Những 'bông hoa lạ' trên văn đàn Italy

Giống với các quốc gia phương Tây khác, sự ra đời của văn học nữ giới Italy có quan hệ mật thiết với cuộc cách mạng công nghiệp, sự phát triển đó dường như đồng bộ với phong trào nữ quyền.

Sau khi thoát ly khỏi sự ràng buộc của lao động trong gia đình, nữ giới bắt đầu đi vào đời sống văn hóa chung. Đối với văn học, mặc dù góc nhìn và bút pháp không giống nhau nhưng họ trước sau như một, luôn quan tâm đến vận mệnh và biến thiên của dân tộc Italy, nữ giới bị phân biệt đối xử và mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình cho thấy những cản trở trong quan hệ giữa người với người.

Trên văn đàn Italy có một số nhà văn nữ khá nổi bật, sáng tác của họ có khác nhau, nhưng đa phần là phản ánh cuộc sống muôn màu ở các tỉnh phương Nam mang đậm chất hương thôn quê mùa. Grazie Deledda (1871-1926) - đoạt Giải Nobel văn học năm 1926 đến Elsa Morante (1912-1985) là các nhà văn thuộc giai đoạn giao thoa giữa xã hội kiểu mới và xã hội cũ, cách hành văn có thể thấy hình bóng của văn học truyền thống. Còn Anna Maria Ortese (1914-1998), Elena Ferrante (sinh năm 1943) và Wanda Marasco (sinh năm 1953) tập trung vào thể hiện và khắc họa nhân vật và cuộc sống xã hội ở Napoli, tiệm cận với mệnh đề chủ yếu của xã hội đương đại.

Elsa Morante trong cuốn tiểu thuyết trường thiên “Lời nói dối và sự mê tín” miêu tả về tình yêu và hận thù giữa hai gia tộc ở vùng Sicilia, phác họa nên một bức tranh sinh tồn của định mệnh mấy đời nữ giới trong bối cảnh lịch sử xuyên suốt hàng chục năm. Nhân vật chính của tác phẩm-Elisa-là một người “vô dụng” trong những người vô dụng. Cô một thân một mình sống trong căn nhà tầm thường do mẹ kế để lại, giống như một oan hồn, chỉ dựa vào ký ức về cha mẹ, thậm chí cả ông bà nội để lãng phí thời gian. Độc giả có thể mượn “ánh mắt” của cô để thấu thị quỹ đạo sinh tồn của nhiều đời người và phong thổ nơi đây. Tác phẩm của Morante, nhìn từ góc độ thủ pháp nghệ thuật cho đến sự tái tạo hình ảnh nhân vật, đều còn lưu lại ảnh hưởng của “văn học truyền thống”, từ đó tạo nên không khí khác với xã hội đương đại. Cuộc sống của nhân vật trong tiểu thuyết và hiện tại lịch sử lại trái ngược, làm cho tiểu thuyết trở thành “không thể tin”, trong khi đó thủ pháp này là do nhà văn “cố ý” tạo dựng. Sự khác biệt và ngôn ngữ mang tính khảo cứu làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn và đa chiều hơn.

Nếu nói tiểu thuyết của Elsa Morante chủ yếu thể hiện lát cắt dọc đối với xã hội cũ thì tác phẩm tiêu biểu của Grazie Deledda là tiểu thuyết “Cây sậy trong gió”, tuy đề cập đến cuộc sống của nhiều đời người nhưng cũng chủ yếu thể hiện lát cắt ngang về đảo Sardegna trong sự biến thiên của xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hóa, những vấn đề như nghèo đói, mê tín, quan niệm về số mệnh, danh giá của gia đình... chiếm phần lớn tác phẩm. Nhà văn nữ lấy hình tượng “Lau sậy” làm ý tưởng mang tính đại diện, có nghĩa là loài người giống như loài lau sậy kia, mềm yếu, bị một thế lực không thể chiến thắng chi phối. Đối lập với thuyết về số mệnh là phong cảnh độc nhất vô nhị của đảo Sardegna và con người chất phác nơi đây. Trong tác phẩm có một dòng chảy bất tận, mang năng lượng phi phàm, đánh thức khát vọng về tự nhiên và cái đẹp chân thiện mỹ.

