Những cách làm hay làm thức dậy vùng rẻo cao Pác Nặm

Linh hoạt thực hiện giảm nghèo bằng nhiều cách, nhiều phương thức đã giúp chủ trương, đường lối, chính sách giảm nghèo bền vững của Nhà nước truyền tải đến người dân huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Từ đây, ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo của người dân được nâng lên, từng bước giúp huyện hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo.

Không chỉ tuyên truyền bằng loa truyền thanh, huyện Pác Nặm đã tổ chức các cuộc thi, các chương trình tìm hiểu về chính sách, chủ trường giảm nghèo bằng nhiều hình thức như Đuổi hình bắt chữ, trả lời trắc nghiệm, tiểu phẩm hài… thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội nông dân… ở các xã.

Đổi mới cách truyền thông

Tiêu biểu như vào đầu tháng 10 vừa qua, cuộc thi “Tìm hiểu chính sách pháp luật về giảm nghèo bền vững” năm 2023 của huyện đã thu hút khá động đoàn viên thanh niên ở các xã trong huyện tham gia. Qua đó, thông điệp về giảm nghèo bền vững đã được truyền tải một cách đơn giản, nhẹ nhàng, không khô cứng như các văn bản hành chính. Từ đây không chỉ giúp các đoàn viên thanh niên mà còn giúp các tầng lớp nhân dân trong huyện nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Có lẽ việc tuyên truyền chính sách giảm nghèo của huyện Pác Nặm không bị khô khan, cứng nhắc nên phần nào tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Dù cuộc sống vẫn khó khăn nhưng ý chí tự lực tự cường của người dân được khơi dậy thông qua những lá đơn tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo.

Gia đình anh Hừ A Dỉa (thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu) tuy thuộc hộ nghèo nhưng anh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đồng thời tìm hướng phát triển kinh tế từ chăn nuôi, nông nghiệp. Theo anh Dỉa, tuy thuộc hộ nghèo nhưng anh không hề bị bỏ rơi mà được hỗ trợ tiếp cận các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tại địa phương ngày một hoàn thiện, chỉ cần cố gắng làm ăn thì sẽ không còn đói nghèo bủa vây. Đến nay, nhờ ý chí mạnh mẽ cùng sự tiếp thu, học hỏi, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, đảm bảo mức sống tối thiểu, các con có điều kiện học hành tốt hơn.

Không chỉ anh Dỉa mà hàng chục hộ dân ở xã Giáo Hiệu đã thấm nhuần chủ trường giảm nghèo của Nhà nước, chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và tập trung vào làm kinh tế với sự hướng dẫn của cán bộ địa phương. Chính vì vậy mà Giáo Hiệu hiện là một trong những địa phương đi đầu trong huyện về giảm nghèo khi có tỷ lệ hộ nghèo dưới 50% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025.

Có thể thấy, những cách truyền thông, tuyên truyền về chính sách, chủ trường giảm nghèo của huyện Pác Nặm đang phát huy tính hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực khi giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp thay đổi về nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Điều này không chỉ thể hiện cách làm sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, sâu sát, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân của các cấp chính quyền cơ sở mà còn khơi dậy thành công ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo trong từng người dân địa phương. Từ đó giúp huyện ngày càng có những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.

Làm thức dậy vùng đất nghèo

Trong số các mô hình giảm nghèo hiệu quả, không thể không kể đến HTX xã Giáo Hiệu (thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu). Dù các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng cũng rất nhanh chóng thích ứng với thị trường khi tích cực vận động các thành viên, nhất là hộ nghèo và cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số tại vùng khó khăn tham gia liên kết sản xuất nông sản như trồng và chế biến bột gạo nếp, trà bí xanh, trà mướp đắng…

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ nguồn vốn giảm nghèo đang mang lại hiệu quả tích cực cho Pắc Nặm.

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ nguồn vốn giảm nghèo đang mang lại hiệu quả tích cực cho Pắc Nặm.

HTX cũng đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu mua 100% sản lượng nông sản cho 42 hộ nghèo và cận nghèo tham gia mô hình. Đến nay, HTX đã phát triển được 4,4ha bí xanh thơm, 2ha mướp đắng rừng và 3,6ha nghệ với 180 hộ liên kết sản xuất, tạo thu nhập cho nhiều hộ dân. Cuối năm 2022, qua rà soát đã có 14 hộ thoát nghèo và cận nghèo nhờ tham gia HTX.

