Những 'bông hoa' trên quê hương Đất Tổ

PTĐT - Những năm qua, các thế hệ học sinh, sinh viên Đất Tổ luôn gắng sức học tập, rèn luyện; tích cực tham gia các phong trào tình nguyện, chung sức cùng chính quyền, nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vươn lên trong học tập, nghiên cứu khoa học; sôi nổi tham gia hoạt động, tô thắm hơn cho 'vườn hoa' học sinh, sinh viên tỉnh nhà.

Nguyễn Thị Khánh Linh (ngoài cùng bên trái) cùng cô giáo và bạn trong nhóm nghiên cứu.

Nguyễn Thị Khánh Linh (ngoài cùng bên trái) cùng cô giáo và bạn trong nhóm nghiên cứu.

Nữ sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học

Mới đây, đề tài “Phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp” của sinh viên Nguyễn Thị Khánh Linh và Đào Khánh Chi dưới sự hướng dẫn của ThS. Bùi Thị Loan được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giải Nhất.Sinh ra trong gia đình có truyền thống học tập ở khu 3, xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, Nguyễn Thị Khánh Linh (sinh năm 1999) sinh viên năm thứ 4, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hùng Vương luôn chăm chỉ học tập và đam mê nghiên cứu khoa học. Linh cho biết: “Xâm hại trẻ em là vấn đề toàn cầu, không chỉ gây nên những vết thương trên thân thể mà trẻ còn chịu đựng những đau đớn về mặt tinh thần. Hành vi của những kẻ xâm hại có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đứa trẻ, thậm chí làm các em bị rối loạn tinh thần, hành vi. Chính vì thế, việc giáo dục, rèn luyện các kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh là cần thiết và quan trọng”. Để giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực tạo ra một số sản phẩm: Giáo dục phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học thông qua các hoạt động múa rối; 2 video phim hoạt hình với tiêu đề nhận diện thủ đoạn của kẻ bắt cóc, thủ đoạn của kẻ xâm hại tình dục. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xuất bản bộ truyện tranh gồm 4 câu chuyện: Phòng chống xâm hại khi bị người lạ bắt cóc; phòng chống tai nạn khi tắm sông; phòng chống xâm hại khi ở nhà một mình; phòng chống nguy cơ bị xâm hại. Qua đề tài, nhóm nghiên cứu muốn đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tài liệu hướng dẫn cụ thể về nội dung phòng chống xâm hại học sinh tiểu học nói riêng và học sinh các cấp nói chung; thiết kế thành một nội dung chuyên biệt thay vì đưa vào như một mặt phát triển thể chất như hiện nay vì giáo viên dễ hiểu lầm khi chọn hoạt động chủ đạo để tổ chức thực hiện giáo dục phòng chống xâm hại.

Ninh Thị Diệu Hà (ngồi giữa) trao đổi với các bạn sinh viên về kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội trong nhà trường.

Ninh Thị Diệu Hà (ngồi giữa) trao đổi với các bạn sinh viên về kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội trong nhà trường.

“Hạt giống” phong trào của Trường Cao đẳng Y - Dược Phú Thọ

Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt sáng và nụ cười tươi là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Ninh Thị Diệu Hà - sinh viên lớp CĐ 11A3 - 4, Khoa Dược, Trường Cao đẳng Y - Dược Phú Thọ.Cô sinh viên năm thứ 2 Ninh Thị Diệu Hà không chỉ nổi bật với thành tích học tập tốt, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mà còn sôi nổi, tích cực trong hoạt động, phong trào đoàn. Hiện Diệu Hà là Ủy viên BCH Đoàn trường, Ủy viên BCH Hội Sinh viên trường, Bí thư Chi đoàn và là “hạt nhân” tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT của trường. Năm 2020, trong cuộc thi “Sing your want” do Hội Sinh viên tỉnh tổ chức, Hà đã đạt giải Nhất. Không chỉ vậy, Diệu Hà thường xuyên dàn dựng, tổ chức các hoạt động để lôi cuốn, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên trong lớp, khoa tham gia. Diệu Hà chia sẻ: “Việc khó nhất với người làm công tác đoàn là tập hợp, lôi cuốn được đông đảo các đoàn viên thanh niên tham gia phong trào. Em đã cố gắng tìm hiểu sở trường, thế mạnh của từng bạn trong lớp để thuyết phục, phân công nhiệm vụ cho phù hợp vì vậy đã nhận được sự ủng hộ, tạo sức mạnh đoàn kết để thực hiện có hiệu quả các phong trào do trường phát động”.Đảm nhận vai trò là Trưởng nhóm truyền thông của trường, Diệu Hà cũng đã tích cực viết bài tuyên truyền về các nội dung phát động phong trào thi đua, phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học, sinh viên nói không với các tệ nạn xã hội… Trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh COVID- 19, Ninh Thị Diệu Hà không chỉ viết bài tuyên truyền cho trang web, fanpage của trường mà còn trực tiếp tham gia vận động, phát hơn 10.000 chiếc khẩu trang miễn phí cho người dân trên địa bàn thành phố Việt Trì. Chia sẻ về các kế hoạch trong thời gian tới, Diệu Hà cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực trong học tập, tham gia các hoạt động, phong trào đoàn và dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về làn điệu Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên quê hương Đất Tổ.

Hà Đức Mạnh - học sinh tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Là gương mặt duy nhất của Phú Thọ nằm trong danh sách 130 học sinh, sinh viên tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020, Hà Đức Mạnh, học sinh lớp 9, Trường THCS Lệ Mỹ, xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh chia sẻ rằng, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc được xướng tên trên sân khấu đều khiến em vô cùng xúc động, tự hào.Tham gia cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Mạnh đã chuyên tâm nghiên cứu, tìm hiểu nhiều tư tưởng của Bác thông qua sách báo, kể chuyện… Để có mặt trong vòng chung kết, em phải vượt qua các phần thi trắc nghiệm theo hình thức online hàng tuần; viết bài theo chủ đề cho trước… Hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến vừa đòi hỏi chính xác và nhanh nên nếu không tìm hiểu các kiến thức trước thì sẽ khó để vượt qua. Tại vòng chung kết, tổ chức thi trực tiếp qua 2 vòng thi là đấu loại trực tiếp và chung kết xếp hạng cá nhân vô cùng cam go và căng thẳng nhưng với sự bản lĩnh, tự tin, Hà Đức Mạnh đã trả lời nhanh, chính xác, vượt qua nhiều lượt thí sinh để đạt giải Ba trong cuộc thi. Khi được chia sẻ về bí quyết để đạt được thành tích cao trong cuộc thi, Mạnh cười khiêm tốn và trả lời rằng, chính những câu chuyện kể về Bác như một sức hút mãnh liệt, luôn thôi thúc em tìm đọc để được biết thêm về Người. Em tranh thủ tối đa thời gian tự học để đọc các đầu sách về cuộc đời, tư tưởng… của Bác. Cứ đọc, cứ tìm hiểu về Bác, em thấy mình hiểu ra nhiều vấn đề, tích lũy thêm nhiều kiến thức để chinh phục cuộc thi. Trong học tập, Hà Đức Mạnh cũng là học sinh nằm trong tốp đầu của Trường THCS Lệ Mỹ.

Hạnh Thúy - Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202101/nhung-bong-hoa-tren-que-huong-dat-to-174791