Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài 2: Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền

Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với ba cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn, đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

>> Bài 1: Mốc son chói lọi

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội

Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3.2.1930 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của giai cấp công nhân và cách mạng Việt Nam; chứng tỏ giai cấp vô sản Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về vai trò lãnh đạo trong phong trào cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong lãnh đạo là Đảng Cộng sản với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, đưa cách mạng nước ta phát triển theo xu thế của thời đại đã được mở ra từ cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) tháng Mười Nga năm 1917.

Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh

Ngay từ khi mới ra đời với khẩu hiệu chiến lược “Độc lập dân tộc” và “Người cày có ruộng”, Đảng đã lãnh đạo nông dân và công nhân trong cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Ở những nơi đó, quần chúng cách mạng đã thực hiện quyền làm chủ, đứng ra tự quản lý đời sống của mình, thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng ở nông thôn. Lần đầu tiên, nhân dân ta thật sự nắm chính quyền ở địa phương.

Cao trào cách mạng 1930-1931 khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam do Ðảng đề ra là đúng đắn và để lại những bài học quý báu về xây dựng liên minh công-nông, về xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, về phát động phong trào quần chúng đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền.

Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) - bước chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám

Cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ thời kỳ 1936-1939, Đảng đã giáo dục và xây dựng được một đội quân chính trị to lớn ở nông thôn và thành thị; đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình.

Bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ; quần chúng được giác ngộ về chính trị và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng; Đảng đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp...

Qua cao trào này, trình độ và khả năng công tác của cán bộ và đảng viên được nâng cao, đội ngũ cán bộ cách mạng dày dạn kinh nghiệm ngày càng đông đảo. Đây là một bước chuẩn bị của nhân dân ta cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945) kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Tháng 9.1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, phát xít Nhật kéo vào Đông Dương (1940). Nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng” vô cùng cực khổ. Ngày 9.3.1945, Nhật hất cẳng Pháp. Đảng đã nhanh chóng chuyển hướng chiến lược, đề ra chủ trương tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, đẩy tới cao trào kháng Nhật, cứu nước. Ngày 12.3.1945, Đảng ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với sự đoàn kết hăng hái, chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên nhân dân ta mấy mươi thế kỷ, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới; kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Khái quát ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng ta đã trưởng thành và phát triển về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc và chống phong kiến không ngừng được bổ sung và làm rõ hơn, đặt nhiệm vụ chống đế quốc giải phóng dân tộc lên hàng đầu, vận dụng đúng đắn và có sự phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng thuộc địa.

Thực tiễn qua 15 năm đấu tranh cách mạng giành chính quyền, Đảng và nhân dân ta đã đặt ra và giải quyết thành công nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ cơ bản trong đường lối chiến lược và sách lược, bảo đảm cho phong trào cách mạng phát triển đúng hướng, phát huy sức mạnh của cả dân tộc.

Theo TTXVN

------------Bài 3: Đảng lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/nhung-chang-duong-ve-vang-cua-dang-bai-2-dang-lanh-dao-dau-tranh-gianh-chinh-quyen-1930-1945-124848