Những án tử hình gây tranh cãi ở Mỹ

Một phát súng nhưng 2 tên cướp cùng bị cáo buộc là người bóp cò, hay thi hành án người chưa thành niên, người mắc bệnh tâm thần là những vụ án từng gây tranh luận ở Mỹ.

Tòa án Tối cao Mỹ đã công bố ý định xem lại luật khi giới chức lên lịch hành quyết một công dân phạm tội ở tuổi 17. Tuy nhiên, cơ quan chức năng địa phương vẫn hành hình bị cáo theo kế hoạch, bất chấp sự phản đối của luật sư và các nhóm nhân quyền.

Ở một vụ án khác, Ủy ban Ân xá bang Texas đã đề nghị giảm án tử hình của Kelsey xuống chung thân vì bị cáo mắc bệnh tâm thần. Song, thống đốc đã phớt lờ khuyến nghị, vẫn ra lệnh xử tử kẻ gây ra vụ xả súng.

Tử hình người chưa thành niên

Napoleon Beazley mới 17 tuổi vào tháng 4/1994 khi giết một doanh nhân 63 tuổi tên John Luttig để lấy một xe hơi. Anh ta ra tòa ở bang Texas và nhận án tử hình ở tuổi 25.

Vào thời điểm giới chức lên lịch hành quyết Napoleon Beazley, dư luận Mỹ đã tranh luận gay gắt về khía cạnh đạo đức của việc xử tử người chưa thành niên. Và Tòa án tối cao Mỹ công bố ý định xem lại luật.

 Cảnh sát áp giải Napoleon Beazley ra tòa ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: The Guardian.

Cảnh sát áp giải Napoleon Beazley ra tòa ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: The Guardian.

Vào ngày Napoleon Beazley qua đời - 28/5/2002 - bang Missouri quyết định hoãn hành quyết một kẻ sát nhân 17 tuổi tên Christopher Simmons. Giới chức thừa nhận họ cần phải thận trọng trong khi chờ Tòa án Tối cao Mỹ.

Ngược lại, bang Texas không tỏ ra lo lắng như vậy và vẫn hành hình Napoleon Beazley theo kế hoạch bất chấp sự phản đối của các luật sư và các nhóm nhân quyền. Vào tháng 3/2005, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết - dựa trên trường hợp tương tự của Simmons ở bang Missouri - rằng xử tử công dân dưới 18 tuổi là hành động tàn nhẫn và vi hiến, đồng thời cấm việc đó.

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án Tối cao là quá muộn đối với Napoleon Beazley, một trong những trẻ vị thành niên cuối cùng bị hành quyết ở Mỹ.

Walter Long, luật sư biện hộ cho Napoleon vào thời điểm anh ta chết, thừa nhận ông vẫn chịu sự ám ảnh bởi vụ án. "Chúng ta cần thể hiện sự cẩn thận và công bằng trong việc áp dụng luật, những tiêu chí mà bang Texas không tuân thủ", Long nói.

Một viên đạn, 2 tử tù

Một trong những trường hợp kỳ lạ nhất là lần hành quyết chỉ dùng một viên đạn nhưng dẫn đến cái chết của 2 tử tù. Vào ngày 13/10/1980, Joseph Nichols và Willie Williams đã thực hiện vụ cướp tại một cửa hàng thực phẩm ở Houston. Hai tên cướp sát hại chủ cửa hàng.

Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy chủ cửa hàng đã mất mạng bởi một viên đạn. Trong phiên tòa đầu tiên dành riêng cho Willie Williams, bồi thẩm đoàn kết luận bị cáo là người nổ súng.

Bên công tố đưa ra bằng chứng cho thấy Nichols, mặc dù mang súng, đã chạy khỏi cửa hàng và Willie Williams đã quay trở lại rồi bắn nạn nhân. Anh ta bị kết án tử và hành quyết vào năm 1995.

Còn Nichols đối mặt việc xét xử sau phiên tòa dành cho Willie Williams. Phiên tòa đầu tiên bị hủy vì bồi thẩm đoàn không đồng ý về một bản án. Trong phiên tòa thứ hai, bên công tố cáo buộc rằng Nichols mới là kẻ đã bắn phát súng chí mạng.

Jim Marcus, một giáo sư tại Trường luật Đại học Texas đảm nhận vai trò cố vấn pháp lý cho đội bào chữa của Nichols, tỏ ra ngạc nhiên trước hành vi của các công tố viên.

"Nhiệm vụ của các công tố viên là tìm công lý và sự thật. Không thể có chuyện cả 2 kẻ cướp đều giết người. Vì vậy, công tố đã không nói sự thật trong phiên xử Willie hoặc Nichols".

Sau đó, giới chức hành quyết Nichols bằng cách tiêm thuốc độc vào ngày 7/3/2007, khi tử tù 45 tuổi.

Hành quyết kẻ xả súng mắc bệnh tâm thần

Việc thi hành án tử với người mắc bệnh tâm thần ở Mỹ cũng từng là vấn đề được tranh luận. Kelsey Patterson (sinh năm 1954) được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng vào năm 1981. Anh ta đã tham gia 2 vụ xả súng không gây tử vong, và cả 2 lần đều không thể ra tòa do mắc bệnh tâm thần.

Sau đó, vào năm 1992, Kelsey đã bắn 2 người ở thành phố Palestine, bang Texas khiến họ tử vong. Sau vụ xả súng, anh ta đến nhà một người bạn, lột hết quần, áo và đứng trên đường trong tình trạng khỏa thân đến khi cảnh sát đến bắt.

Lần này, các bác sĩ tâm thần đồng ý rằng Kelsey mắc chứng tâm thần phân liệt và anh ta ảo tưởng rằng đang bị điều khiển thông qua chip mà người ngoài hành tinh cấy vào não. Tuy nhiên, anh ta được đánh giá là phù hợp để ra tòa và thẩm phán đã tuyên bị cáo án tử hình.

Trong một trường hợp đặc biệt hiếm gặp, Ủy ban Ân xá bang Texas, một hội đồng do thống đốc bổ nhiệm và luôn cứng rắn với các vụ hành quyết, đã đề nghị giảm án tử hình của Kelsey xuống án chung thân vì bệnh tâm thần của anh ta. Thống đốc Rick Perry đã phớt lờ khuyến nghị, và vẫn ra lệnh xử tử Kelsey vào ngày 18/5/2004

"Bị cáo này là một cá nhân rất bạo lực. Vì lợi ích của công lý và an toàn của người dân, tôi từ chối yêu cầu khoan hồng của bị cáo”, vị thống đốc phát biểu.

Kiến Văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-an-tu-hinh-gay-tranh-cai-o-my-post1313447.html