Những ca khúc thắp lên niềm tự hào

Đề tài về thương binh, liệt sỹ đã được nhiều thế hệ nhạc sỹ khai thác, trong đó có nhiều ca khúc đi cùng năm tháng. Cùng chung dòng chảy ấy, các nhạc sỹ xứ Tuyên đã viết lên những tình cảm biết ơn, sự tri ân sâu sắc của mình đối với các anh hùng, liệt sỹ, để từ đó cho ra đời những sáng tác tạo dấu ấn trong lòng người yêu nhạc.

Tiết mục hát múa “Anh giữ trọn màu xanh quê hương” do Đoàn thanh niên
trường Đại học Tân Trào biểu diễn.

Biết bao ca khúc như: Tên anh khúc hát yêu thương, Hát về anh hùng Lộc Viễn Tài, Sáng danh Công an Việt Nam (Đinh Tiến Bình); Anh giữ trọn màu xanh quê hương, Bài ca Hội Nạn nhân chất độc da cam, Lời ru đại ngàn, Nhớ ơn anh thương binh (Tân Điều); Bến bờ đồng đội, Khúc ca chiến sỹ biên phòng, Vào trận mới (Tăng Thình); Đời đời nhớ ơn anh (Trần Ngoan); Cả đời anh hiến cho đất mẹ Việt Nam, Đất nước ơn Anh, Vòng tròn bất tử, Em hát tên anh người liệt sỹ (Đinh Quang Minh)... được các nhạc sỹ xứ Tuyên sáng tác bằng trái tim và tài năng của mình. Những giai điệu ngân rung lên niềm thương tiếc, tri ân những người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và hình ảnh những cựu chiến binh luôn giữ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình.

Mỗi nhạc sỹ có một cách riêng gửi gắm tình cảm qua từng sáng tác. Nhạc sỹ Đinh Quang Minh đã thổi hồn vào mỗi bản nhạc của mình một cách nhẹ nhàng nhưng lại lắng sâu vào trái tim người nghe. Nhiều sáng tác của ông như: “Cả đời anh hiến cho đất mẹ Việt Nam”, “Vòng tròn bất tử”, dù mới chỉ nghe tên bài hát cũng đủ khiến người nghe nghẹn lòng. Tác giả đã nhắc đến công lao của những người chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc; sự mất mát đau thương của những người lính khi chứng kiến đồng đội ngã xuống trong chiến đấu... “Xung quanh anh vòng tròn đồng đội. Trung dũng kiên cường quyết giữ đảo quê hương” (Vòng tròn bất tử).

Tiết mục hát múa “Đất nước ơn anh” do Đoàn Thanh niên trường Đại học Tân Trào biểu diễn.

Tiết mục hát múa “Đất nước ơn anh” do Đoàn Thanh niên trường Đại học Tân Trào biểu diễn.

Thấu hiểu những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại nên mỗi sáng tác của nhạc sỹ Tân Điều luôn chất chứa nhiều cảm xúc. Trong những ca khúc ông sáng tác, nhiều ca khúc đến nay đã gần 40 năm nhưng giai điệu, cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên. Có thể kể đến ca khúc “Nhớ ơn anh thương binh” được ông sáng tác vào năm 1981 với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ trong sáng đã trở thành bài hát quen thuộc với các em thiếu nhi. Bài hát nói lên sự hy sinh thầm lặng của những người lính năm xưa vì độc lập tự do của dân tộc, để hôm nay những thế hệ măng non của đất nước “Noi gương anh em nguyện đêm ngày gắng công. Em hát muôn lời ngàn đời nhớ ơn”. Hay sự hy sinh của những người lính biển đảo và tình cảm, tưởng nhớ của nhân dân với các anh được ông thể hiện qua sáng tác “Anh giữ trọn màu xanh quê hương” (thơ của Nguyễn Tuấn). Những người con trung hiếu ấy, những người chẳng tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc. Các anh đã anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma “Gió thôi gió để mùi hương lặng lẽ, mưa đừng mưa để trái tim bùng lửa. Màu xanh quê hương, màu xanh anh giữ cho Tổ quốc hòa bình, cho đất nước rợp cờ hoa”.

Tiết mục hát “Vào trận mới” do tốp ca nam Câu lạc bộ Văn nghệ hữu nghị Việt - Lào biểu diễn.

Tiết mục hát “Vào trận mới” do tốp ca nam Câu lạc bộ Văn nghệ hữu nghị Việt - Lào biểu diễn.

Mỗi sáng tác của nhạc sỹ Đinh Tiến Bình về chủ đề này đều toát lên sự thành kính, lòng biết ơn trước những hy sinh thầm lặng mà thế hệ cha ông đã đánh đổi máu xương vì tự do của dân tộc. Có một điểm chung bao trùm trong những bài hát do ông sáng tác là giai điệu trầm lắng, tha thiết, không chỉ thể hiện nỗi niềm xúc động riêng của nhạc sỹ mà còn là tiếng lòng của bao người. Trong sáng tác “Tên anh khúc hát yêu thương”, ông đã nêu bật sự cống hiến, hy sinh quên mình của những người lính trên mọi chiến trường. Để giờ đây, khi thời bình, những người đồng đội còn sống vẫn ngày đêm trên những cung đường năm xưa đi tìm kiếm mộ đồng đội mình. Đoạn 2 như một lời tự sự với bao cảm xúc: “Tôi đi tìm anh hỏi rừng cây rừng cây lặng im, hỏi vầng trăng vầng trăng im lặng. Bao cánh rừng bao con suối đã thấm máu các anh. Để hôm nay anh đã hóa thân trên những tượng đài vinh quang”. Dù mất đi nhưng các anh đã hóa thân vào những tượng đài, vào những công trình mới. Các anh là hiện thân cho Tổ quốc, trở thành những khúc hát yêu thương...

Các ca khúc về thương binh, liệt sỹ đã trở thành những giai điệu không thể nào quên, khiến mỗi chúng ta khi được nghe, trái tim lại nghẹn ngào xúc động trong niềm biết ơn vô hạn. Và chính những ca khúc ấy đã thắp lên niềm tự hào trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/nhung-ca-khuc-thap-len-niem-tu-hao-120545.html