Hai tác phẩm trên tuy cùng tập trung miêu tả về cuộc sống trên hai hòn đảo, nhưng thực tế lại phản ánh cả xã hội Italy đang chuyển mình sang thời kỳ mới. Những quan niệm về giá trị và truyền thống sẽ tồn tại trong thời gian và không gian nhất định, nhưng góc nhìn từ truyền thống lại có xuất phát điểm từ hình thức xã hội mới. Từ tác phẩm văn học tự sự của Morante, chúng ta có thể thấy sự thay đổi trong nội dung và tư tưởng. Tác phẩm của bà trập trung vào cuộc sống người dân thường, nơi mà các giá trị về thanh xuân và cái đẹp được thể hiện một cách chân thực nhất.

***

Quan hệ giữa thành thị và nông thôn cùng với con người sống tại đây là chủ đề xuất hiện nhiều nhất. Napoli-một thành phố có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, trong một thời gian dài bị ngoại xâm chiếm đóng, là nơi mà nhà văn gửi gắm ý tưởng sáng tác của mình. Trong các tác phẩm bán chạy nhất của Elena Ferrante nổi bật là 4 tiểu thuyết lấy bối cảnh Napoli bao gồm: “Người bạn tuyệt vời của tôi” (2012), “Câu chuyện về một tên mới” (2013), “Chuyện kẻ ở, người đi” (2014), “Chuyện về đứa trẻ đã mất” (2015). “Bộ tứ Napoli” kể về tình bạn giữa hai người phụ nữ khác họ làm mạch nguồn sáng tác, mô tả mối quan hệ giữa họ trong một thành phố và cuộc đời khác nhau hoàn toàn. Đồng thời, tiểu thuyết cũng mượn câu chuyện này để diễn tả sự thay đổi của Napoli, từ xã hội với nhiều thói cực đoan đến tai họa chiến tranh và quỹ đạo sinh tồn của con người trong môi trường địa lý và lịch sử đặc biệt.

Ngoài các tác gia trên, chúng ta còn có thể thêm vào danh sách cái tên Michela Murgia (sinh năm 1972). Tác phẩm của bà nhìn từ góc độ nào đó có hình ảnh của những nhà văn nói trên, đồng thời phân tích, mổ xẻ các vấn đề nổi bật của xã hội. Trong tiểu thuyết tràn đầy hương vị truyền thống và quê hương, tác phẩm “Bà đồng” (2009) đưa người đọc về với hòn đảo Sardegna những năm 50 của thế kỷ 20. Ở đó, người dân vẫn quen với tập tục lâu đời, có nghĩa là tồn tại vai trò của “Bà đồng”, bà ta là người mà lúc lâm chung họ muốn gặp nhất, được tôn vinh là “Thiên sứ từ bi”. Tác phẩm dùng bút pháp sinh động và sâu sắc, phác họa bức tranh sinh tử nơi hương thôn làm cho người đọc nước mắt như mưa. Tiểu thuyết này không giống với các tác phẩm khác, chỉ đắm chìm vào chủ nghĩa ôn hòa, trữ tình, lãng mạn mà mạnh dạn tìm tòi vấn đề nhận nuôi và cái chết nhẹ nhàng. Đồng thời phản ánh một cách khách quan về đời sống của phụ nữ trong thời kỳ chiến tranh.

Những đại diện ưu tú trong các nhà văn nữ Italy, mà tác phẩm của họ mô tả về một đất nước chúng ta thực chất ít ai hiểu rõ. Với dòng chảy lịch sử lâu đời hàng nghìn năm, nơi đây đã thai nghén những đóa hoa lạ trên văn đàn Italy, và hương sắc của hoa vẫn ngan ngát đâu đây.

Tiểu luận của NGỤY DI PHẠM HUY QUỲNH (dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhung-bong-hoa-la-tren-van-dan-italy-591525