Ngoài HTX Giáo Hiệu, nhiều mô hình phát triển kinh tế của không ít hộ dân đang phát huy hiệu quả trong việc nâng cao đời sống, hỗ trợ giảm nghèo. Chẳng hạn như từ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo, anh Quách Văn Giai (thôn Đông Lẻo, xã Bộc Bố ) đã đầu tư chăn nuôi, từ đó làm được nhà cửa khang trang, mua được đầy đủ đồ dùng, công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình và tái đầu tư sản xuất.

Hay chị Quan Thị Giang, từng là một trong những gia đình nghèo nhất xã Xuân La nhưng được hỗ trợ vay vốn hỗ trợ 10 triệu đồng của chương trình giảm nghèo để phát triển chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu 300 triệu đồng, cuộc sống gia đình hiện đã thuộc diện khấm khá tại địa phương.

Để có được những mô hình giảm nghèo hiệu quả, huyện Pác Nặm đã giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 134, 135, chương trình 30a, dự án 3PAD…

Nhờ đó mà huyện có điều kiện nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa và phát triển sản xuất chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; thực hiện tập huấn kỹ thuật, tư vấn, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho các hộ nghèo để họ phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện vận động người dân chuyển đổi những diện tích lúa, ngô… sản xuất không hiệu quả sang phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa theo quy hoạch vùng và liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Những cách làm này đang giúp Pác Nặm mỗi năm giảm từ 3,5-4% tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 52,42% (giảm 20,3%) so với 2023; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 14,87%.

Đặc biệt với những chương trình, kế hoạch đang triển khai, huyện đang hướng đến mục tiêu đến hết 2023 sẽ giảm được ít nhất 5,33% tỷ lệ hộ nghèo nữa.

Đây là một chỉ tiêu cao hơn so với những chỉ tiêu hàng năm của huyện (giảm 3,5-4% tỷ lệ hộ nghèo), nhất là khi việc bình xét, đánh giá hộ nghèo đã thực hiện theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022-2025 với nhiều yêu cầu cao hơn.

Tạo điều kiện phát triển HTX, tổ hợp tác

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo tại Pác Nặm còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế, thu nhập bình quân đầu người thấp (chưa đến 30 triệu đồng/người/năm).

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, tập trung ở các thôn bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân một phần là các hộ nghèo trên địa bàn huyện thiếu hụt những tiêu chí xã hội cơ bản như thu nhập, việc làm, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, người phụ thuộc trong hộ gia đình...

Là huyện vùng cao với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, địa hình đồi núi phức tạp nên huyện cũng khó thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Bên cạnh đó, thiên tai xảy ra đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.

Để công tác xóa đói, giảm nghèo được bền vững, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát cụ thể, điều tra chính xác tỷ lệ hộ nghèo để phân loại, từ đó có biện pháp giúp đỡ từng hộ một cách phù hợp.

Huyện cũng tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, lồng ghép để xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Pác Nặm cũng chú trọng giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, triển khai đầy đủ, đồng bộ các chính sách giảm nghèo.

Ông Hoàng Văn Ngôn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Pác Nặm cho biết, huyện rất mong có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là nguồn lực trong việc hỗ trợ phục vụ cho chính sách giảm nghèo bền vững , hỗ trợ nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX. Vì kinh tế tập thể, HTX đang là một trong những cách thức hỗ trợ người dân giảm nghèo khá hiệu quả ở vùng núi, vùng sâu vùng xa nhưng do nguồn lực của huyện còn hạn chế nên chưa phát huy được hết hiệu quả của mô hình này.

Hiện huyện đang có xã Giáo Hiệu thực hiện giảm nghèo khá hiệu quả nhờ phát triển được 1 HTX và 18 tổ hợp tác. Chính vì vậy, nhân rộng mô hình HTX tổ hợp tác trong huyện cần đi đôi với đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, qua đó góp phần thực hiện nhóm tiêu chí về kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nhung-cach-lam-hay-lam-thuc-day-vung-reo-cao-pac-nam-1095878.html