Những câu chuyện thành công từ việc trồng rừng ở Gia Lai

Gia Lai có diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng trái phép, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh đã giảm sút nghiêm trọng trong những năm qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi lâm sản, mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực về môi trường và đời sống người dân.

Người dân trên địa bàn xã Đắk Pling khai thác rừng trồng. Ảnh: Thiên Ân

Người dân trên địa bàn xã Đắk Pling khai thác rừng trồng. Ảnh: Thiên Ân

Để khắc phục tình trạng này, trong những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Đặc biệt, ở những vùng đất nghèo, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc trồng rừng đã giúp nhiều hộ dân thay đổi cuộc sống, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Một ví dụ điển hình là ở huyện Kông Chro, một trong những huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Gia Lai. Tại đây, trồng rừng đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, thậm chí vươn lên làm giàu.

Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro: “Trồng rừng là một trong những biện pháp hiệu quả để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở các xã miền núi của huyện. Huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng rừng để tăng thu nhập và phủ xanh các vùng đất trống hoặc bị suy thoái”.

Một số xã có diện tích rừng lớn của huyện Kông Chro là Đắk Song, Đắk Pling và Đắk Pơ Pho. Tại các xã này, người dân đã được cấp phát đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế với các loại cây có giá trị cao như keo lai, bồ đề, bạch đàn, quế... Nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ quan chức năng của địa phương và các tổ chức xã hội, người dân đã được vay vốn ưu đãi để mua cây giống, chăm sóc rừng và trồng xen các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu, khoai... để tăng thu nhập.

Sau 5-6 năm trồng rừng, người dân đã thu hoạch được gỗ và bán được cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn. Mỗi héc ta rừng trồng có thể mang lại từ vài chục đến cả trăm triệu đồng cho người dân. Ngoài ra, người dân còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác như chi phí công tác khuyến lâm, cấp chứng chỉ rừng bền vững, khoán quản lý, bảo vệ rừng...

Hộ ông Đinh Văn Toech (làng Blà, xã Đắk Song) vươn lên làm giàu nhờ tham gia mô hình trồng rừng. Trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào trồng mì, bắp, nhưng do đất bạc màu, địa hình lại nhiều đồi dốc nên hiệu quả không cao. Năm 2016, ông Toech đầu tư trồng hơn 1ha keo lai. Đến nay, diện tích trồng keo đã được gia đình ông mở rộng lên hơn 9ha.

Đầu năm 2023, ông bán 2ha keo trồng từ năm 2016-2017 được hơn 80 triệu đồng. Trên phần diện tích đã khai thác này, gia đình ông đang làm đất, chờ thời tiết thuận lợi sẽ trồng lại rừng.

Ông Toech cho biết: “Tôi dự tính sang năm, gia đình sẽ thu hoạch xoay vòng diện tích rừng còn lại. Với kiểu thu hoạch cuốn chiếu này, gia đình tôi luôn có nguồn thu nhập ổn định”.

Cán bộ xã Đắk Pling và cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất để tăng thu nhập. Ảnh: Thiên Ân

Cán bộ xã Đắk Pling và cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất để tăng thu nhập. Ảnh: Thiên Ân

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Song Trịnh Xuân Trường, thời gian qua, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân kê khai đất lâm nghiệp để đăng ký trồng rừng; tích cực thu hồi diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm để khuyến khích người dân trồng rừng, chăm sóc và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế bền vững.

“Từ năm 2017 đến nay, toàn xã đã trồng được gần 1.300ha rừng theo Dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Dự án bảo vệ và phát triển rừng (Quyết định số 496/QĐ-UBND của UBND tỉnh). Đáng chú ý, trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã tham gia trồng rừng” - ông Trường cho biết thêm.

Ông Đinh Lành, Chủ tịch UBND xã Đắk Pling cho biết: Từ năm 2017 đến nay, toàn xã đã trồng được gần 513ha rừng. Riêng năm 2022, có 16 hộ dân đã bán cho thương lái 64ha rừng trồng đủ chu kỳ khai thác, thu nhập trung bình 70 triệu đồng/ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Ngọc Ẩn thông tin: Từ năm 2017 đến 2022, toàn huyện đã trồng hơn 6.707ha rừng. Tổng kinh phí hỗ trợ một phần cho người dân tham gia trồng rừng sản xuất tập trung giai đoạn này là trên 23,7 tỷ đồng. Việc trồng rừng sản xuất đang là hướng đi đúng, góp phần giúp người dân trên địa bàn xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

Không chỉ ở Kông Chro, việc trồng rừng kinh tế cũng được triển khai ở nhiều địa phương khác của tỉnh Gia Lai như Đắk Đoa, Đắk Pơ, Chư Păh... Nhờ có sự quan tâm của tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức xã hội, người dân đã được tiếp cận với các chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế rừng. Đây là một việc làm ý nghĩa để bảo vệ nguồn lợi lâm sản và duy trì sự cân bằng sinh thái.

Để phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn trong việc trồng rừng kinh tế, tỉnh Gia Lai cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đã ban hành; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về đất đai; nâng cao năng lực quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng; xây dựng các mô hình kinh tế rừng hiệu quả và bền vững; phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để huy động thêm nguồn lực cho hoạt động trồng rừng.

Thiên Ân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-cau-chuyen-thanh-cong-tu-viec-trong-rung-o-gia-lai-post460748.html