Những câu nói cha mẹ 'chết' cũng không được nói với con

Những câu nói đầy bực tức của bố mẹ, những câu so sánh con cái mình với con cái nhà người ta hàng ngày của bố mẹ..., những câu nói tưởng vô thường vô phạt, nói chỉ để hả lòng hả dạ của bố mẹ lại vô tình gây tổn thương con cái của chính mình.

Hầu như cha mẹ nào cũng dành tình yêu thương cho con vô tận. Tuy vậy, trẻ còn nhỏ, những hành động của chúng có thể làm cho bố mẹ 'nổi điên' và trong những lúc như thế, việc buông ra những câu nói có thể vô tình làm tổn thương con trẻ mà bạn không biết. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ khi chúng lớn lên.

Không một cô bé, cậu bé nào muốn nghe lời chửi mắng, thóa mạ của bố mẹ cả. Trong nhiều trường hợp, những lời độc địa, chua cay ấy có sức tàn phá ghê gớm, dẫn con đến hành động dại dột.

Để con phát triển tốt, yêu thương bố mẹ, gia đình, các bậc phụ huynh đừng bao giờ mắc nói với con những câu sau đây:

“Con là đứa vô dụng”

Có thể trẻ không làm được điều gì khiến bạn vừa ý, hoặc chúng cứ động vào cái gì là làm hỏng cái đó, nhưng đừng vội vàng đuổi con ra và nói với con những lời lẽ mang tính miệt thị như vậy.

Những câu này được sử dụng nhiều lần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng thật sự là những người chẳng có ích lợi gì. Trẻ cũng không muốn cố gắng để thay đổi nữa vì chúng sẽ nghĩ rằng: 'Đằng nào trong mắt bố/mẹ, mình đã là người như thế'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Im ngay, tại sao con lại không chịu nghe lời”

Nhiều lúc bực tức, con mè nheo, kêu khóc, bạn không bảo được con mình nên quát mắng con. Như thế sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương vì nghĩ rằng cha mẹ không tôn trọng mình. Thay vì cấm con được phát ngôn, bạn nên thay đổi bằng cách kiên nhẫn nghe con nói.

“Đừng để bố mẹ xấu hổ vì con”

Những đứa trẻ bất hạnh khi phải thường xuyên nghe câu nói này từ cha mẹ sẽ nảy sinh khao khát mãnh liệt được liên tục chứng tỏ cho người khác thấy điều mà chúng nghĩ là thực, con người của chúng là tốt.

Và khi trẻ đón nhận được sự chú ý tích cực mà mình khao khát, chúng lại không biết phải ứng xử thế nào. Chúng có thể bỏ chạy và tìm chỗ trốn. Chúng có thể nổi khùng.

Những đứa trẻ rơi vào tình cảnh này cảm thấy chúng không thực sự có được lựa chọn nào trong đời – chúng sẽ luôn là người mà cha mẹ cảm thấy xấu hổ.

“Bố mày đi lấy vợ khác rồi, không về với mày nữa đâu”

Hoặc là “Mẹ mày đi lấy chồng khác rồi, không về với mày nữa đâu.”

Đây là câu rất hay để được đưa ra dọa dẫm khi đứa trẻ khóc quấy đòi bố hoặc mẹ trong trường hợp bố/mẹ đang đi vắng.

Người lớn nào cũng hiểu rằng đó là câu nói để mua vui hoặc cho đỡ... bực khi việc trông trẻ trở nên mệt mỏi nhưng trẻ con rất dễ hiểu đó là sự thật, có tâm lí lo sợ hoang mang vì nghĩ bố mẹ sẽ thật sự không về với chúng nữa.

“Hư... thì đem ra chợ bán/ đem cho ông Ba Bị bắt nhé”

Người lớn rất hay có thói quen tạo ra những nhân vật, những hành động đáng sợ như “ông Ba Bị”, “con ma” hay “đem ra chợ bán” khi muốn hù dọa, bắt trẻ phải vâng lời.

Có thể khi trẻ lớn, chúng sẽ tự hiểu rằng những lời dọa dẫm kia hoàn toàn là bịa đặt nhưng để trẻ phải sợ hãi, đặc biệt là sợ hãi vì những thứ vô lý, hoang đường thực sự không hề tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

"Con không nhanh chân lên, mẹ sẽ bỏ con lại đấy"

Với con trẻ, nỗi sợ hãi lớn nhất là bị cha mẹ bỏ rơi. Đây có thể là câu nói khi bạn muốn thúc giục bé nhưng bé lại tỏ ra sợ hãi thực sự. Chắc chắn con bạn chỉ nhanh chân trong lần đầu bị bạn giục giã, những lần sau, bé sẽ phát hiện ra rằng bạn chỉ ‘nói chơi’, câu hù dọa này của bạn sẽ mất tác dụng.

Gợi ý dành cho bạn: Nếu muốn bé ghi nhớ và nhanh nhẹn hơn, tốt nhất, bạn có thể đưa ra cho bé vài lời cảnh báo. Nói với bé rằng “Đã đến lúc mẹ con mình phải về nhà rồi” đồng thời dắt tay bé bước theo bạn.

Yêu con thôi chưa đủ. Trẻ rất nhạy cảm và dễ phản ứng với những lời nói xúc phạm của người lớn. Để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng. Một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh nặng lời, xúc phạm đến con.

Điều đặc biệt cần lưu ý là, bố mẹ nên hoàn toàn tránh việc mắng mỏ con trước mặt khách, bạn bè, thầy cô, chốn đông người.... Hành động này khiến bé cảm thấy xấu hổ, “mất mặt” và tổn thương, trở nên tự ti với bản thân mình.

Bố mẹ nên từ bỏ kiểu nhận xét “chụp mũ” kiểu như: “Con bị điểm kém là do lười chảy thây, không cố gắng” mà hãy cho con cơ hội được giãi bày, giải thích.

Một điều rất quan trọng mà bố mẹ cần ghi nhớ, đó là chỉ nên mắng con trong vòng một phút. Nếu dai dẳng nói đi nói lại nhiều lần, con sẽ không muốn nghe nữa.

Bị mắng một hoặc hai lần, thì con sẽ nhận ra mình sai, cảm thấy hối hận và muốn thay đổi. Nhưng nếu hở một tý bố mẹ lại lôi lỗi lầm cũ của con ra mắng mỏ, con sẽ cho rằng bố mẹ chỉ đang ghét mình mà thôi.

Bị la mắng nhiều, con sẽ mất dần sự tự tin, thu mình lại trong vỏ ốc, hay nói dối và luôn sợ sệt, chống đối.

Bố mẹ chỉ nên mắng con khi con phạm phải những lỗi lầm thật sự như: Đánh lại người thân, bắt nạt bạn bè. Nghĩ mình là "ông vua" trong nhà, mặc nhiên mè nheo, mặc nhiên hờn dỗi, khi con lén lấy đồ của người khác.

Bên cạnh đó, bạn hãy nói những điều tích cực với con. Thay vì nói "Không, không được"; "Cấm"; "Đừng", bạn hãy cố gắng trả lời "Có" nhiều hơn.

Ví dụ như, con bạn muốn ăn kem, thay vì nói "không, trừ khi con ăn kem/làm xong bài tập". bạn hãy nói: "Được chứ, con sẽ ăn kem ngay khi ăn cơm/làm bài tập xong nhé".

K. Vân (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/nhung-cau-noi-cha-me-chet-cung-khong-duoc-noi-voi-con-20170719155531748.htm