Những bộ phim ăn khách bị khán giả Trung Quốc thờ ơ

'Oz', 'The Maze Runner' hay 'Inside Out' có thể thu bộn tiền tại Bắc Mỹ hay nhiều nơi. Nhưng nhóm tác phẩm lại bị thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới ghẻ lạnh.

Oz: The Great and Powerful (2013): Được coi là phần tiền truyện của tác phẩm kinh điển The Wizard of Oz (2009), tác phẩm có James Franco đóng chính gây bất ngờ khi thu tới 234 triệu USD tại Bắc Mỹ, bất chấp chất lượng không được lòng giới phê bình. Sau cùng, Oz suýt chút nữa đã cán mốc nửa tỷ USD toàn cầu. Tuy nhiên, trong tổng cộng 493 triệu USD mà Disney thu được tại phòng vé, Trung Quốc chỉ đóng góp một khoản rất nhỏ: 15 triệu USD.

The Maze Runner (2014): Giải mã mê cung là loạt phim dựa trên tiểu thuyết tuổi mới lớn (young adult novel) hiếm hoi được cả độc giả nguyên tác lẫn khán giả điện ảnh mến mộ. Doanh thu mà phần đầu gặt hái là 348 triệu USD toàn cầu, nhưng The Maze Runner thậm chí không thu nổi 25 triệu USD từ Trung Quốc. Sau khi ba tập phim khép lại, tổng thành tích của thương hiệu điện ảnh là 948,8 triệu USD. Song, Fox không thể “giải mã” quốc gia tỷ dân qua con số có phần nghèo nàn 101 triệu USD.

Inside Out (2015): Người Trung Quốc thường yêu thích các phim hoạt hình đến từ Pixar và Disney, như trường hợp của Coco (2017) từng thu 189 triệu USD. Song, cũng có những ngoại lệ. Điển hình nhất là Inside Out. Mùa hè 2015, phim thu vỏn vẹn 15 triệu USD tại quốc gia tỷ dân Đông Á. Trong khi đó, thành tích toàn cầu của tác phẩm sau đó giành giải Oscar lên tới 857 triệu USD.

Power Rangers (2017): Phiên bản điện ảnh mới nhất của 5 anh em siêu nhân thực tế là một “bom xịt” nếu tính trên cấp độ toàn cầu khi chỉ thu 142 triệu USD. Tuy nhiên, thành tích ở quê hương Bắc Mỹ không đến nỗi quá tệ: 85 triệu USD. Thất bại của bộ phim do Saban và Lionsgate sản xuất chủ yếu nằm ở các thị trường quốc tế. Trung Quốc quả là minh chứng rõ ràng nhất. Tại đây, Power Rangers chỉ thu về 4,5 triệu USD.

The Hitman’s Bodyguard (2017): Màn hợp tác giữa Samuel L. Jackson và Ryan Reynolds đem tới những giây phút hài hước sảng khoái. The Hitman’s Bodyguard thực tế là dự án thắng lớn khi thu 180 triệu USD toàn cầu, so với kinh phí sản xuất chỉ 30 triệu USD. Do đó, phim chuẩn bị có phần hậu truyện mang tên The Hitman’s Wife’s Bodyguard. Song, phần đầu rõ ràng còn có thể thắng đậm hơn nếu như khán giả Trung Quốc mở lòng. Ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, phim chỉ thu vỏn vẹn hơn 20 triệu USD.

Crazy Rich Asians (2018): Quy tụ dàn diễn viên toàn người gốc Á, Crazy Rich Asians có thể là “món ăn lạ” đối với khán giả Bắc Mỹ. Điều đó được thể hiện qua doanh thu 174,5 triệu USD tại thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Song, phim tỏ ra nhạt nhòa khi xếp cạnh các tác phẩm Hoa ngữ. Đặt chân tới Trung Quốc, Crazy Rich Asians bị ghẻ lạnh tới không ngờ. Doanh thu của tác phẩm tại đây chỉ là… 1,6 triệu USD. Dẫu vậy, bộ phim vẫn là một cú hit đối với Warner Bros., và hãng đã cho triển khai phần tiếp theo mang tên China Rich Girlfriend.

Star Wars: The Rise of Skywalker (2019): Chuyện Chiến tranh giữa các vì sao bị người Trung Quốc thờ ơ không còn mới mẻ. Gần nhất, The Rise of Skywalker thu hơn 1 tỷ USD toàn cầu. Tuy nhiên, chương khép lại câu chuyện về dòng họ Skywalker chỉ thu vỏn vẹn 20 triệu USD ở Trung Quốc. Trong số các phim Star Wars ra đời từ 2015, thành tích này chỉ cao hơn đúng phần ngoại truyện Solo (16,4 triệu USD, 2018).

An Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-bo-phim-an-khach-bi-khan-gia-trung-quoc-tho-o-post1059662.html