Những chiến binh thầm lặng

Những ngày qua, điều dưỡng Trần Thị Hải, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cảm thấy trong người nhẹ nhàng đi rất nhiều dù công việc tại khoa vẫn cuốn chị đi mỗi ngày. Nhìn nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc của hai cha con người Trung Quốc trong ngày xuất viện, chị Hải cũng thấy niềm vui dâng trào trong lòng mình. Là nhân viên y tế, ai không muốn thấy bệnh nhân của mình khỏi bệnh, nói chi đây là hai bệnh nhân bị nhiễm bệnh truyền nhiễm đặc biệt mà thế giới chưa có thuốc đặc trị. Cả ê-kíp điều trị của Bệnh viện Chợ Rẫy đã cố gắng hết mình để có thể giữ lại mạng sống cho hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên của Việt Nam. Chị Hải cho biết, đối với người làm trong ngành y, họ xác định không có Tết. Nhưng nếu trong trường hợp bình thường, mỗi người cũng có thể sắp xếp nghỉ ngơi với gia đình một vài ngày. Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, những giây phút hiếm hoi bên gia đình của chị Hải cũng đành gác lại. “Hôm đó là ngày nghỉ, nhưng khi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện tôi biết mình phải vào khoa để tăng cường phòng, chống dịch”, chị Hải chia sẻ. Cũng như nhiều nhân viên y tế trong kíp điều trị hai bệnh nhân nhiễm Covid-19, chị Hải phải cố gắng vượt qua những khó khăn từ trang phục bảo hộ, ngôn ngữ, và phải giữ cho tâm lý vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là không để lây nhiễm từ người bệnh. Chị cho biết, trang phục chăm sóc bệnh nhân khiến cơ thể nóng nực, khó chịu, gây cảm giác mệt mỏi. Bên cạnh sự động viên, giúp đỡ của bác sĩ, bản thân chị phải luôn động viên mình để vượt qua, thích nghi dần.

Đối với điều dưỡng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Thị Thanh Hiền, thời gian chăm sóc hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 là những ngày mang nhiều dấu ấn trong công việc. Làm công tác điều dưỡng hơn 10 năm, đã quen với nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt trong môi trường làm việc tại khoa, nhưng khi chăm sóc hai cha con người Trung Quốc đôi lúc chị cũng có phần lo lắng. Đây là căn bệnh mới, lây lan nhanh, lại chưa có phác đồ điều trị chính thức cho nên những ngày đầu chị Hiền cũng có chút lo ngại. Thêm vào đó, sự không hợp tác của bệnh nhân trong những ngày đầu cũng khiến chị Hiền trở nên căng thẳng. “Người cha lúc đầu không chịu tiêm, không chịu truyền nước cho nên chúng tôi phải nhờ người con thuyết phục. Chúng tôi phải thường xuyên động viên tinh thần người bệnh để họ ổn định tâm lý trong suốt thời gian điều trị tại phòng cách ly”, chị Hiền cho biết. Nhưng có lẽ giây phút đáng nhớ nhất với chị Hiền chính là khi người con có kết quả âm tính. Lúc đó, tâm lý người cha cũng thoải mái hơn, không còn khó chịu như trước và ông tin tưởng đội ngũ y tế của bệnh viện cho nên việc điều trị, chăm sóc cũng tiến triển thuận lợi. Và chị Hiền cũng không còn cảm giác căng thẳng như những ngày đầu.

Đối với chị Huỳnh Thị Sáu, dù không phải là điều dưỡng, nhưng công việc của chị thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân trong khu vực cách ly. Làm lao công tại Khoa Bệnh nhiệt đới hơn 5 năm, chị Sáu cũng có chút... sợ sợ khi nghe nói đến hai bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Trong suốt thời gian điều trị, mỗi ngày chị Sáu đều vào phòng cách ly của hai bệnh nhân lau dọn. Là người phụ trách vệ sinh bề mặt, cho nên sau khi bác sĩ, điều dưỡng xong nhiệm vụ, chị bắt đầu vào phòng và lau từng thanh giường, mặt bàn, sàn nhà, hay tay nắm cửa... “Mỗi lần làm vệ sinh như thế khoảng một tiếng, có khi lâu hơn. Lúc đầu chưa quen trang phục bảo hộ, khi xong việc tôi mệt như muốn xỉu”, chị Sáu tâm sự.

Dù nhiều người thân biết việc làm của chị đã khuyên chị nghỉ vì sợ lây nhiễm nhưng chị vẫn ở lại với công việc, với kíp điều trị.

Chị Trần Thị Hải tâm sự, ngoài lòng yêu nghề, sự động viên của lãnh đạo, đồng nghiệp, người thân trong gia đình đã trở thành nguồn cổ vũ rất lớn để chị vượt qua những trở ngại trong suốt quá trình điều trị hai bệnh nhân nhiễm Covid-19. “Khi biết tôi phải tăng cường trực trong dịp Tết, chồng đã thông cảm và thay tôi sắp xếp công việc nhà. Những lời động viên như tiếp thêm sức mạnh để tôi hoàn thành tốt công việc”, chị Hải xúc động. Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết, khi được người thân trong gia đình động viên, ủng hộ công việc của mình thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc để chị xóa tan những lo lắng, sợ sệt trong lòng trước căn bệnh truyền nhiễm đang hoành hành trên thế giới, mà trở nên bản lĩnh hơn, tự tin trong việc chăm sóc bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, lực lượng điều dưỡng, lao công là những người đáng trân trọng, cần được nhắc đến trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Họ luôn ở hậu phương, là những chiến binh lặng lẽ không sợ nguy hiểm để góp phần vào thành công của hai ca điều trị vừa qua.

Cánh cửa ghi dòng chữ “Khu vực cách ly cấm thân nhân ra vào” tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã được thanh trùng theo quy trình chống nhiễm khuẩn và tạm thời để ở chế độ chờ. Tuy nhiên, với đội ngũ y tế Bệnh viện Chợ Rẫy, họ biết rằng, không thể lơ là mà phải luôn trong tâm thế sẵn sàng để chủ động trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh còn rất nhiều gian nan phía trước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43416102-nhung-chien-binh-tham-lang.html