskia Nino de Rivera (trái) từng dự tính cầu hôn bạn gái ở Qatar. Ảnh: AP News.

“Là người đồng tính nữ, quá khó để chấp nhận rủi ro, đến một đất nước mà chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra và làm thế nào để giữ an toàn. Đó là một quyết định thực sự khó khăn", Saskia nói.

Sự băn khoăn xen lẫn lo lắng của Saskia là tâm trạng chung của fan bóng đá thuộc cộng đồng LGBT nói chung. Nhiều người đang hủy kế hoạch đến Qatar và có ý định "tẩy chay" giải đấu, không theo dõi trên TV.

Hủy bỏ kế hoạch

Trong thời gian nước chủ nhà chuẩn bị những bước cuối cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, quy định cấm đồng tính luyến ái trở thành tiêu điểm. Qatar cho biết mọi người hâm mộ đều được chào đón, bao gồm cả cộng đồng LGBT, song nhấn mạnh du khách cần tôn trọng văn hóa và tuân theo luật pháp của nước sở tại.

Trong số 195 quốc gia trên thế giới, có 11 nơi mà người đồng tính bị trừng phạt bằng cái chết. Và Qatar là một trong số đó.

“Cảm giác lo lắng bao trùm, không có gì có thể đảm bảo chắc chắn an toàn", Katie Halligan (22 tuổi), trưởng dự án Football Beyond Borders kiêm thành viên của cộng đồng LGBT ở Anh, nói với Grazia.

Dù là fan hâm mộ cuồng nhiệt của bóng đá, cô gái thừa nhận "không có cơ hội nào cho tôi đến xem World Cup lần này". Katie khẳng định không muốn đến một nơi phải che giấu bản thân và "đổ tiền du lịch, làm giàu cho một quốc gia mình thấy sai trái về mặt đạo đức".

Những người bạn xung quanh của Katie cũng hành động tương tự. Từ chỗ hào hứng, họ dẹp bỏ sang một bên kế hoạch theo chân đội tuyển đến Doha để cổ vũ.

"Tôi cảm thấy thất vọng trước FIFA khi họ cũng ngầm ủng hộ các quy định của nước chủ nhà", cô tỏ rõ quan điểm.

 Trước những quy định về đồng tính luyến ái của nước chủ nhà, nhiều khán giả quyết định "bỏ giải", không đến Qatar nữa. Ảnh: Grazia.

Trước những quy định về đồng tính luyến ái của nước chủ nhà, nhiều khán giả quyết định "bỏ giải", không đến Qatar nữa. Ảnh: Grazia.

Không muốn che giấu

Một số nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính đang nắm bắt thời điểm này để lên tiếng trong cẩn trọng. Những lo ngại về việc người đồng tính có thể bị bắt giữ, đối xử như thế nào trong và sau khi giải đấu kết thúc được đưa ra.

Rasha Younes, nhà nghiên cứu cấp cao về quyền của cộng đồng LGBT tại Trung Đông và Bắc Phi tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết trong khi các quan chức Qatar cam kết mọi khán giả đều được chào đón, khả năng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn tồn tại ở người dân bản địa.

Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khả năng báo cáo an toàn bạo lực tình dục của nhóm người này vẫn là một dấu hỏi.

Đồng thời, cô lập luận những đề xuất rằng Qatar nên tạo ra ngoại lệ cho người ngoài chính lời nhắc nhở ngầm rằng chính quyền không tin rằng người đồng tính ở nước họ xứng đáng có các quyền cơ bản, nhấn mạnh thêm lo ngại về điều kiện cho nhóm người này ở địa phương, kể cả sau giải đấu.

 Nasser Mohamed hiện sinh sống tại Mỹ, nơi ông không gặp rắc rối khi công khai là người đồng tính. Ảnh: CNN.

Nasser Mohamed hiện sinh sống tại Mỹ, nơi ông không gặp rắc rối khi công khai là người đồng tính. Ảnh: CNN.

Tới đầu năm nay, tiến sĩ Nasser Mohamed chính thức "phủ sóng" truyền thông quốc tế với tư cách là "người đồng tính công khai đầu tiên ở Qatar".

Thực tế, cho tới khi công bố, chính Nas cũng không biết mình là người đầu tiên làm điều này. Anh chỉ nghĩ World Cup 2022 tại Qatar là chất xúc tác cần thiết khi không ai lên tiếng ủng hộ cộng đồng LGBT tại Qatar.

Nas cảnh báo: "Những người thuộc cộng đồng này cần cẩn thận. Lá cờ cầu vồng sẽ chính thức xuất hiện tại các sân vận động. Tuy nhiên, chúng sẽ không được chào đón rộng rãi".

Trước thềm World Cup, lực lượng an ninh Qatar vướng phải cáo buộc ngược đãi người đồng tính. Trong một tuyên bố, chính phủ Qatar đã bác bỏ thông tin này.

"Qatar không dung thứ cho sự phân biệt đối xử. Các chính sách của chúng tôi được củng cố bởi cam kết về quyền con người cho tất cả".

Hiện tại, luật pháp Qatar đề ra mức án tù 1-3 năm đối với bất kỳ ai “xúi giục” hoặc “dụ dỗ” nam giới “thực hiện hành vi quan hệ tình dục”, cũng như “lôi kéo nam giới hoặc phụ nữ dưới bất kỳ hình thức nào để thực hiện hành vi phạm pháp hoặc những hành động vô đạo đức".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhom-fan-khong-con-dam-den-qatar-xem-world-cup-post1374091.html